Thứ Hai, 26 tháng 9, 2016

Chữa tắc đường ở Hà Nội: Dời đô hành chính hay cấm xe máy?

Hiệu Minh

SOHA - Đường tắc, nhà cửa nhôm nhoam, nói bậy chửi thề, chen lấn xô đẩy, là kết quả của chính sách đô thị chưa có kiểm soát khoa học, chưa có kế hoạch đồng bộ.

Hà Nội là văn minh... thập cẩm

Với thực trạng kiến trúc tạp nham, đường xá uốn éo, xe đạp, xe máy tràn ngập trong ô nhiễm khói bụi với hàng chục triệu dân gốc từ nền văn minh lúa nước của một Thủ đô to trên thế giới như Hà Nội, thì mọi giải pháp cấm, xây thêm đường, đào hầm phía dưới đất, thậm chí dùng cả máy bay đi lại, cũng không thể giải quyết bài toán trải dài hai thế kỷ.

Như dân thời @ nói, bótay.com. Chấm hết.

Có một thời, mấy anh chàng ở quê ra Hà Nội tìm việc, tìm vợ, lấy hồ Hoàn Kiếm làm tâm và quay quanh 3-4km để thực hiện kế ở lại lâu dài.

Với thời gian, hiện bán kính đó đã mở thêm 50 - 60 km nhưng dường như vẫn chưa đủ. Vài chục năm nữa, có khi Thủ đô mở rộng tới Hoa Lư (Ninh Bình). Khi ấy nước Việt có cả cũ và mới, có trung tâm Công giáo (Phát Diệm), thủ đô Phật giáo (Bái Đính) và cố đô Hoa Lư. Khi ấy sẽ là thủ đô của nhiều thủ đô, tha hồ mà tự hào.

Nếu anh chàng đến Hà Nội từ Hà Giang, anh ấy sẽ mang một ít "văn minh" Hà Giang về Hà Nội: Đổ đất làm đồi để trồng táo mèo, tam giác mạch hay đào Tây Bắc, cho đỡ nhớ núi rừng.

Anh Thanh Hóa về quê nổ mìn, cưa đá để mang ra Hà Nội lát vỉa hè, đóng góp xây dựng thủ đô cho đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

Anh Ninh Bình với tâm thế của người cố đô cũ sẽ cố cải tạo thành phố này như Hoa Lư có đủ chợ Rền (cho giống Trường Yên) bên cạnh chùa Một Cột,.

Chả hiểu Nghệ An, Quảng Bình, Sài Gòn, Huế, sẽ mang ra Hà Nội những gì nữa. Hàng chục triệu dân các tỉnh đổ về đã làm cho Hà Nội là thủ đô của muôn phương cùng sát cánh tiến lên, chỉ có điều thiếu hài hòa.

Đường tắc, nhà cửa nhôm nhoam, nói bậy chửi thề, chen lấn xô đẩy, là kết quả của chính sách đô thị chưa có kiểm soát khoa học, chưa có kế hoạch đồng bộ.

Có trách thì tự trách mình. Ra Hà Nội làm gì, sao không ở quê cho sướng?

Khổ nỗi, ở quê thì làm sao hội nhập, cơ hội đâu công bằng về y tế, giáo dục, về văn hóa. Về mọi phương diện, đã ở quê thì không bằng ngồi lê thành phố.

Chuyện di chuyển thủ đô trên thế giới

Chuyện của xứ Việt cũng giống chuyện thế giới. Manila, Jakarta, Bangkok cũng quá tải và ô nhiễm không kém Hà Nội.

Trong lịch sử đã có nhiều nước đã, đang và sẽ nghĩ cách chuyển thủ đô về nơi mới để giải bài toán tắc tị nơi đô thị. Để cho một thủ đô trụ lại được vài trăm năm quả là khó vì sự phát triển khó lường trước.

Bắc Kinh có hàng ngàn năm vì các vị hoàng đế xa xưa đã nhìn thấy khu đất đó tồn tại vĩnh hằng.

Người Nhật khó chuyển Tokyo đi đâu vì chỗ nào trong nước họ cũng động đất nên đành sống chung với thiên tai bằng cách xây nhà thật phù hợp với địa tầng hay gặp dư chấn.

Nếu ai hỏi thủ đô của Malaysia ở đâu thì ai cũng nghĩ là Kuala Lumpur. Thật sự họ đang chuyển về Putrajaya cách 25km theo mô hình Canberra (Úc) hay Washington DC (Mỹ) – thủ đô chỉ dành cho các cơ quan chính trị và hành chính. Kuala Lumpur trở thành trung tâm kinh tế, tha hồ xây building chọc trời.

Ngay tại nước Mỹ, có thủ đô kinh tế là New York, Washington DC là thủ đô hành chính – chính trị có từ khi thành lập nước cách đây hơn 200 năm.

Sau 1999, người Đức bắt đầu chuyển thủ đô từ Bonn về Berlin như trước chiến tranh. Dân Kazachtan đã bỏ thành phố xinh đẹp Almaty về trung tâm đất nước Akmola từ năm 1997.

Cách đây hơn chục năm (2006), thấy Yangon bị nạn kẹt xe, gần biển hay bị lụt lội đe dọa, rồi sợ phương Tây đổ bộ xâm lược, mấy nhà thống chế Myanmar quyết định rời đô về Naypyidaw cách Yangon khoảng 300km.

Thành phố được xây dựng từ đầu nên có thiết kế đâu vào đó, đường rộng mênh mông, nhà cách xa đường, khu các bộ, các ngành riêng biệt, liên kết với nhau. Khu nhà ở rộng rãi, khang trang và chính quyền thành phố rất gắt gao trong việc quản lý phát triển đô thị có kế hoạch và tầm nhìn.

Tôi đã đi cao tốc từ Yangon đến thủ đô mới, đường thẳng băng, xe ít đi lại vì dân vẫn thích ở Yangon. Nhưng mấy ông tướng về Naypyidaw thì quân phải theo. Tướng ngồi nhà xua quân ra trận đâu có được.

Nhiều gia đình một chốn đôi nơi, dần dần thấy không tiện, đành nuốt nước mắt về nơi mới. Nhưng hôm nay xứ này đã nhộn nhịp và hiện là một trong thủ đô phát triển nhanh nhất thế giới.

Mở rộng Hà Nội hay chuyển chức năng ra nơi hợp lý?

Như tôi viết cách đây 8 năm về hiện trạng này, xin copy lại vì thông điệp còn nguyên giá trị.

Ta thường tự hào "Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, quân sự, hành chính, kinh tế, thương mại và văn hoá của cả nước".

Chính cái phần "kinh tế thương mại" kia đã làm cho Hà Nội mang đủ thứ thập cẩm như hôm nay, phá luôn "văn hoá" và ảnh hưởng không nhỏ đến "kinh tế" và các yếu tố còn lại.

Bắc Kinh, Bang Kok, Manila hay Jakarta đang chịu cảnh ô nhiễm ngột ngạt và tắc đường triền miên cũng chỉ vì tuyên ngôn "Thủ đô là trung tâm chính trị, quân sự, hành chính, kinh tế, thương mại và văn hoá".

Ý tưởng không tồi nếu đưa "chính trị, quân sự và hành chính" lên Hoà Lạc, chuyển "kinh tế, thương mại" về phía bắc Thăng Long và Gia Lâm hay đâu đó, giữ nguyên "văn hóa" ở phố cổ quanh bờ Hồ và Quảng trường Ba Đình với Hoàng thành Thăng Long.

Như thế ít nhất, "các bác địa phương" ra Trung ương sẽ đi thẳng lên Sơn Tây, đỡ tắc đường dịp lễ tết. Chúng ta đồng thuận mở rộng thủ đô làm gì nếu nội thành không được thư giãn về mật độ?

Nếu vẫn khư khư thủ đô là "trung tâm của tất cả", chúng ta sẽ có Hà Nội như hôm nay với đủ các lệnh cấm, phạt, nhưng một số thứ vẫn là cái "làng" theo đúng nghĩa đen, thiếu chỉn chu như những ngôi nhà lắp ghép Giảng Võ với lồng sắt chuồng cọp lợp tấm nhựa bảy sắc cầu vồng.

Bỏ ra 50 hay 100 tỷ đô la để chắp vá Hà Nội vốn đã chật hẹp, manh mún và lộn xộn để rồi nó càng chắp vá thêm hay để bắt đầu một cuộc đời mới về phía Hoà Lạc hay đâu đó?

Nếu "Tây tiến" mới được bắt đầu lại với kỹ thuật hiện đại chắc chắn sẽ không kém thủ đô Canberra (Úc). Hà Nội cũ vẫn đẹp lãng mạn nằm bên cạnh sông Hồng với cái hồ thơ mộng dù không có cụ Rùa.

Quyết định đó có thể sẽ làm đau lòng những người tìm nhiều cách sở hữu tấc đất tấc vàng quanh hồ Gươm, mua villa hóa giá, hoặc ai đó "quân sư quạt mo" giảm xe máy, cấm xe ngoại tỉnh, số chẵn lẽ, xây metro hay "cầu treo" vào nội thành.

Hào kiệt nước Nam và chuyện dời đô

Lần ngược lịch sử, có thể thấy, năm 1010 Lý Thái Tổ quyết định dời đô vì nhận thấy cố đô Hoa Lư bị những dãy núi đá vôi bao quanh, chỉ thuận tiện cho việc phòng thủ, không thích hợp cho việc phát triển kinh tế.

Cách đây 1000 năm, các tiên đế làm gì có ảnh vệ tinh hay máy định vị toàn cầu để nhìn được toàn cảnh Đại La. Thế mà họ thấy được mảnh đất Thăng Long cho nghìn năm sau: Xuyên lịch sử, xuyên không gian và vượt qua thời gian.

Lúc này rất cần những tầm nhìn xa như Lý Thái Tổ, để Thủ đô không khựng lại trên những con đường phát triển đầy kẹt xe cộ và bao nhiêu vật cản khác.

Các bậc hào kiệt ngày nay chịu khó lên trực thăng để nghiên cứu và định hướng phát triển Thủ đô cho vài chục, vài trăm năm sau, may ra hy vọng họ sánh được với tiền nhân nhà quê Ninh Bình dùng thuyền nan tìm đất dời đô.

Nếu ngồi bờ Hồ bàn cãi và lo qui hoạch để cho nhà mình ra ngoài mặt đường, mang kiến trúc làng quê ra thủ đô, rồi cấm xe, thì rồng Thăng Long chỉ vùng vẫy quanh mấy cái "ao làng" tựa anh chàng mang đá Thanh Hóa ra lát đường để tìm vợ ở Hà thành.