Thứ Hai, 15 tháng 9, 2014

Số đông họa sỹ trẻ Việt Nam lười quá!

>> Từ “cú sốc” của tranh Việt Nam ở Singapore


VIỆT VĂN 

Lao Động - Gần đây, giới hội họa Việt xôn xao về thông tin tại một cuộc đấu giá tranh ở Singapore, tranh họa sĩ Việt Nam (VN) rớt giá thê thảm. Ai đời tranh sơn dầu trên canvas 60x65cm của họa sĩ nổi tiếng Đặng Xuân Hòa bán có 464 đô la Singapore (SGD) hay một cặp tranh của Trịnh Quang Tùng, cùng sơn dầu trên canvas 70x90cm và Đỗ Phấn 72x65cm, bán được có 732 SGD.

Dĩ nhiên không thể nhìn vào một phiên đấu giá mà quá bi quan, nhưng thực sự tranh VN từ lâu đã không còn sáng giá trên thị trường quốc tế, một phần vì tài năng họa sĩ, phần vì nạn chép tranh giả quá kinh khủng.

Mới đây, khi ngồi với một họa sĩ trẻ VN, anh nói thẳng: Để vẽ tranh, tinh thần phải mạnh (dĩ nhiên là phải có tài). Tinh thần tốt có khi vẽ tranh một giờ bằng cả ngày. Và họa sĩ rất cần một nơi chốn của riêng mình - đó là xưởng vẽ, sắp đặt bút, màu sẵn sàng để hứng thú vẽ, chứ không phải là một nơi bừa bãi, ẩu tả theo kiểu “nghệ sĩ”. Nhưng nhiều họa sĩ trẻ VN lười, háo danh, chỉ thích “chém gió”. 

Anh dẫn ra một nhóm họa sĩ Thái Lan sang VN, họ chỉ đòi dẫn đi vẽ, thậm chí tối về khách sạn còn ra ban công vẽ thành phố đêm. Còn họa sĩ Việt ở xa đến HN gặp bạn đồng môn chỉ hỏi tối nay ăn gì, đi đâu chơi vui. Họa sĩ VN động tý kêu chán, không hứng thú vẽ, cứ như chán là nguyên nhân khách quan, trong khi chán là do bản thân họa sĩ. Thời gian của nhiều họa sĩ là uống rượu và “chém gió”. Chém tưng bừng không mệt mỏi hết ngày này qua ngày khác.

Bạn tôi còn nói nhiều họa sĩ trẻ VN làm việc nghiệp dư quá, một năm vẽ có mấy bức mà bức dở, bức hay cứ loạn cả lên, trong khi một họa sĩ chuyên nghiệp phải âm thầm sáng tạo, mỗi năm có khi vẽ cả gần trăm bức mà bức nào cũng đạt một “trình” nhất định. 

Không có ăn may hay thất thường ở đây. Bạn tôi dẫn ra khả năng sáng tạo và lao động phi thường của danh họa Van Gogh về cuối đời để sau này để lại những kiệt tác. Phải coi vẽ như hơi thở hàng ngày, và chính cái sức mạnh tinh thần sẽ vượt lên kể cả khi thể xác đang ốm yếu.

Tôi thì nghĩ trong bản thể mỗi nghệ sĩ phải luôn luôn nuôi dưỡng một ngọn lửa sáng tạo xuất phát từ đam mê mãnh liệt mà người đó không thể không làm. Nhưng trước hết đó phải là nghệ sĩ đích thực, chứ không phải dạng nghệ sĩ “tài năng có hạn, thủ đoạn vô biên”.