BBC - Trung tâm Thương mại Thế giới Đơn là tòa nhà cao nhất ở Bán cầu Tây và hiện là tòa nhà cao thứ tư trên thế giới. Tòa nhà bóng loáng vươn lên giữa lòng Manhattan ở độ cao 541, tức 1.776 foot, tượng trưng cho năm ra đời Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ vào năm 1776 với câu nói bất hủ: “Chúng tôi xem chân lý sau đây là điều hiển nhiên: rằng mọi người được sinh ra đều bình đẳng, rằng Tạo hóa đã ban cho họ những quyền không thể bị lấy đi, trong đó có quyền Sống, quyền Tự do và quyền mưu cầu Hạnh phúc”. Bản tuyên ngôn này do Thomas Jefferson, một trong những người lập quốc và là tổng thống thứ ba của nước Mỹ. Ông cũng là một trong những kiến trúc sư tài hoa nhất thời đó.
Tòa nhà này đã được đặt tên là ‘Tháp Tự do’. Nó là tòa cao ốc mang tính biểu tượng của New York được xây dựng để thay thế tòa tháp đôi bị phá hủy trong vụ tấn công khủng bố ngày 11/9 năm 2001 mà thủ phạm là những kẻ không tin vào quyền sống, quyền tự do hay quyền mưu cầu hạnh phúc gì cả.
Ước mơ vươn tới trời cao
Nó được đổi tên thành Trung tâm Thương mại Thế giới để tái khẳng định rằng New York là một trong những trong tâm kinh tế toàn cầu quan trọng nhất và vì ‘công việc chính của người Mỹ là kinh doanh’ như lời Tổng thống Calvin Coolidge nói với Hội các chủ bút Mỹ hồi năm 1925. Ông nói: “Dĩ nhiên, việc tích lũy của cải không thể nào được cho là mục tiêu tối thượng của cuộc sống. Nhưng chúng ta buộc phải nhìn nhận nó là phương tiện để đạt được gần như tất cả những gì chúng ta mong muốn.”
Chính sự kết hợp giữa của cải được tích lũy và niềm tin vào cái gì đó cao hơn sự tồn tại vật chất đã dẫn đến sự ra đời của công trình kiến trúc cao đầu tiên trên thế giới. Theo những gì chúng ta được biết thì đó là những ngôi đền tháp được xây bằng gạch đất nung của người Sumeria ở vùng Lưỡng Hà nằm giữa hai con sông Tigris và Euphrates – tức thuộc miền Nam Iraq ngày nay. Ước muốn vươn tới trời cao trong khi vừa tôn vinh của cải vừa tôn kính các vị thần cùng với tham vọng không ngừng của các thợ xây và các kiến trúc sư đã dẫn đến sự ra đời của các kim tự tháp ở Ai Cập, các tháp nhọn ở các nhà thờ thời Trung cổ hay các tòa cao ốc mọc lên trên các đường phố ở New York và Chicago vào cuối thế kỷ 19 khi mà các kết cấu thép và các thang máy an toàn giúp cho việc sinh sống và làm việc ở độ cao hơn 300 mét trở thành hiện thực.
Ngày nay, tòa nhà cao nhất thế giới, Burj Khalifa, nằm ở Trung Đông và là đỉnh của một xã hội thờ đơn thần và cũng giỏi kinh doanh. Tòa nhà này cao 828 mét. Từ tầng quan sát có thể xoay vòng chúng ta có thể nhình thấy cả một thành phố thương mại lớn trải rộng ở dưới đến tận những đụn cát bao la gợi nhớ đến thời kỳ trước khi có những ngôi đền tháp ở Lưỡng Hà.
Và để chứng minh quan điểm rằng các cao ốc và thương mại khiến con người xích lại gần nhau, Burj Khalifa đã được thiết kế bởi SOM, nơi có các kiến trúc sư tạo nên Trung tâm Thương mại Thế giới Đơn ở New York.
Sự đua tranh
Tuy nhiên, cũng có những lý do khác để xây những tòa tháp chọc trời và sự ganh đua có lẽ là lý do chính. Khi tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới do kiến trúc sư người Mỹ gốc Nhật Minoru Yamasaki thiết kế khánh thành hồi năm 1971, nó là công trình cao nhất nước Mỹ. Không lâu sau đó, vào năm 1973, SOM hoàn thành Tháp Sears (giờ đây được gọi là tháp Willis) ở Chicago với độ cao 442 mét. New York và Chicago từ lâu đã là đối thủ của nhau: cả hai thành phố đã chạy đua với nhau để xem ai xây dựng được tòa nhà cao hơn kể từ giữa thế kỷ 19.
Trong hàng chục năm, công trình cao nhất không chỉ ở nước Mỹ mà là trên toàn thế giới là tòa nhà Empire State. Vươn lên sừng sững giữa lòng Manhattan trong thời kỳ Đại Suy thoái, công trình này là biểu tượng của những ngày tháng tươi sáng hơn ở phía trước. Thậm chí nó không bị hề hấn gì khi bị một máy bay ném bom B-52 lạc đường giữa sương mù đâm trúng hồi tháng Bảy năm 1945. Tại một cuộc họp báo ở Chicago vào tháng 10 năm 1956, Frank Lloyd Wright đã công bố thiết kế tòa nhà Illinois – một cao ốc với độ cao khủng có thể trở thành một cú vượt mặt chưa từng có đối với New York. Tuy nhiên, công trình này vượt quá khả năng của những ngân hàng và những công ty địa ốc lớn nhất ở Chicago. Nó không bao giờ trở thành hiện thực.
Vậy mà bất chấp sau vụ 11/9 người ta nói rằng các công trình cao ốc đã hết thời, các nước trên thế giới đang thể hiện sức mạnh kinh tế của mình bằng cách đầu tư vào các công trình ngày càng vươn cao. Ngày nay, Trung Quốc có hàng trăm tòa cao ốc có độ cao hơn 152 mét. Bầu trời khu Phố Đông, trung tâm thương mại mới của Thượng Hải, là một khu rừng với những tòa nhà chọc trời lộng lẫy. Khi được khánh thành vào năm 2015, Tháp Thượng Hải có hình xoắn do công ty Gensler của Mỹ thiết kế sẽ là tòa nhà cao thứ hai thế giới với độ cao 632 mét.
Người Trung Quốc nhiều khả năng còn muốn vươn cao hơn nữa trong khi các quốc gia nhiều dầu mỏ ở Trung Đông đang muốn cạnh tranh với Trung Quốc còn những nước nhà giàu mới nổi cũng muốn tham gia vào cuộc đua độ cao này. Nó sẽ chấm dứt ở đâu?
Sau Burj Khalifa và Tháp Thượng Hải, tòa nhà cao thứ ba thế giới là Royal Hotel Clock Tower ở Mecca. Đây là một khu phức hợp đa mục đích kết hợp với một tháp đồng hồ bốn mặt sừng sững trước Đại thánh đường và thánh địa Kaaba của người Hồi giáo. Tòa tháp Mecca này do các kiến trúc sư ở Dar Al-Handasah thiết kế và có độ cao 601 mét. Rõ ràng, khuynh hướng vươn lên trời cùng với tham vọng, sự canh trạnh và thương mại vẫn là động lực chính đằng sau trào lưu xây dựng các tòa nhà chọc trời vốn còn muốn vươn cao hơn nữa trong thế kỷ 21.