Chủ Nhật, 6 tháng 7, 2014

Những cây cầu London

>> Bayani Artist Portrait Sketches


Xuân Bình

Tôi viết bài báo này trong một tâm trạng rất buồn. Ngay cả Hoàng Đạo Kính (con trai ông Hoàng Đạo Thúy) Nguyễn Văn Huy (con trai ông Nguyễn Văn Huyên) TS GS Trần Đình Bá, KTS Trần Thanh Vân, nhà phản biện rất có tiếng… cũng đã có những phát biểu rất buồn, rất lạ trong việc bảo tồn Long Biên. Chỉ có Dương Trung Quốc là hé ra một chút rất nhỏ về thân phận thực của cây cầu và mối quan hệ của nó với Ha Loi. Nhưng sử gia này cũng không đi đến cùng trong việc chỉ ra cho dư luận nhận thấy một tầm nhìn Đu Me, một hành trình xâm nhập Tàu của người Pháp trong điều kiện các miếng ngon ở phía Đông đã bị Anh, Bồ nuốt mất…? Tiếc là nhiều năm nay tạp chí X&N cũng không có bài nào đáng kể….Nhiều năm qua, những trí thức khá tiêu biểu này có thực sự yêu thương cây cầu? Chưa có ai tự hỏi: từ 45 hay 54, cây cầu này đã bao giờ thực sự thuộc sở hữu của người Việt?… Đây là một bài viết trong loạt bài khảo cứu về văn hóa cầu Việt tôi bắt đầu viết từ 2001.

Không chỉ với cầu Long Biên, đối thoại, ứng xử, dù chỉ với một cây cầu, ở rất nhiều nơi, trên nhiều quốc gia và rất nhiều khi, người ta luôn luôn bị đặt trong những tình huống khó khăn và khó xử? Không phải khi nào cũng có sự đồng hành giữa phát triển và bảo tồn, giữa kinh tế và văn hóa, giữa việc đi lại và nhu cầu cảm thụ những giá trị tinh thần? Thật khó có một nhịp cầu hoàn hảo nào để kết nối giữa quá khứ, hiện tại và bắc nhịp tới tương lai?

Ngay khi chịu khó lật lại hồ sơ những cây cầu của Xứ sở sương mù, một quốc gia hùng mạnh bậc nhất, người ta cũng không dễ tìm kiếm những ý kiến mới, câu trả lời sáng tỏ hay những sự chia sẻ thiết thực?

London là một thủ đô giàu có, văn minh. Suốt hai nghìn năm qua, khi tham gia vào mọi biến cố, khi góp phần tạo nên những dòng chảy văn hóa, tự bản thân mỗi cây cầu đã không chỉ còn là một loại phương tiện giao thông. Cùng với Tháp London, Nhà thờSt Pauls, Nhà Quốc hội, Bảo tàng Tate Modern, Nhà hát Shakespeares… những Cầu Tháp, London, Thiên niên kỷ, Blackfriars, Vauxhall, Southwark, Hungerford… đã lặng lẽ góp phần tạo dựng nên sức năng động, hấp dẫn của một đại đô thị cũng như dấu ấn, biểu tượng của một trung tâm văn hóa lớn của nhân loại.

Vào thế kỷ 16, khi London chỉ có một cây cầu mang tên mình, Sir Walter Raleigh, một trong 100 nhân vật vỹ đại của Anh Quốc từng ngợi ca: Có hai điều hiếm hoi xuất hiện trong vũ trụ là Mặt trời ở trên thiên đường và sông Thames trên trái đất”. Ngày nay, bên con đường nối giữa cầu London và cầu đường sắt Canon Street, những dòng chữ này vẫn được ghi khắc trên một phiến đá hoa cương lớn. Tuy nhiên, khi là chứng nhân, chứng tích hay di sản của từng giai đoạn lịch sử, mỗi cây cầu bắc qua sông Thames cũng cho thấy hoặc phản chiếu thật rõ những thân phận rất khác biệt, khác ngược. Thực chứng 2000 năm qua và nhất là chừng một trăm năm gần đây cũng cho thấy một hình ảnh khác. Không phải cây cầu nào hiện tồn cũng đẹp, cũng hay, cũng tương xứng với lời ca bất hủ đó?

Trên sông Thames, đoạn chảy qua London có hơn 30 cây cầu cũ mới, lớn nhỏ. Từ Cầu Tháp đến cầu Chelsea chỉ hơn 6km, dòng sông Thames đã sở hữu 16 cây cầu. Khoảng cách gần nhất giữa hai cầu có nơi chỉ khoảng vài mét. Khoảng cách xa nhất hơn 1400 met. Có một cây cầu xây dựng từ những năm đầu công nguyên, một cây cầu xây thế kỷ 18, 19 cây cầu xây trong thế kỷ 19, 11 cây cầu xây thế kỷ 20 và 2 cây cầu xây năm 2002. Kiểu dáng, mô hình thiết kế cầu khá đa dạng. Có đủ loại cầu đá, thép, cầu thép- bê tông, cầu vòm, cầu cất, cầu treo dây võng, cầu treo tự neo… Phần lớn các cây cầu đều đã sửa chữa, thay hình, đổi dạng, chuyển công năng nhiều lần. Về hình thức, chỉ có một cây cầu còn giữ lại các điêu khắc cổ trên các mố, trụ. Cầu Tháp có sơn màu biểu tượng của Hoàng gia. Có những cây cầu được gắn kết với những quyền lực chính trị bởi sơn màu đỏ, xanh như màu ghế ở Thượng viện hay ở Quốc Hội…

Có thể người London lưu trữ không thiếu một chi tiết nhỏ nào trong lịch sử những cây cầu. Teddington, cây cầu nhỏ bé nhất. Vị trí của cây cầu cho phép xác định điểm cao nhất của thủy triều nên trong quá khứ, tên gọi Tedington có thể là biến âm từ “Tide end Town”. Ở gầm cầu Waterloo, người ta tận dụng những mảng tường trống, ghép những mảnh gốm nhỏ để tạo nên những bức tranh sinh động về công nghệ xây vòm đá, những loại cần cẩu gỗ hay tranh vẽ của danh họa Monet trong một lần chiêm ngưỡng cây cầu Waterloo, sông Thames và London. Trên đỉnh Cầu Tháp, nơi từng trú ngụ của bọn tội phạm và gái điếm nay đã trở thành một bảo tàng của chính cây cầu. Nơi đây, chỉ với 8 bảng Anh, xoay quanh cây cầu, người ta có thể lần ngược trở lại những dấu mốc trọng đại nhất trong lịch sử của đất nước này.

Vẫn biết rằng người Anh không duy mỹ đến độ cầu kỳ, phô trương như người Pháp hoặc người Ý nhưng thật khó tin rằng sự duy lý, thực dụng của người London lại có thể biến đổi cầu London, Waterloo, Cannon Street, Putney, Wandsworth, Chiswick trở nên thô, xấu nhường vậy.

Ngày nay, khi ngắm nhìn Waterloo từ nhiều phía, những ấn tượng lãng mạn nhất cũng sẽ khó giúp cho người ta liên tưởng đến trận đánh mà Công tước Wellington, những người lính Anh, Hà Lan và Phổ từng làm tan vỡ mộng thống trị châu Âu của Napoleon. Nếu ai đó từng sống những năm giữa thế kỷ 19, thật khó có thể hình dung những vòm đá tuyệt vời của Waterloo lại bị thế chỗ bởi những trụ cột hay hộp bê tông dự ứng lực khá lạnh lùng, vô cảm.

Cây cầu London đã có 2000 năm sinh tồn, năm lần tái sinh trên dòng sông Thames. Năm 1978, sau một lần đấu giá hy hữu, món ” đồ cổ lớn nhất thế giới ‘ thế kỷ 19 này đã được bán cho Robert P McCulloch một doanh nhân người Mỹ. Việc cây cầu đá biến mất khỏi quê hương của nó đã là một chuyện quá kỳ cục. Rất nhiều người London ngày ấy cho rằng chính quyền thành phố và ý kiến của Ivan Luckin-người khởi xướng chuyện bán đấu giá cây cầu thực sự là điên rồ. Cây cầu London để lại thành phố sinh ra nó gần hai triệu rưỡi Mỹ kim và việc giải tỏa các ùn tắc giao thông ở hai bên bờ sông. Nhưng khó hiểu hơn, buồn hơn và mất mát hơn là việc người London đã thay thế một cây cầu đá cong thế kỷ 19, hoán chuyển một kiến trúc đẹp, phá vỡ một cấu trúc trung cổ từng tồn tại 600 năm bởi một dầm hộp bê tông dự ứng lực. Trong năm lần thay hình đổi dạng, có lẽ chưa khi nào cầu London lại có dạng hình thê thảm như hiện nay. Bây giờ, khi đêm về, người ta chiếu ánh sáng đỏ rất mạnh lên dầm cầu. Với người đi qua, cầu London như gỡ gạc, vớt vát lại chút hào quang đã mất. Với nhiều người nặng lòng với một London có một bề dày văn hóa thì đó có thể là một vết chém?

Sau khi lưu lạc một cách tức tưởi, cầu London làm ma nơ canh du lịch ở tận thành phố Lake Havasu trên samạc Arizona, Mỹ. Ngay năm đầu tiên định cư ở sa mạc miền Tây, cây cầu đã kéo tới Lake Havasu gần 3000 chuyến bay cùng hàng trăm ngàn du khách và tự nó biến thành điểm du lịch hấp dẫn thứ hai của tiểu bang Arizona.

Cầu London để lại những khoảng trống trên sông Thames. Nó chỉ kịp hiến tặng cho trẻ con London những đồng dao buồn. Chúng hát: “Cây cầu London cầu đang đổ, hãy xây nó bằng cọc và đá. Cọc và đá rồi cũng rơi. Chiếc cầu London đang đổ. Hãy xây lại nó bằng gỗ và đất sét. Gỗ và đất sét rồi cũng tan và mục ruỗng. Chiếc cầu London đang đổ. Hãy xây lại nó bằng sắt và thép. Sắt và thép rồi cũng cong và sụm. Chiếc cầu London đang đổ…”