BBC - Triển lãm của nghệ sỹ phản kháng Trung Quốc, Ngải Vị Vị, sắp khai trương tại London.
Mở cửa từ 19/09 và kéo dài đến 13/12/2015, cuộc triển lãm giới thiệu nhiều tác phẩm của ông Ngải Vị Vị, năm nay 58 tuổi.
Trả lời BBC, ông nói "nghệ thuật là phản kháng" và đặt tên các tác phẩm của mình là "một hình thức chính trị".
Các báo Anh đồng loạt đăng ý kiến của ông:
"Tất cả là nghệ thuật
Nghệ thuật là chính trị."
Truyền thông Anh cũng đã giới thiệu hình tác phẩm 'Cây', một phần của cuộc triển lãm mang tên Ngải Vị Vị trước toà nhà chính của Viện Hàn lâm Nghệ thuật Hoàng gia, London.
Vừa có mặt tại Anh Quốc, ông Ngải đã tuần hành cùng nghệ sỹ Anish Kapoor hôm 17/09 qua các đường phố London để bày tỏ sự ủng hộ cho người di dân vào châu Âu.
Ông Ngải từng được ca ngợi tại Trung Quốc nhưng sau bị chính quyền tước tự do.
Ngọt và đắng
Sinh ra trong một gia đình 'có công với cách mạng', ông Ngải Vị Vị có cha là Ngải Thanh, một nhà thơ nổi tiếng trong giới văn nghệ sỹ Trung Quốc thời Mao.
Nhưng vì bị quy kết là 'hữu phái', ông Ngải Thanh bị đày từ đô thị về nông thôn khiến cuộc sống gia đình vô cùng cực nhọc.
Ông Ngải Vị Vị từng nghĩ đến cách mưu sinh chỉ bằng nghề chăn bò và xa lánh sinh hoạt văn hóa, chính trị cho an toàn.
Nhưng cuối cùng ông vẫn về Bắc Kinh học ngành nghệ thuật và sang được Hoa Kỳ trong thập niên 1980.
Sống tại New York, ông chịu ảnh hưởng của một số trường phái nghệ thuật đương đại Mỹ nhưng không thành công trong nỗ lực làm nghệ thuật.
Ông chỉ nổi tiếng khi trở về Trung Quốc và thành một nhân vật hàng đầu của phong trào Tân Nghệ thuật sau thời Khai phóng.
Tuy thế, vì phê phán chính quyền sau động đất Tứ Xuyên 2008, ông bị nhà nước truy bức.
Hồi tháng 10/2012, Trung Quốc hủy giấy phép kinh doanh cấp cho công ty của nghệ sĩ Ngải Vị Vị với lý do đã không đăng ký lại.
Quyết định này được đưa ra sau khi ông Ngải Vị Vị thua kiện trước lệnh truy thuế đối với công ty Phát triển Văn hóa Giả (Fake Cultural Development) của ông.
Ông vẫn nói lệnh truy thuế này là có động cơ chính trị.
Sau khi bị cấm xuất cảnh mấy năm liền, đến hè 2015, chính quyền đã cấp lại hộ chiếu cho ông.
Trong thời gian ông mất tự do, rất nhiều tác phẩm của Ngải Vị Vị được triển lãm ở châu Âu và Mỹ nhưng vắng mặt ông.
Một trong những tác phẩm ông đem đến trưng bày ở Anh lần này là nhà tù hộp.
Đó là thùng sắt nhốt người, nhắc lại thời kỳ ông bị giam trong một căn phòng và luôn có hai người gác đứng cách ông trong vòng 80 cm suốt ngày đêm.
Có lúc công an Trung Quốc đã giam ông trong phòng tối, trùm kín đầu 80 ngày liền.