LĐO - Khởi công năm 2013, với mức đầu tư hơn 55 triệu USD (tương đương hơn 1.000 tỉ đồng), hợp phần tuyến xe buýt nhanh Hanoi BRT (từ bến xe Yên Nghĩa tới bến xe Kim Mã) được kỳ vọng là bước đột phá của giao thông thủ đô; góp phần hiện đại hóa giao thông đô thị Hà Nội, giảm thiểu ùn tắc giao thông. Theo dự kiến, dự án này sẽ hoàn thành vào cuối năm 2015. Nhưng cho đến nay, sau gần ba năm triển khai, dự án này vẫn chưa được đưa vào sử dụng. Hiện tại, hàng loạt nhà chờ xe buýt nhanh (BRT) ở Hà Nội đã hoen gỉ, bong tróc viền mái. Nhiều người dân thấy nhà chờ xe buýt bị “bỏ hoang” đã lợi dụng để phóng uế, tiểu tiện.
“Hy sinh” đường mới…
Dự án xe buýt nhanh Hanoi BRT là một hợp phần nằm trong dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 1837/QĐ-UBND ngày 10.5.2007 và sử dụng vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới.
Hệ thống xe buýt nhanh Hanoi BRT do Sở Xây dựng Hà Nội làm chủ đầu tư và phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư phát triển giao thông đô thị Hà Nội triển khai xây dựng.
Tuyến buýt nhanh thí điểm đầu tiên của Hà Nội sẽ chạy theo lộ trình Yên Nghĩa - Ba La - Lê Trọng Tấn - Tố Hữu - Lê Văn Lương - Láng Hạ - Giảng Võ - bến xe Kim Mã. Theo đơn vị quản lý, xe buýt nhanh di chuyển cả chặng Kim Mã - Yên Nghĩa dài 14,7km, chiều rộng mặt đường dành riêng cho loại hình này là khoảng 3,75m và gồm có 21 nhà chờ xe buýt nằm trên dải phân cách giữa đường; 1 trạm trung chuyển bến xe Kim Mã; 1 trạm đầu cuối Yên Nghĩa và 4 cầu đi bộ tiếp cận nhà chờ. Có 1 trạm sửa chữa, bảo dưỡng trong bến xe Yên Nghĩa. Sử dụng xe buýt dài 12m. Trên các tuyến phố trong lộ trình sẽ có làn đường chỉ dành riêng cho xe buýt nhanh.
Dự kiến sẽ đạt tốc độ trung bình khoảng 22-25km/h. Khả năng vận chuyển có thể vượt khoảng 200% so với dự kiến 90 hành khách của mỗi xe.
Để thực hiện dự án này, tuyến đường vừa được đưa vào sử dụng trước đó vài tháng (10.2010), mặt đường Lê Văn Lương đã bị đào bới để thay thế bằng bêtông. Theo tính toán, chỉ tính các điểm dừng đỗ của xe buýt với chiều dài 3km, việc bỏ nhựa để thảm bêtông cũng tiêu tốn cho ngân sách khoảng 12 tỉ đồng.
…để xây nhà chờ xe buýt 5 sao cho… dân đi vệ sinh
Dự án có tổng mức đầu tư: 460,192 triệu USD, tương đương 9.664,032 tỉ VND (vốn IDA: 130,198 triệu USD; vốn GEF+PHRD: 11,15 triệu USD; vốn đối ứng chính phủ: 318,844 triệu USD). Trong đó hợp phần BRT có tổng mức đầu tư là: 55,33 triệu USD (vốn IDA: 49,13 triệu USD; vốn GEF: 3,3 triệu USD; vốn đối ứng chính phủ: 2,9 triệu USD). Ngày 4.3.2013, dự án được khởi công với tổng số vốn đầu tư khoảng 55,33 triệu USD (khoảng hơn 1.000 tỉ đồng) bao gồm chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng, mua sắm đoàn xe, xây dựng nhà chờ, các điểm đầu cuối, depot, trung tâm quản lý BRT, hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống vé, hệ thống đèn tín hiệu ưu tiên và các hạng mục phụ trợ khác.
Ông Nguyễn Hồng Đạt - Chánh Văn phòng Sở GTVT Hà Nội cho biết, về tiến độ triển khai các hạng mục BRT, đến thời điểm hiện nay, các hạng mục xây dựng hạ tầng tuyến đang được gấp rút triển khai và dự kiến các hạng mục còn lại sẽ hoàn thành và tiến hành chạy thử vào quý III/2016, quý IV/2016 sẽ vận hành chính thức tuyến BRT.
Về tiến độ thực hiện hợp phần BRT nói riêng và dự án phát triển giao thông đô thị nói chung vẫn còn chậm. Hiện đã thi công xong trạm trung chuyển bến xe Kim Mã, trạm đầu cuối bến xe Yên Nghĩa, xây xong 4/8 cầu vượt tiếp cận nhà chờ, xây dựng xong 21/21 nhà chờ, xây dựng và lắp xong khu depot trong bến xe Yên Nghĩa. Hiện còn 4 cầu đi bộ tại các nhà chờ, triển khai gói thầu mua sắm thiết bị thẻ vé, đoàn xe, tổ chức giao thông trên toàn tuyến và một số hạng mục phụ trợ khác.
Trong khi “nằm chờ” các hạng mục khác của dự án xe buýt nhanh hoàn thiện, mặc dù chưa đi vào sử dụng nhưng nhiều nhà chờ, cầu vượt dành riêng cho người đi xe buýt nhanh đã bị xuống cấp, cũ hỏng.
Ghi nhận của PV dọc theo tuyến đường 14km dành cho xe buýt nhanh này - từ bến xe Kim Mã - bến xe Yên Nghĩa và ngược lại cho thấy, do việc không có người trông coi, bảo quản, nhiều nhà chờ xe buýt đã bắt đầu xuất hiện gỉ sét trên các thanh sắt ở khắp chân các đinh vít, quanh chân và thành nhà chờ; bụi phủ ken đặc quanh nhà chờ, cửa kính mở, người ra vào tự do, trên trần mái che nhiều chỗ đã bị bung xước, dột, thấm nước khi có mưa nhỏ. Còn phần nền của một số nhà chờ giờ đây đã biến thành nơi tập kết của rác thải hoặc vật liệu xây dựng, một số nơi thậm chí biến thành nhà vệ sinh “bất đắc dĩ” của những người qua đường. Đơn cử, là khu vực nhà chờ xe buýt nhanh cũng là nơi điều hành được xây dựng trong khu vực bến xe Yên Nghĩa, hằng ngày, cánh tài xế xe buýt cũng như hành khách tận dụng “bóng” xe để tự nhiên tiểu tiện, gây mất vệ sinh và mỹ quan.
Theo quan sát, trên một số tuyến đường, làn đường dành riêng cho xe buýt nhanh cũng đã hoàn thành xong. Tuy nhiên, tại một số tuyến đường như Láng Hạ, Lê Văn Lương, Quang Trung (Hà Đông)…, phần đường dành cho xe buýt nhanh có chiều cao chênh hơn nhiều so với phần đường cũ.
Trao đổi với PV, TS Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Giám đốc Nhà xuất bản GTVT (Bộ Giao thông Vận tải), chuyên gia nghiên cứu giao thông đô thị cho rằng, dự án với số vốn lên đến con số khoảng 1.000 tỉ đồng là chi phí quá lớn. Không chỉ gây lãng phí về tiền bạc, dự án này còn gây lãng phí về không gian.