Thứ Tư, 4 tháng 2, 2015

Hà Nội chơi sang: Xây nhà hát trăm tỷ ở Đan Phượng

An An (tổng hợp)

Đất Việt - Hàng loạt dự án đầu tư tại HN vi phạm quy định về đầu tư xây dựng cơ bản, sử dụng vốn ngân sách gây lãng phí, thiệt hại ngân sách.

Trong đó phải kể đến dự án xây nhà hát tại huyện Đan Phượng nằm trong khu Trung tâm Văn hóa - thể thao tại thị trấn Phùng, với tổng vốn đầu tư 117,41 tỷ đồng.

Việc thi công nhà hát cơ bản đã hoàn thành với diện tích sàn xây dựng lên tới hàng ngàn mét vuông. Độ "sang chảnh" của nhà hát này được tờ Tiền phong miêu tả khá chi tiết. Để lên sảnh nhà hát, phải bước lên trên 20 bậc ốp đá granit đen bóng, cao ngất. Bên trong nhà hát, ngoài khu vực chính phục vụ biểu diễn là hệ thống phòng, công trình chức năng, phụ trợ rất đầy đủ.

Bên ngoài nhà hát được thiết kế khá cầu kỳ, nhiều khoảng ốp kính đen. Nhà hát sử dụng nhiều thiết bị nhập khẩu đắt tiền.

Nhà hát nằm đối diện Trung tâm Thể dục thể thao của huyện mà trung tâm này vốn đã có nhà thi đấu đa năng hiện đại rộng hàng ngàn mét vuông nhiều năm qua gần như “đắp chiếu” vì số ngày hoạt động quá ít, do thiếu kinh phí duy trì.

Đáng nói, cũng giống nhiều dự án xây dựng khác, Nhà hát Đan Phượng lại vừa bị thanh tra chỉ ra hàng loạt những sai phạm.

Theo kết quả thanh tra mới nhất (vào tháng 12/2014), dự án xây dựng nhà hát có nhiều vi phạm trong thực hiện các quy định về đầu tư. Cụ thể, dự án do UBND huyện Đan Phượng làm chủ đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách, nhưng huyện phê duyệt dự án ngay cả khi chưa có nguồn vốn bố trí, không thực hiện quy trình thẩm định vốn.

Đoàn thanh tra cũng xác định, dự án không thuộc các dự án cấp bách, nhưng UBND huyện Đan Phượng vẫn cho phép nhà thầu ứng vốn thi công xây dựng, vi phạm Quyết định 37/2010 của UBND thành phố Hà Nội.

Dự án xây dựng nhà hát có các hạng mục mua sắm thiết bị nhập khẩu, nhưng khi lập dự án, huyện không thực hiện quy trình thẩm định giá thiết bị mà vẫn phê duyệt dự toán công trình, vi phạm Thông tư 04/2010 của Bộ Xây dựng.

Đến nay, dự án đã cơ bản hoàn thành các hạng mục xây lắp, nhưng UBND huyện vẫn chưa có nguồn vốn thanh toán cho gói thầu thiết bị và các khối lượng hoàn thành năm 2014, dẫn đến chưa thể bàn giao công trình, đưa vào sử dụng (vì thiếu thiết bị), gây lãng phí ngân sách nhà nước.

Kết quả thanh tra về quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản cũng cho thấy, có tới 39 dự án khác khảo sát, thiết kế, lập dự án ban đầu không sát thực tế, tính thừa, tính trùng khối lượng, áp sai đơn giá, định mức dẫn đến phải bổ sung khối lượng với tổng giá trị sai phạm lên tới 16,454 tỷ đồng. Như dự án, xây dựng Trường THCS Chuyên Mỹ (Phú Xuyên), có tổng mức đầu tư 14,97 tỷ đồng, nhưng phải điều chỉnh tăng lên 19,27 tỷ đồng. Cũng tại Phú Xuyên, dự án đường Tân Dân - Đại Thắng do huyện tạm dừng thi công đã gây lãng phí ngân sách 885,6 triệu đồng.

Ngoài ra, 15 dự án do Sở GTVT thanh tra phải bổ sung khối lượng trị giá trên 8,4 tỷ đồng. Dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn có mức đầu tư 345,87 tỷ đồng.

Dự án xây dựng Cung Thi đấu điền kinh trong nhà do Sở Xây dựng Hà Nội làm chủ đầu tư đã lựa chọn chủ đầu tư năng lực yếu dẫn đến trong 9 tháng phải điều chỉnh chủ đầu tư 3 lần. Dự án xây dựng Nhà tang lễ quận Cầu Giấy có vốn đầu tư ban đầu 58,97 tỷ đồng, nhưng do chủ đầu tư lập dự toán không chính xác nên phải bổ sung tới 17,8 tỷ đồng…

Cơ chế xin cho tùy tiện

Nói thẳng vấn nạn này, TS. Trần Đình Thiên (Viện nghiên cứu Việt Nam) nói với tờ Vietnamnet rằng, cách phân bổ vốn ở nước ta hiện nay dàn trải, lại không có cơ chế ràng buộc về tính hiệu quả, tính toán nguồn vốn từ đâu ra. Hơn nữa, cơ chế xin cho dự án về mặt chuẩn mực rất tùy tiện, dựa trên quan hệ chứ không phải là trên những nguyên tắc ưu tiên trong phát triển kinh tế hay quy hoạch. Vì vậy, cách đặt vấn đề của người xin dự án là xin được bao nhiêu tốt bấy nhiêu, chứ không phải xin để hoàn thành công trình đúng kỳ hạn.

TS Thiên cũng cho rằng, đáng lẽ nguồn vốn ấy cần tập trung đầu tư để xử lý những nút thắt tăng trưởng, hay tạo bùng nổ tăng trưởng ở điểm nào đó để tạo ra lan tỏa thì có vô số dự án lại được cấp vốn theo kiểu phân chia đồng đều để khỏi mất lòng ai.

Theo TS Thiên, Nguyên nhân dẫn đến tình trạng đua nhau xin dự án ở các địa phương vì trong hệ thống phân quyền của ta có một khái niệm là chủ nghĩa thành tích, tư duy nhiệm kỳ. Nghĩa là trong nhiệm kỳ này ông phải làm được một việc gì đấy. Để làm được điều đó, họ phải đi xin dự án.

Và khí đó, bản thân dự án giống như một động cơ để có nguồn thu nhập.