Thứ Ba, 24 tháng 3, 2015

Du lịch Bà Nà năm 1924

>> Những thành phố nhiều cây xanh nhất thế giới


Linh mục Antôn Nguyễn Trường Thăng, Hội An.

Năm 1996, khi du học tại Paris, tôi có đến tham khảo tài liệu Việt Nam tại Thư Viện Quốc Gia Pháp Versailles (Bibliotheque Nationale de Versailles, Paris). Lúc đó thư viện nầy đang rục rịch chuyển sang địa điểm mới, tức thư viện Mitterand sau nầy. Mục đích là tìm hiểu về tờ Báo Lời Thăm, thuộc địa phận Quy Nhơn, mà có thời khá phổ biến trong nội bộ Giáo hội Công giáo Việt Nam. Trong năm phát hành đầu tiên 1924, tôi có sao chép được một văn bản về núi BaNà, xin lưu ý là BaNà chứ không phải là Bà Nà, tác giả ký tên tắt là J.T… nhưng chúng ta có thể đoán là Joseph Marie Nguyễn Văn Thích, con trai cụ Thượng thư Tiểu cao Nguyễn Văn Mại. Tuy là con một danh gia vọng tộc, nhưng Nguyễn Văn Thích lại gia nhập Giáo hội Công giáo, rồi lại xin đi tu. Một việc làm chấn động kinh đô Huế thời bấy giờ. Khi viết bài này thầy Thích còn là đại chủng sinh vì hai năm sau đó ngày 18-12-1926, thầy mới được thụ phong linh mục tại nhà thờ Phú Cam. Linh mục Thích, tức Sản Đình mà sau này là một nhà hoạt động hướng đạo, một thi sĩ, nhà báo và là một giáo sư Hán học danh tiếng đất Thần Kinh.

Báo số 37 ra ngày 1-7-1924. Qua số 39, ra ngày 1-8-1924, chúng ta thấy có bài thơ của Tôn Thất Sa, người tự xưng là “ami” (bạn) của J.T. Và thực sự là như vậy trong đời thường. Hoạ sĩ danh tiếng Tôn Thất Sa là bạn tâm giao của cha Thích.

Tuy bài báo viết cho độc giả công giáo với ngôn từ “nhà đạo” nhưng  độc giả ngày nay và các nhà thiết kế khu du lịch Bà Nà có thể mơ ước một ngày vùng núi này sẽ có được cảnh chim kêu, vượn hú như cách đây gần 86 năm.

Sau đây là nội dung bài viết. với lối hành văn xưa.
***

NÚI BANÀ ( QUẢNG – NAM)

Ở Hàn (Tourane) đi lên Banà phải theo đàng lên Tùng-sơn qua ngã sở chè ông Fiard, cứ đi mãi đến là An-lợi ở sát chơn núi ấy. Từ đó, mới bước lên núi đi trên đàng đã dọn như đàng quan đặng chừng một vài cây số, còn lên nữa là đàng tự nhiên hay là đã dọn sơ sài đi vừa đặng, rộng chừng 1m20 x 1m50; lên trên nữa còn chừng 500, 600 thước bề cao đỉnh núi, mới có đàng tốt đi thong thả.

Xem ra tôi lên đến đỉnh núi mau quá mà bỏ qua các sự tôi đã xem thấy từ dưới mà lên, nên phải trở xuống mà bắt đầu thuật lại cho quý hữu nghe:

Trước hết, bước qua một suối nước trong như mắt mèo, là giái hạn chia An-lợi và Banà, có cống xây đá, có ống Thuồng-luồng bằng ciment đặt dưới, nước chảy mạnh qua các ống ấy và đổ xuống xao xao, ầm ầm một mực chằng thay đổi. Phải chi ở giữa thành phố đặng mấy vòi nước như vậy, thì có ích cho người ta biết chừng nào!

Qua khỏi suối ấy, thì bước lên Banà theo đàng đã nói trên, liền nghe tiếng quan và lính loài thú ở hai bên rừng làm hản-ngữ núi “Chúa”. Khi vừa nghe có người đi lên chốn ấy, thì liền nhứt-hô, bá ứng ra dấu phải chăm chỉ chào mầng cho đến khi đi qua khỏi rồi mới thôi. Ấy là quan quân các chú khỉ và vượn.

Khỏi chốn ấy, thì lên mới đặng chừng 100 mètres bề cao, thì đã thấy đặng một đôi chỗ về Tourane, thì có tiếng đội binh về loài chim nỗi nhạc tiếp trước hai bên đàng cây cối im mát, đang lúc ta đi qua ở giữa. Tự nhiên bắt trí khôn suy tưởng: Xưa hai tổ tông chúng ta hưởng sự khoái lạc Địa-đàng e cũng như vậy.

Lên đến 500 mètres bề cao, đi theo đàng tự nhiên; ở đó mà lên, thì ít chỗ thấy về dưới đặng, vì cây cối che khuất, chỉ thấy đặng dưới và triền núi mình đi trên và các suối nước dưới thăm thẳm mà thôi. Ở đây trong mình đã có sự mát mẻ và hơi khoẻ, lại tai nghe tiếng chim nhỏ ríu rít ăn dịp cùng tiếng dội mấy vòi nước trong đá chảy ra đổ xuống trên hoàn đá khác, thì làm cho ta bắt buồn ngủ. Song chẳng ngủ đặng vì càng đi lên, thì càng thấy nhiều sự lạ lùng ngộ nghĩnh trước mặt: Các thứ to lớn lạ lùng các hoàn đá chồng nhau bên này bên kia, trên cao dưới thấp cách lắt léo, không biết đã mấy ngàn năm, mà chẳng rơi chẳng đổ; lại thêm người ta đã chặt cây gác gỗ làm cầu là đi qua trên; thấy những cây cối cao phi thường thì có, còn lớn lắm thì gần không có. Cây cối xem thì rất xinh đẹp, nhiều mà rộng rãi, dưới ngó thấy trên, trên xem thấy dưới như một vườn khéo lập ở dưới ta; song tiếc là nhiều cây mà hết thảy là cây không trái hay có mà dùng chẳng đặng. Mà ta cũng chẳng nên tiếc, vì điều ấy, vì nhớ xưa hai ông bà Tổ-tông loài người đã phải hư đi vì trái cây, thì ta cũng không nên phàn nàn vì cây không trái ăn đặng, miễn là nó giúp ta cho đặng suy nghĩ ngợi khen phép tắc Đức Chúa Trời, thì là đủ.

Lên đến gần 1000 mètres, thì ở trong mù mịt mây bay làm cho da thịt có hơi quá mát, lại tai nghe nhiều tiếng thanh bai rập ràng cung nhịp dường đội fanfare (nhạc tây), bên này đối diện bên kia lên tiếp chẳng nghỉ. Cũng chẳng khác nào các đấng Cherubim và Seraphim trên trời hằng chúc tụng Chúa rằng: “Thánh tai, Thánh tai, Thánh tai cả và trời đất đầy dẫy sự oai quờn sang trọng Chúa”, thì trên chốn này các thứ con ve ve xem ra bắt chước như vậy mà đối đáp ngợi khen Chúa chẳng có khi dừng.

Lên đến 1400 métres, 1440 métres thì chẳng còn nghe tiếng chim chóc chi nữa, hay là thỉnh thoảng một đôi khi mà thôi, nên thật là thanh tịnh, là chốn nghỉ ngơi cho kẻ mệt nhọc, ở đó đặng thấy khắp nhiều nơi; ngó về dưới Hàn (Tourane), Faifo, Quảng-ngãi; ngó ra Cau-hai, Huế; ngó ngoài biển khơi ; ngó qua bên Phú túc và xa hơn nữa. Trên đó có 13 sở nhà mát trên 13 chóp núi gồm về một sở Banà ấy; có đàng cắt quành theo núi, đi lên đi xuống chỗ này qua chỗ khác. Các đàng phần nhiều ở trong bóng cây, nhiều nơi nguạnh góc núi thì cắt đàng rộng hơn, đặt nhiều cái ghế tạm bằng miếng gỗ để đi dạo mát ngồi chơi. Nơi nào cắt núi chẳng đặng làm đàng, thì đóng cừ nhiều lớp theo bên mép núi rồi hạ đất đổ xuống thêm làm thành đàng tất mà đi. Nhiều nơi phải làm đàng từng cấp có năm bảy chục cấp từ dưới mà lên, từ trên mà xuống, lấy gỗ cây mà chấn mỗi cấp.

Khí trời thì mát thiệt cho các người phương Tây, còn Annam ta thì có hơi quá mát; chẳng có khi nào mà biết sự nóng nực trong mình.

Các ông Tây và bà đầm đều cầm gậy củi trong tay, nhắc nhau leo đi chỗ này qua đến chỗ kia, chơi ngồi chỗ này đi lại nơi kia, làm tuồng in như con nít chơi, cùng xem ra lấy lòng sung sướng lắm.

Phải chi một linh hồn nào sạch tội trọng mà hưởng chốn này như vậy, thì càng nên có phước; vì càng đặng suy nghĩ cùng thêm lòng kính mến Chúa cả đã dựng nên mọi sự lạ lùng, tốt lành, vui vẻ sung sướng dường ấy cho ta, lại càng thêm lòng trông cậy ao ước đến chốn nghỉ ngơi vui vẻ đời đời mà ngợi khen Chúa chẳng cùng.

J.T….
***

Qua số 39 ngày 1 tháng Aout 1924.

Thơ tặng ông – Tiên lên núi “Chúa” ở Banà.

Có đặng “Lời Thăm” số 37, Ler Juillet, có đặng núi Banà. (J.T.)

Nhơn xem chuyện, chạnh nhớ đến ami, nên cảm tình tặng ami thơ này:

Quảng – ngãi Ba – nà chẳng nghỉ chơn;

Lên cao rũ sạch nợ phong trần.

Chim chào khỉ múa khi đưa đón;

Vượn hót ve ngâm lúc rước mầng.

Nhắn gởi ông Tiên trên núi “Chúa”

Chớ mê Đại thánh chốn non “Thần”

Trông về “Hàn” thấy con cùng vợ;

Ngó lại ba trăng tính cũng gần.

Tôn – Thất – Sa, kính tặng.

Đọc lại câu chuyện Bà Nà năm 1924 và so sánh với cái thời du lịch “tử thái” ngày nay. Tiếc ơi là tiếc.

HỘI AN NGÀY 20 THÁNG 9 NĂM 2010.