VNN - VietNamNet trao đổi với kiến trúc sư Hoàng Quang Huy, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng về việc TP có kế hoạch di dời trung tâm hành chính nghìn tỷ.
Không ai xây như Đà Nẵng
Theo ông Huy, việc HĐND Đà Nẵng mới đây thảo luận vấn đề di dời trung tâm hành chính là có thể hiểu được. Dưới góc nhìn của một kiến trúc sư và là người làm quy hoạch, ông cho rằng tòa nhà hiện tại có những bất cập ngay từ lúc xây dựng.
Ông có suy nghĩ gì khi nghe thông tin TP có kế hoạch di dời trung tâm hành chính hiện tại?
Điều đó dễ hiểu thôi. Khi mà có phản ánh tòa nhà nóng hoặc thiếu dưỡng khí thì không thể xử lý bằng cách sửa chữa, chắp vá được. Nếu tòa nhà có vấn đề thì xây mới cũng là hợp lý và tôi ủng hộ.
Việc lựa chọn mô hình thiết kế tòa nhà như hiện tại được triển khai như thế nào, thưa ông?
Lúc khởi động dự án, thành phố có tổ chức thi chọn thiết kế ưng ý nhất. Có nhiều hồ sơ từ Hà Nội, TP.HCM cũng gửi đến. Hội đồng kiến trúc TP sau đó chấm mô hình thiết kế này của Hàn Quốc.
Lúc bỏ phiếu, tôi là một trong số vài thành viên không tán thành chọn thiết kế như hiện tại. Thời điểm đó tôi đang là Viện trưởng Viện Quy hoạch phát triển đô thị. Theo tôi, việc lựa chọn mô hình này chỉ dựa vào thiết kế mà quên mất cái quan trọng nhất là công năng sử dụng.
Những tòa nhà hình trụ thường gây khó cho việc bố trí, sắp đặt nơi làm việc. Hơn nữa kiến trúc với lớp kính bao kín hoàn toàn sẽ khiến bức bối, nóng hơn.
Về quan điểm sẽ di dời nơi làm việc đến một điểm mới, ông có ý kiến gì?
Có thể nói rằng không ở đâu xây dựng trung tâm hành chính như Đà Nẵng đã làm. Việc bố trí khu hành chính tập trung phải đảm bảo có không gian, tạo sự tiện lợi tối đa cho đông đảo nhân dân đến làm việc, như ở Bình Dương chẳng hạn. Đây là điều mà tòa nhà hành chính Đà Nẵng không đáp ứng được. Lúc xây dựng tòa nhà, TP cũng không trưng cầu ý kiến người dân.
Nếu có chủ trương di chuyển, tôi đề nghị tách biệt rõ ràng. UBND TP có thể chuyển về địa chỉ 42 Bạch Đằng, vốn là nơi làm việc của TP lúc trước. Còn các sở ngành thì tập hợp lại thành khu hành chính tập trung, có thể bố trí ở đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, vốn là nơi TP đang có chủ trương di dời các công sở về đây.
Đà Nẵng lãng phí hàng loạt công trình lớn
Không chỉ tòa nhà hành chính nghìn tỷ vừa hoạt động 3 năm đã rục rịch di chuyển, ông Huy cho biết nhiều công trình ở TP này rất lãng phí sau khi xây dựng.
Ông có thể nêu một vài ví dụ?
Điển hình nhất có lẽ là công trình cầu Thuận Phước. Cây cầu với số vốn rất lớn được xây dựng với mục đích kết nối cảng Tiên Sa, lưu thông hàng hóa từ cảng. Tuy nhiên việc xây dựng sau đó đã không theo ý định ban đầu. Bây giờ hầu như chỉ để làm… cảnh!
Xe máy qua lại mật độ rất thưa thớt. Xe tải thì cấm rồi trong khi xe hơi qua cũng thấp thỏm sợ… sập!
Hay là có thể kể tới công trình hầm chui sông Hàn 4.000 tỷ mà TP đang dự tính khởi công cuối năm nay. Theo tôi việc xây hầm để giảm ùn tắc giao thông là không cần thiết, trong khi TP đã có rất nhiều cây cầu qua sông Hàn. Nếu cần thì nên làm cầu nổi, có thể tiết kiệm hơn trong việc xây dựng, duy tu bảo dưỡng và cả quản lý.
Đáng lẽ nếu đúng quy hoạch thì trước không làm cầu Thuận Phước mà phải làm hầm chui ở vị trí đó, để xe siêu trường, siêu trọng qua cảng rồi lưu thông bằng đường Nguyễn Tất Thành.
Ngoài ra còn có thể kể tới các ông trình như tòa nhà biểu diễn đa năng, khu triển lãm, hội chợ…
Theo ông vì sao Đà Nẵng có những công trình làm sai quy hoạch dẫn tới lãng phí như thế?
Trong một giai đoạn mà Đà Nẵng phát triển rất nóng, cả TP như một đại công trường thì có thể có nhiều chỗ không chuẩn xác được.
Tôi muốn chia sẻ ý này. Sau thời của cố Bí thư Nguyễn Bá Thanh, TP đã giải thể Hội đồng kiến trúc quy hoạch. Đây vốn là tập hợp của tất cả các hội nghề nghiệp để tham vấn cho TP trong mỗi dự án.
Bây giờ cứ Sở Xây dựng quyết cả, và thực tế hiện nay có rất nhiều công trình làm sai. Chúng tôi đang kiến nghị TP tái lập Hội đồng này.