Chủ Nhật, 15 tháng 5, 2016

Không thể bán sông Hồng vì lợi ích kinh tế

>> Bộ tranh lột tả mảng tối của xã hội hiện đại

Lê Hữu Việt

TP - Lãnh đạo Bộ KH&ĐT-đơn vị trình văn bản lên Chính phủ cho rằng, dự án cải tạo sông Hồng mới là ý tưởng và Cty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình xin được nghiên cứu ý tưởng đó. Còn các chuyên gia, nhà khoa học thì cho rằng: Không thể bán sông Hồng vì lợi ích kinh tế.

Không nước nào bán cả dòng sông cho tư nhân

Trao đổi với PV Tiền Phong, một lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho biết, Dự án giao thông thủy xuyên Á, kết hợp thủy điện trên sông Hồng, với vốn đầu tư 1,1 tỷ USD, của Cty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình đề xuất mới là ý tưởng. “Họ mới xin để được nghiên cứu dự án, còn nghiên cứu xong có cho phép làm hay không lại là chuyện khác”, vị này nói.

Theo đó, nhà đầu tư đề xuất ý tưởng, nên để cho họ nghiên cứu, phải nghiên cứu mới biết dự án triển khai được không, tốt xấu thế nào mới đưa ra quyết định đầu tư. Khi có nghiên cứu, số liệu đưa ra để các bộ ngành, chuyên gia, nhà khoa học đánh giá, nếu không tốt sẽ không bao giờ cho làm. “Muốn biết đúng sai phải có nghiên cứu thực tế, đánh giá của các nhà khoa học, tổ chức, cá nhân, muốn đưa ra đánh giá phải có các dữ liệu từ nghiên cứu thực tế”, ông nói.

PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng Đại học Xây dựng bày tỏ e ngại với dự án lớn như thế. Ông cho rằng, cần phải nghiên cứu kinh nghiệm các nước khác trên thế giới, để khỏi phải trả giá đắt. Vì sông Hồng nếu bị tác động, môi trường sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều bài học đắt giá đã được rút ra như vụ cá chết tại miền Trung vừa qua, do đó, dự án cải tạo sông Hồng phải được đánh giá, nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi quyết định, đảm bảo khách quan, minh bạch. Về tổng vốn đầu tư lên tới 1,1 tỷ USD, theo ông Hùng, cũng cần phải được thẩm định kỹ lưỡng, đây mới do nhà đầu tư đề xuất. Ngoài ra, phần lớn số tiền đầu tư do doanh nghiệp đi vay, như vậy người dân sẽ phải gánh 2 lần lãi (lãi suất ngân hàng và lợi nhuận nhà đầu tư).

GS.TS Ngô Đình Tuấn (Đại học Thủy lợi) cũng không đồng tình với ý tưởng dự án tác động quá lớn vào sông Hồng. Các đập thủy điện có thể băm nát sông Hồng và ảnh hưởng tới hệ sinh thái thủy sinh trên sông. Theo ông Tuấn, có thể dự án chỉ là cớ để nhà đầu tư khai thác tài nguyên trên sông Hồng. Ngoài ra, không nước nào bán cả dòng sông cho công ty tư nhân để khai thác mãi mãi như đề xuất của nhà đầu tư. “Mỗi đập nước làm nhà máy điện công suất 228 MW, chỉ bằng 1 hồ nhỏ ở Tây Nguyên hoặc miền Trung. Giá trị kinh tế không quá lớn để đánh đổi môi trường sông Hồng”, ông Tuấn nói. Theo ông, phải xét dự án trên quy hoạch tổng thể của sông Hồng và phải nghiên cứu kỹ lưỡng. Vì mới dừng ở ý tưởng, thiếu thông tin, nên ông chưa thể đưa ra các đánh giá tác động của dự án.

Sở hữu sông Hồng vĩnh viễn?

Với dự án cải tạo sông Hồng, Cty Xuân Thiện đề xuất thực hiện dự án theo hình thức BOO (Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh). Theo Nghị định 15 về Đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), Hợp đồng BOO được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng. Sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư sở hữu và được quyền kinh doanh công trình đó.

Ông Lê Văn Tăng, nguyên Cục trưởng Quản lý Đấu thầu (Bộ KH&ĐT) cho biết, hình thức đầu tư BOO là nhà đầu tư tự bỏ tiền xây dựng, kinh doanh và sở hữu mãi mãi công trình. Những công trình này đáng lẽ nhà nước phải làm (như cung cấp nước sạch), nhưng nhà nước chưa đủ khả năng làm nên kêu gọi các nhà đầu tư tư nhân vào làm và kinh doanh để thu hồi vốn.

Tuy nhiên, sản phẩm bán ra, giá cả dịch vụ của nhà đầu tư được ký kết hợp đồng với nhà nước trong thời gian nhất định. “Thời hạn sở hữu dự án là vĩnh viễn, còn hợp đồng thì có thời hạn, hết hạn hợp đồng nhà nước và nhà đầu tư sẽ bàn thảo lại hợp đồng mới”, ông Tăng nói. Trong quá trình khai thác dự án, nhà đầu tư có thể bán, chuyển nhượng, cầm cố dự án cho nhà đầu tư khác. Tuy nhiên, nhà đầu tư mới phải tuân thủ theo các cam kết của hợp đồng nhà đầu tư trước đã ký với nhà nước. Với dự án lựa chọn hình thức hợp tác công - tư nào (BOO, BOT…), theo ông Tăng, phụ thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện của nhà đầu tư và nhà nước.
***

Thủ tướng chưa xem xét phê duyệt siêu dự án sông Hồng

Ngày 9/5, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng có công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện theo hình thức BOO.

Văn bản nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ chưa xem xét việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án trên vì chưa đủ căn cứ, cơ sở theo quy định của pháp luật. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tổ chức xây dựng quy hoạch tổng thể khai thác sông Hồng để bảo đảm phát triển bền vững, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Việc xây dựng Quy hoạch nêu trên phải được thực hiện một cách kỹ lưỡng, khoa học và phải có sự tham gia của các địa phương liên quan, các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị, xã hội khác là đại diện cho lợi ích của người dân trong lưu vực đồng bằng sông Hồng.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã quyết định phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch cũng xác định yêu cầu là phải bảo vệ và phát triển mở rộng các không gian xanh, các hệ sinh thái rừng và thảm xanh tự nhiên trong vùng, bảo vệ các hành lang xanh dọc hệ thống sông Hồng - Thái Bình; đồng thời hạn chế các hoạt động phát triển làm biến đổi dòng chảy, gây mất an toàn đối với các khu vực dân cư và cơ sở hạ tầng. 

Văn Kiên