Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2016

Văn hóa, phận mỏng mong manh

Nguyễn Thông

MTG - Với cá nhân tôi, một người mê sách, thấy người ta kim tiền đối xử với thư viện - một cơ sở văn hóa tàn nhẫn vậy, cứ đau như bị cắt từng khúc ruột.

Cứ mỗi ngày trôi đi lại thêm những chuyện mới. Giá như được nghe, được thấy toàn chuyện vui thì tốt biết bao. Mong vậy, chứ chúng ta hằng ngày phải chứng kiến không ít điều buồn, thậm chí rất buồn.

Nhiều tờ báo đang xôn xao vụ người ta cắt đất một trong những nơi “bất khả xâm phạm” nhất của TP.HCM để dùng vào việc… kiếm tiền. Cụ thể là Thư viện khoa học tổng hợp của thành phố cả chục triệu dân này nghe đâu bị xén béng hơn 1.200m2 cho doanh nghiệp thuê dài hạn để xây cao ốc văn phòng cho thuê. Chưa biết nhà đầu tư ấy mạnh đến cỡ nào nhưng thò được chân vào đất kim cương, mà đất ấy lại chỉ dành cho văn hóa - tri thức thì cũng có thể nói là cao thủ, ghê gớm.

Tôi vừa nhắc đến “đất kim cương” bởi Thư viện khoa học tổng hợp TP.HCM nằm ngay trung tâm thành phố, một khu đất 4 phố mặt tiền: Lý Tự Trọng, Nguyễn Trung Trực, Lê Thánh Tôn, Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q.1). Từ đây, chỉ cần rảo vài bước chân là có thể vào mua sắm tại chợ Bến Thành hoặc tung tăng dạo chơi trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, thăm thú những cảnh đẹp Nhà hát thành phố, bến Bạch Đằng… Còn quá kim cương đằng khác.

Vấn đề quan trọng ở chỗ, đó không phải đất trống, mà là thư viện tầm cỡ quốc gia, nơi hội tụ, chứa đựng tri thức của nhân loại, nơi chắp cánh cho con người trên đường học vấn, khám phá khoa học để sau này phụng sự đất nước. Có nhà báo gọi đó là biểu tượng của tri thức ở TP.HCM, thậm chí có người còn phong cho nó thành thánh địa của tri thức, kể cũng không quá đáng lắm.

Từ xưa đến nay, thuở các thời vua chúa phong kiến, trong những bộ phận của triều đình luôn có thư khố (nơi chứa sách), thư viện (chỗ nghiên cứu học vấn, tri thức). Chúng làm nhiệm vụ lưu giữ, bảo vệ, cung cấp kiến thức cho quan lại, sĩ tử để họ làm tốt công cuộc cai trị, học hành. Càng về sau, thư viện càng cần thiết, “phủ sóng” đến tận mọi người dân. Nó trở thành phần không thể thiếu trong thiết chế văn hóa, là một biểu tượng văn hóa.

Tôi nhớ năm 1977, mới hơn 1 năm sau ngày đất nước thống nhất, tôi rụt rè bước vào Thư viện quốc gia (ngày ấy mang tên như thế) trên đường Lý Tự Trọng. Thời sinh viên, tôi đã từng ăn dầm nằm dề mọt sách ở Thư viện quốc gia trên đường Tràng Thi (Hà Nội) mà cũng phải sửng sốt trước sự hoành tráng, hiện đại của “ngôi đền văn hóa” này ở Sài Gòn. Khuôn viên thật đẹp, lộng lẫy; tòa nhà sang trọng, đồ sộ và rất đẹp. Tôi nghe kể rằng đây là một trong 2 công trình kiến trúc đặc sắc mang tính biểu tượng của Sài Gòn, mà cái kia, chả phải đâu xa, chính là dinh Độc Lập, phủ tổng thống của chính quyền cũ, nay là hội trường Thống Nhất. Chỉ biết trầm trồ thán phục. Một cơ sở văn hóa, tri thức như vậy dễ tạo cho con người sự hào hứng và tin cậy vào tri thức, vào khoa học, tạo niềm tin vào sự phát triển.

Đành rằng thời cuộc có nhiều biến đổi, ví dụ giờ đây người ta không cần đến thư viện để giở giở, tra tra cứu cứu, tìm kiến thức này nọ, chỉ cần nhấn con chuột máy tính một nhát thì có hằng hà sa số thông tin. Họ rỉ tai nhau “Trăm năm trong cõi người ta/cái gì không biết thì tra Gu gồ (Google)”, thật tiện, nhanh chóng. Nhưng Gu gồ cũng không thể giết chết được thư viện, cũng như mạng internet không thể loại bỏ được hoàn toàn báo in, sách in. Thư viện vẫn rất cần thiết với con người, nhất là các bạn trẻ, học sinh, sinh viên.

Đã không mở mang, phát triển thêm thì thôi, chí ít cũng phải bảo toàn được thư viện, thì người ta lại đang muốn cắt xén, làm teo tóp nó. Nhìn vào đất vàng, đất kim cương với sự thèm thuồng, người ta chẳng cần giữ cho ngôi thánh đường tri thức được nghiêm trang. Sự nghiệp trang bị văn hóa, tri thức cho con người, cho các thế hệ kế tiếp là cả quá trình dài lâu, nhưng có những người không chờ đợi được. Với họ, cứ phải ăn ngay, tiền tươi thóc thật. Để có thể kiếm ra tiền, thì thư viện cũng phải xê ra, đi chỗ khác chơi. Giữa hai cảnh: hàng nghìn con người đến đó nghiên cứu khoa học, lĩnh hội tri thức, và cảnh một tòa cao ốc sừng sững để bán, cho thuê, đem lại rất nhiều tiền, thì họ chỉ chọn tiền. Sách vở tạm thời chẳng là cái quái gì.

Chả riêng gì Thư viện khoa học tổng hợp, lâu nay số phận nhiều công trình văn hóa thật bi thiết. Tôi vẫn nghe người lớn từng sống ở Sài Gòn trước năm 1975 than thở, nuối tiếc về công viên Tao Đàn, về Sở thú… những địa danh văn hóa nổi tiếng. Bây giờ chúng chỉ còn những khối lam nham, pha tạp, lộn xộn, rất vướngmắt. Biết bao nhiêu đất của những nơi ấy có một thời bị cắt vô tội vạ nhằm xây cái này, dựng cái kia. Đành phải chấp nhận sự đã rồi của một thời tầm nhìn chỉ ngay trước mắt.

Biết thế, thì đừng gây thêm sự đã rồi nào nữa. Cũng may bây giờ dư luận nhanh nhạy, kịp thời. Dạo nào người dân chả lên tiếng chặn kịp cái dự án khách sạn to đùng ở công viên Thống Nhất (Hà Nội) trị giá mấy chục triệu đô Mỹ đó sao. Thầm mong người có trách nhiệm kịp nghĩ lại để Thư viện khoa học tổng hợp TP.HCM được yên. Phận văn hóa lâu nay đã long đong lắm rồi, xin đừng gây sóng gió nữa.

Với cá nhân tôi, một người mê sách, thấy người ta kim tiền đối xử với thư viện tàn nhẫn vậy, cứ đau như bị cắt từng khúc ruột.