Đất Việt - "Dù tình hình ngân sách rất khó khăn nhưng mỗi năm Hải Phòng đóng góp cho ngân sách rất lớn nên việc đầu tư cũng là xứng đáng".
Báo Pháp luật TPHCM đưa tin, ông Lê Khắc Nam - Phó Chủ tịch, đại diện UBND TP Hải Phòng cho biết thêm: “Tất cả mới chỉ là đề án tiền khả thi và trình lên Thủ tướng nhưng chưa được phê duyệt. Khoản kinh phí để xây dựng chưa có phương án. TP Hải Phòng dự tính xin trung ương 80% kinh phí, còn lại là Hải Phòng lo”.
Ông Nam cho rằng việc xây dựng khu hành chính - chính trị này rất cần thiết cho việc cải cách hành chính, dự án góp phần đưa Hải Phòng trở thành một đô thị văn minh, hiện đại, là đột phá của Hải Phòng trong thời gian tới.
Thông tin từ UBND TP Hải Phòng cho biết khu đô thị mới bắc sông Cấm sẽ giúp mở rộng TP Hải Phòng về phía bắc.
Khu đô thị mới chia thành sáu khu chức năng là khu trung tâm hành chính - chính trị; khu vui chơi giải trí đa chức năng và khu dân cư; khu nghiên cứu và đào tạo; làng sinh thái; khu dân cư và quỹ đất dự trữ; khu nhà ở thấp tầng. Thời gian thực hiện dự án 2015-2020.
Theo báo cáo của Ban Quản lý công trình xây dựng phát triển đô thị Hải Phòng, đến nay dự án đã hoàn thành một số phần việc như tổ chức khảo sát hiện trạng khu vực xây dựng dự án, xây dựng kế hoạch bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ, dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu giai đoạn chuẩn bị dự án.
Trong khi đó, ông Ngô Đăng Lợi, nguyên Chủ tịch Hội Sử học TP Hải Phòng, Ủy viên BCH Hội Sử học Việt Nam cho rằng, khu hành chính, chính trị của Hải Phòng từ thời Pháp đến tận bây giờ là rất thuận tiện và văn minh. Hiện tại các quận, huyện của Hải Phòng, các trục đường chính của thành phố đi về trung tâm rất tiện.
Khu hành chính là nơi giao của quốc lộ 10 - quốc lộ 5 - đường đi Đồ Sơn và thuận tiện cả huyện đảo Cát Hải khi vào đến Hải Phòng. Người dân tiếp cận khu hành chính của thành phố từ trước đến giờ rất tốt. Các sở, ban ngành và trụ sở UBND thành phố, trụ sở Thành ủy Hải Phòng cũng ở vị trí thuận tiện cho việc họp hành. Không có gì là bất tiện cả.
Ông Lợi đặt ra câu hỏi: "Tại sao lại thay đổi khu hành chính - chính trị trong khi khu hành chính - chính trị hiện tại vẫn làm rất tốt chức năng, nhiệm vụ của nó? Và nó đã được tính toán quy hoạch một cách khoa học, phù hợp phong thủy rồi!".
Trước đó, ngày 2/11, ông Châu Ngô Anh Nhân - Giám đốc Ban quản lý dự án phát triển tỉnh Khánh Hòa cũng cho biết, Chính phủ đã phê duyệt, đồng ý về nguyên tắc áp dụng hình thức hợp đồng (xây dựng – chuyển giao) để UBND Khánh Hòa triển khai dự án xây dựng khu Trung tâm đô thị hành chính.
Tổng mức đầu tư dự kiến gần 4.300 tỷ đồng, riêng vốn xây dựng hạ tầng và công trình kiến trúc cho khu trung tâm hành chính là hơn 3.000 tỷ.