Chủ Nhật, 6 tháng 7, 2014

Quy hoạch Đà Lạt to hơn thủ đô!

>> Ngắm nhà lều Việt Nam dự thi thế giới


NHÓM PV - CTV

TT - Một Đà Lạt hiện hữu không bằng 1/8 so với quy hoạch, nhưng lâu nay cũng đã bị chê là lộn xộn, bát nháo. Vì vậy không ít người lo khi Đà Lạt quy hoạch với diện tích lớn hơn cả thủ đô (đã mở rộng) thì sẽ quản lý như thế nào?

Đà Lạt và vùng phụ cận vừa được quy hoạch đến năm 2030 rộng gấp 8,5 lần hiện nay, to hơn cả thủ đô Hà Nội. Tại sao có quy hoạch này? Tuổi Trẻ ghi nhận các ý kiến.

Kiến trúc sư (KTS) Trần Đức Lộc - trưởng phòng quy hoạch kiến trúc Sở Xây dựng Lâm Đồng - là người tiếp cận trực tiếp từ lúc khởi đầu của những đồ án quy hoạch Đà Lạt và vùng phụ cận lần đầu tiên từ năm 1994 đến nay. Ông Lộc cho biết: “Rất nhiều người hỏi tại sao mở rộng Đà Lạt lên hơn 8 lần như vậy? Thật ra thì 8 hay 10 lần là cách mà mọi người tính toán, còn đối với những người làm quy hoạch thì đây là một sự lựa chọn cao trình phù hợp cho một Đà Lạt trong tương lai. Đầu tiên, chúng tôi chọn độ cao 1.000m cho Đà Lạt tương lai, sau đó tiếp tục đi và vẫn tiếp tục còn khí hậu lạnh tương đồng và đi mãi, đi mãi, sự lựa chọn cuối cùng là ở độ cao 850m so với mặt nước biển. Chính độ cao ấy đã quyết định một quy hoạch Đà Lạt và vùng phụ cận được công bố như bây giờ. Nó không liên quan đến địa giới hành chính hay khoanh vùng về hạn chế diện tích của một Đà Lạt trong tương lai”.

* Thưa ông, như vậy việc quy hoạch trong trường hợp này không dựa trên cơ sở địa lý hành chính?

- Giữa tư duy quản lý hành chính và tư duy quy hoạch luôn có một biên độ nhất định. Câu chuyện quy hoạch là nhìn về tương lai, quản lý hành chính là cái đang diễn ra trong hiện tại. Khi làm việc, KTS người Pháp Thierry Huau nhắc đi nhắc lại về suy nghĩ của mình: “Bản đồ quy hoạch này là thể hiện ước mơ với những luận cứ khoa học rõ ràng. Phần thực hiện phải cần một cơ chế thích hợp và nỗ lực đi tìm nguồn lực”. Người làm quy hoạch mà bị lệ thuộc ranh giới hành chính thì anh không thể vượt ra khỏi hiện thực để hướng tới ước mơ.

* Vậy tại sao Đà Lạt phải có những quy hoạch mang tên “Đà Lạt và vùng phụ cận”?

- Từ năm 1994 cho tới nay, Đà Lạt đã có tới ba đồ án về “Đà Lạt và vùng phụ cận”. Năm 1994, quy hoạch “Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2010”; năm 2002 có tiếp một quy hoạch “Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2020” và lần này, “Quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Quy hoạch mới này khởi nguồn một mục tiêu xa hơn, rõ ràng hơn.

Năm 1994, tôi tham gia bản quy hoạch đầu tiên và có một điều tôi ngạc nhiên cho tới bây giờ là câu nói của Thủ tướng Võ Văn Kiệt ngày ấy. Ông nói đi nói lại: “Đà Lạt không thể phát triển được nếu không có một vành đai và ngược lại, khu vực vành đai phát triển được phải nhờ vào động lực từ Đà Lạt”. Lúc đó trong vai trò trưởng phòng quy hoạch, tôi không hiểu làm sao một đồ án quy hoạch lại có thể vượt khỏi ranh giới quản lý hành chính. Năm 1994 và 2002, Thủ tướng Võ Văn Kiệt phê duyệt hai đồ án “Đà Lạt và vùng phụ cận”. Vai trò của hai đồ án này là làm thông thương hệ thống hạ tầng, kết nối Đà Lạt với các địa phương khác (Nha Trang, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk, TP.HCM... bằng những quốc lộ, bằng sân bay Liên Khương...) và kết nối những “vùng phụ cận” của Đà Lạt một cách tự nhiên. Khi Đà Lạt thông đường 723 nối Nha Trang và Đà Lạt qua đèo Khánh Vĩnh, sân bay Liên Khương kết nối đường hàng không Đà Lạt thì quá trình thay đổi nhanh chóng diễn ra. Và ngay cả Đà Lạt, sân bay Liên Khương cộng với đường cao tốc Liên Khương - Đà Lạt đã biến vùng Đức Trọng thành một cánh tay nối liền Đà Lạt.

* Ý ông nói sự kết nối tương lai là không có ranh giới hành chính?

- Chính xác. Yếu tố địa hình cảnh quan thời tiết, khí hậu, môi trường... sẽ quyết định nơi người ta đến. Đó là lý do vì sao bản đồ án này chọn cao trình 850m chứ không phải ranh giới hành chánh. Tôi nuôi cá tầm, rau, hoa... không nhất thiết phải đến Đà Lạt. Muốn trồng atixô, có cần vào trung tâm Đà Lạt không? Dalat Hasfarm trồng hoa hay nuôi bò sữa hiện tại đâu nhất thiết phải chỉ ở Đà Lạt - họ đã sang Đơn Dương, Đức Trọng. Và trong tương lai, một TP Đà Lạt hiện đại không thể đầy ắp nhà kính trồng rau hoa, nó phải được dần chuyển sang vùng phụ cận nhưng vẫn chính là thương hiệu rau, hoa... Đà Lạt. Như thế, từ tiền đầu tư cho tới sự ổn định về môi trường, chất lượng sản phẩm... đều được bảo đảm. Những người làm du lịch không thể nghĩ rằng Lang Biang không phải là Đà Lạt mà chỉ thuộc huyện Lạc Dương... Thương hiệu Đà Lạt không thể chỉ được “định danh” trong 39.000ha như Đà Lạt hiện hữu nữa.

Thói quen ta hay nói tắt “Quy hoạch Đà Lạt” làm cho mọi người tưởng nó là quy hoạch hành chính. Thật ra đồ án không phải là quy hoạch ranh giới hành chính Đà Lạt mà mở ra một không gian kết nối để tận dụng tối đa thế mạnh về thương hiệu Đà Lạt, về môi trường, văn hóa xã hội mang tính tương đồng ở độ cao 850m so với mặt nước biển. Một trong những lý do mà Đà Lạt phải thuê KTS người Pháp, ngoài việc kết nối không gian nước Pháp với di sản văn hóa của Đà Lạt, còn một lý do khác: khi làm quy hoạch, những KTS này không bị giới hạn về địa lý hành chính như chúng ta.
***

* ThS.KTS THIERRY HUAU (chuyên gia quy hoạch đô thị người Pháp, một trong những tác giả của đồ án):

Thiết kế lại vườn địa đàng

Trong quá khứ, người Pháp quy hoạch Đà Lạt theo hướng lấy trung tâm là hồ Xuân Hương và mở rộng tầm nhìn về hướng Lang Biang. Điều này đã bị xâm phạm và bây giờ phải khắc phục rất vất vả để tầm nhìn đó trở lại. Đà Lạt không nên có những khu nhà quá lớn, những khối bêtông gây choáng ngợp. Trong đồ án quy hoạch, chi tiết này chúng tôi có nhắc tới. Tôi khuyến nghị chính quyền phải tuân thủ chặt chẽ đồ án quy hoạch mới này, tránh để lại những hậu quả tương tự. Nông nghiệp quy hoạch không đúng cách đã khiến “vườn địa đàng” Đà Lạt bị ảnh hưởng nặng. Đất đai, nước bị ô nhiễm. Trong đồ án, tôi đã chỉ ra rằng phải xây dựng nông nghiệp xanh công nghệ cao, dời những khu nhà lưới, nhà kính ra khỏi những thung lũng để trả lại những khoảng xanh.

Đà Lạt sẽ thay đổi nhiều theo hướng cảnh quan được thiết kế lại xanh hơn. Các vùng nông nghiệp có nguy cơ gây ảnh hưởng đến cảnh quan du lịch được dời ra những vùng vệ tinh. Về đầu tư thương mại và phát triển dân số cũng vậy, tập trung ở các đô thị vệ tinh. Các khu dân cư mới ở đô thị vệ tinh cũng được định hướng những làng sinh thái. Đà Lạt đóng vai trò một thành phố lịch lãm kéo du khách về nhưng đáp ứng nhu cầu du lịch đa dạng thì các đô thị vệ tinh cùng giải quyết.

* KTS NGÔ QUANG HÙNG (giám đốc Phân viện Nghiên cứu quy hoạch đô thị và nông thôn miền Nam):

Mở rộng để bảo vệ Đà Lạt hiện hữu

Một đô thị nhỏ như Đà Lạt không thể gánh quá nhiều chức năng du lịch, thương mại, nông nghiệp. Việc điều chỉnh quy hoạch Đà Lạt và vùng phụ cận theo hướng mở rộng là để bảo vệ chính Đà Lạt hiện hữu đang mang trong mình rất nhiều giá trị văn hóa và lịch sử. Mở rộng Đà Lạt trong tương lai về hướng vùng phụ cận sẽ mở rộng môi trường đầu tư phát triển kinh tế, giảm áp lực gia tăng dân số, đảm bảo cho Đà Lạt phát triển hài hòa. Đà Lạt có còn là chính mình hay không còn phụ thuộc vào các vùng phụ cận. Điều chỉnh quy hoạch lần này cũng là để bảo vệ Đà Lạt hiện hữu trên cơ sở bảo vệ các vùng phụ cận có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tương đồng.

* Nhà điêu khắc PHẠM VĂN HẠNG:

Mở rộng thì đơn giản...

Tôi từng nghe tin quy hoạch Đà Lạt loáng thoáng trước đó vài năm, còn chính thức thì vừa nghe cách đây mấy ngày. Tôi không dám vui mừng. Nếu vui mừng thì sẽ bằng lòng, chúng ta nên lo thì mới mong được phát triển. Thực chất mà nói ngay trong Đà Lạt hôm nay cũng đã “lôm côm”. Cần hiểu rằng mở mang Đà Lạt rộng lớn ra thì đơn giản, nhưng việc quản lý và xây dựng một Đà Lạt như thế nào mới là vấn đề đáng đặt ra cho các nhà lãnh đạo.

Ai cũng biết Đà Lạt mang đậm kiến trúc của Pháp, được mệnh danh là “tiểu Paris”. Trước kia, những KTS Pháp đến đây quy hoạch là do ước mơ của những nhà lãnh đạo ngày hôm nay. Hãy làm Đà Lạt hiện tại ổn định quy hoạch trước khi mở rộng Đà Lạt. Việc quy hoạch cho tương lai phải gắn liền với thiên nhiên, sinh thái, ấy là thứ vô giá hiếm nơi nào như Đà Lạt được sở hữu. Ai phá bỏ thiên nhiên thì người ấy có tội với Đà Lạt. Tôi nghĩ rằng Đà Lạt nên đô thị hóa theo phong cách sinh thái, nhà nhà có vườn, phố phố có hoa, con đường có cây xanh.
***

Gấp 8,5 lần hiện nay, rộng hơn cả Hà Nội

Sau lễ công bố quyết định của Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh “Quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” vào ngày 4-7, UBND tỉnh Lâm Đồng tiếp tục chuẩn bị các bước để giới thiệu đồ án đến người dân tại Đà Lạt và các huyện có liên quan. Định hướng đến năm 2030, Đà Lạt và vùng phụ cận phát triển trở thành vùng đô thị loại 1 trực thuộc trung ương.

Theo quyết định này, phạm vi điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận bao gồm TP Đà Lạt, các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng và một phần huyện Lâm Hà (gồm thị trấn Nam Ban, các xã Mê Linh, Đông Thanh, Gia Lâm, Nam Hà) với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 335.930ha (lớn hơn cả Hà Nội bây giờ và hơn 8,5 lần Đà Lạt hiện hữu là 39.440ha), dân số khoảng 529.000 người. Mục tiêu đến năm 2030 Đà Lạt và vùng phụ cận trở thành một vùng đô thị hiện đại, đẳng cấp quốc tế, có đặc thù về khí hậu, cảnh quan tự nhiên, văn hóa lịch sử và di sản kiến trúc tầm quốc gia, khu vực và có ý nghĩa quốc tế. Dự báo đến năm 2020, vùng đô thị này có khoảng 650.000 dân và tăng lên khoảng 750.000 dân vào năm 2030.

Theo đồ án, Đà Lạt tương lai sẽ gồm sáu đô thị vệ tinh lấy Đà Lạt hiện hữu là trung tâm. Đà Lạt (5.900ha) là đô thị đảm nhiệm chức năng của một trung tâm hành chính, nghỉ dưỡng cao cấp, bảo tồn các di sản kiến trúc. Quy hoạch điều chỉnh chỉ ra mô hình phát triển và cấu trúc không gian cho Đà Lạt và vùng phụ cận trong tương lai. Đà Lạt và vùng phụ cận sẽ phát triển theo các tuyến xuyên tâm và hướng tâm kết nối với TP.HCM và các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, Tây nguyên.

Ngoài Đà Lạt và đô thị trung tâm với vai trò là trung tâm hành chính, du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng, các đô thị vệ tinh được xác định: huyện Đức Trọng sẽ hình thành các khu đô thị là Liên Nghĩa - Liên Khương (2.600ha) và Fi Nôm - Thạnh Mỹ (1.700ha), Đại Ninh (350ha) và được định hướng trở thành trung tâm thương mại, giải trí và phát triển kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao; huyện Lâm Hà với đô thị Nam Ban (500ha) sẽ là trung tâm du lịch hỗn hợp, chế biến nông sản, công viên chuyên đề nông nghiệp công nghệ cao; huyện Đơn Dương sẽ hình thành đô thị Đ’Ran (350ha) có chức năng phát triển du lịch cảnh quan hồ; đô thị Lạc Dương (300ha) sẽ hình thành vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và chuyển giao công nghệ.