Thứ Tư, 2 tháng 11, 2016

Hố Hô và nghịch lý thủy điện nhỏ ở Việt Nam

Lê Quỳnh thực hiện

Người Đô Thị - Trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng cho đến nay, những tác động tiêu cực của thủy điện đến sinh thái, đời sống, sinh kế của người dân... đã được chứng minh qua những bài học thực tế. Tuy nhiên, thủy điện nhỏ được xem là một dạng năng lượng sạch, như một giải pháp thay thế các nguồn năng lượng hóa thạch, thủy điện bậc thang... - đang gây rất nhiều hệ lụy xấu về kinh tế, xã hội, môi trường. Người Đô Thị có cuộc trao đổi với các chuyên gia về vấn đề thủy điện nhỏ trong bài toán phát triển năng lượng sạch hiện nay của đất nước.

TS. Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm tư vấn Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu (CEWAREC) lý giải tại sao xem thủy điện nhỏ như một nguồn năng lượng sạch.

Trước đây, thủy điện dù lớn hay nhỏ đều được xem là nguồn năng lượng sạch, vì người ta nghĩ năng lượng này được sản sinh từ nguồn nhiên liệu sạch là nước; thủy điện không gây ra khói, bụi và không nước nóng xả vào nguồn nước.

Tuy nhiên thực tế, các đập chắn, hồ chứa nước của nhà máy thủy điện (có thể từ vài triệu đến hàng tỷ mét khối nước và chiếm một diện tích lớn đất rừng, đất nông nghiệp) đã thay đổi toàn bộ chế độ dòng chảy, hệ sinh thái, điều kiện sống ở hạ lưu như các vùng đất ướt, đồng bằng ngập lũ; làm suy giảm phù sa xuống hạ lưu, biển lấn, xói lở bờ sông, bờ biển...

Nghiên cứu mới đây của Đại học Washington (Mỹ), phân tích 200 báo cáo trước đó về phát thải khí tiềm tàng từ 267 đập và hồ chứa nước trên toàn thế giới, với tổng diện tích khoảng 77.699km2, cho thấy nó phát thải gần 1 tỷ tấn CO2 mỗi năm, tương đương 1,3% tổng lượng khí nhà kính do con người tạo ra, lớn hơn tổng lượng khí thải nhà kính của Canada.

Tuy nhiên, những công trình thủy điện nhỏ, được xây dựng trên các sông suối nhỏ ở vùng núi, chỉ có các đập chắn nhỏ, không tạo nên các hồ chứa, không làm ngập đất đai, không làm thay đổi sinh thái dòng sông, không phải di dân, tái định cư, không phá rừng hoặc rất ít tác động đến rừng, tức là thân thiện với môi trường thì được xem là sản sinh ra năng lượng sạch. Chưa có sự thống nhất chung quốc tế về định nghĩa thế nào là thủy điện quy mô nhỏ. Ở Canada, thủy điện nhỏ được xác định từ 20-15MW, ở Mỹ và Việt Nam là dưới 30MW, tuy nhiên phần lớn các nước trên thế giới định nghĩa thủy điện nhỏ có công suất lắp máy là 10MW. Dù định nghĩa thế nào, thì phần lớn loại công trình này khá thân thiện với môi trường so với những hình thức sản xuất năng lượng truyền thống hiện nay.

Nhưng trường hợp Hố Hô (14MW), đang được xem là một chứng minh ngược lại. Và Hố Hô cũng không phải là trường hợp duy nhất cho thực trạng thủy điện nhỏ nói riêng, thủy điện nói chung đang tác động xấu đến môi trường lẫn đời sống sinh kế người dân ngày càng nhiều. Qua các nghiên cứu của mình, theo ông, tại sao lại xảy ra tình trạng này?

Hố Hô theo quy mô công suất lắp máy là thủy điện nhỏ, nhưng nhìn vào các thông số khác như chiều cao đập, dung tích hồ chứa thì nó không nhỏ. Hố Hô có đập cao đến 49m, dung tích chứa 38 triệu m3, chiếm diện tích đất rừng không ít. Hậu quả là nó có những tác động tiêu cực tiềm tàng đến môi trường, sinh thái. Ở Việt Nam, không phải bất cứ nhà máy thủy điện nhỏ nào (dưới 30MW) đều đáp ứng các điều kiện trên. Gọi là thủy điện nhỏ, nhưng với nhiều nhà máy, các nhà đầu tư đã xây dựng trên sông suối những con đập cao, tạo nên hồ chứa khá lớn để tận dụng tăng công suất phát điện. Vì vậy, cách nhìn nhận thủy điện nhỏ tạo ra nguồn năng lượng sạch cũng tùy thuộc vào cách người ta phát triển nó như thế nào.

Ngoài những thủy điện lớn do EVN xây, còn lại do nhiều doanh nghiệp tư nhân đầu tư. Nhiều ý kiến cho rằng, thực tế đây là nghề rất dễ kiếm tiền, doanh nghiệp vận động chính quyền cấp phép rồi tận thu tài nguyên từ việc làm hồ chứa, còn hậu quả gây ra cho môi trường như thế nào thì “sống chết mặc bay”. Đây có phải là một dạng trá hình “năng lượng sạch”?

Trong thời gian qua, thủy điện Việt Nam phát triển nóng (cả thủy điện bậc thang và thủy điện nhỏ). Chúng ta nặng về hiệu ích kinh tế mà bỏ qua các tác động môi trường (phá rừng, dòng chảy lũ, kiệt, phù sa, sói lở, thủy sản...), xã hội (di dân, tái định canh định cư, mất mát văn hóa). Thủy điện nhỏ được cho là kênh đầu tư tư nhân đem lại nhiều lợi nhuận lớn mà những yếu tố môi trường, kỹ thuật thiết kế, xây dựng và vận hành không bị giám sát và bị xem nhẹ, nên đã dẫn đến hệ lụy và tai tiếng, làm thay đổi bản chất của loại công trình này.

Tới nay, thủy điện vẫn được xem là kênh đầu tư hấp dẫn, rất nhiều nhà đầu tư thuộc các lĩnh vực khác nhau nếu có điều kiện đều muốn đầu tư vào thủy điện. Ngoài cái lợi trước mắt sản sinh ra điện cung cấp cho sản xuất, tiêu dùng, thủy điện đem lại nguồn thu khá và ổn định lâu dài cho các nhà đầu tư - nhờ khai thác lợi thế thiên nhiên, sử dụng nguồn tài nguyên của thiên nhiên với giá rẻ. Như đã nói trên, khi nói thủy điện nhỏ, người ta chỉ quan tâm đến con số công suất lắp máy (dưới 30MW), còn nó được phát triển ra sao, hoàn toàn tùy thuộc vào lựa chọn của người đầu tư. Có thể nói, có rất nhiều thủy điện nhỏ ở Việt Nam , nhưng quy mô công trình không hề nhỏ, và tác động của nó cũng vậy.

Chúng ta không có quy định thế nào là “năng lượng sạch” nên cũng không thể nói là “trá hình năng lượng sạch”. Để thủy điện nhỏ thực sự là năng lượng sạch, chúng ta cần có những chính sách, tiêu chí để phát triển.

Năm 2013 Quốc hội đã loại bỏ ra khỏi quy hoạch hơn 400 thủy điện, chủ yếu là vừa và nhỏ. Báo cáo giữa tháng 10.2016 của Bộ Công Thương, trong 3 năm thực hiện rà soát quy hoạch theo Nghị quyết 62 của Quốc hội đã loại khỏi quy hoạch 8 dự án thủy điện bậc thang (655 MW), 463 dự án thủy điện nhỏ (1.404,68 MW) do tác động tiêu cực lớn đối với môi trường - xã hội, hiệu quả thấp. Ông đánh giá như thế nào về quyết định và báo cáo này?

Quyết định của Quốc hội khóa 13 đã loại bỏ ra khỏi quy hoạch 424 dự án thủy điện nhỏ, vừa và cả thủy điện lớn. Còn báo cáo Bộ Công Thương mới đây, tôi thấy rằng vấn đề thực hiện NQ62/2013 của Quốc hội cũng không chỉ ra loại bỏ những công trình nào (cần có danh mục để theo dõi, liệu các công trình này có thực sự bị loại không). Đây chính là vấn đề công khai - minh bạch. Có nhiều con số như trồng bù rừng cần xem lại. Báo cáo vẫn rất nặng về thành tích và kể lể phân cấp trách nhiệm bộ ngành. Như vậy không thể hiểu ai sẽ chịu trách nhiệm về các sự cố thủy điện... Có thể nói, quyết định và báo cáo này được người dân rất đồng tình, tuy nhiên, đây chỉ là quyết định “bùa” yên dân. Thực tế, tôi thấy các cơ quan có thẩm quyền, các địa phương vẫn rất ủng hộ cho các nhà đầu tư (nhà nước, tư nhân) xây dựng thủy điện, tiếp tục chia cắt, xâu xé tài nguyên, nguồn lợi sông suối, chỉ với mục đích kiếm tiền, và để có tăng trưởng (với cả địa phương và các nhà đầu tư).


Hiện Việt Nam còn tiềm năng làm thủy điện nhỏ không? Qua bài học Hố Hô, cũng như thực trạng thủy điện nhỏ hiện nay, theo ông Việt Nam còn khả năng có thể tận dụng được “nguồn năng lượng sạch” này? Nếu còn thì cần phải giải quyết những vấn đề gì?

Chúng ta còn sông suối là còn tiềm năng thủy điện, nhưng để phát triển nó như nguồn năng lượng sạch lại là câu chuyện khác hẳn! Chỉ tính riêng quy hoạch, thủy điện nhỏ đóng góp hơn 26% nguồn thủy điện của Việt Nam. Như vậy, thủy điện nhỏ vẫn có vai trò nhất định trong bảo đảm an ninh năng lượng, đặc biệt cho những vùng sâu vùng xa miền núi chưa có lưới điện quốc gia. Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn lại chính sách hiện nay. Chúng ta đã và đang đánh đồng tất cả, có điều kiện là cơ quan có thẩm quyền các cấp sẵn sàng điều chỉnh quy hoạch để có được công trình thủy điện nhỏ, vừa, lớn. 
Rà soát lại thủy điện nhỏ để xác định những vị trí có khả năng kinh tế kỹ thuật và thân thiện môi trường, với cơ chế đầu tư cẩn trọng có ưu tiên đối với vùng sâu vùng xa, và giám sát chặt chẽ là việc cần thiết. Với các công trình đang vận hành, cần đánh giá lại những mặt được và chưa được, đặc biệt là an toàn công trình, hạ lưu, quy trình vận hành và năng lượng vận hành của các chủ đầu tư, để chấn chỉnh ngay, thậm chí đóng cửa, phá đập, phá nhà máy... để trả lại sự tự nhiên cho các dòng sông. Làm được thì việc phát triển thủy điện sẽ không là nỗi ám ảnh như hiện nay.
***

Bà Lâm Thị Thu Sửu - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu xã hội và phát triển (CSRD):
 
Ở nhiều nước khi mà các phong trào chống đập (chủ yếu chống các đập lớn) diễn ra, thì các đập thủy điện nhỏ được xem là phương án thay thế. Nhưng các thủy điện nhỏ gây ít tác động chỉ khi nó được quản trị tốt với các yếu tố quan trọng, bao gồm: minh bạch, giải trình.

Ở Việt Nam, theo kinh nghiệm và các nghiên cứu của tôi và các đồng nghiệp ở Diễn đàn Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam, cả 5 yếu tố trong quản trị thủy điện nhỏ đều có vấn đề. Đặc biệt, vai trò và lợi ích của người dân chưa được quan tâm đúng mức. Người dân không được tiếp cận thông tin và có cơ hội phản hồi về quá trình phát triển một dự án thủy điện. Chỉ có báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án thủy điện yêu cầu phải tham vấn cộng đồng, nhưng chủ đầu tư và đơn vị tư vấn thực hiện rất sơ sài và đối phó; chất lượng tham vấn không bảo đảm.

Các lợi ích do thủy điện mang lại không được chia sẻ công bằng, người dân đặc biệt ở các khu tái định cư do thủy điện hay ở các vùng hạ du không những không được hưởng lợi từ dự án thủy điện, mà họ còn là người bị thiệt hại nhiều nhất do sự phát triển và vận hành thủy điện. Còn nhiều lỗ hổng trong các cơ sở pháp lý về sự tham gia của người dân trong giám sát vận hành thủy điện...

Việt Nam chỉ nên phát triển các thủy điện nhỏ và xem nó như là nguồn năng lượng sạch khi chúng ta đã khắc phục các vấn đề trong quản trị.
***

Bà Ngụy Thị Khanh - Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo xanh (GreenID):
   
Thủy điện nhỏ thường được khai thác để ưu tiên cấp điện cho những vùng chưa nối lưới, tức là cấp điện tại chỗ bằng hệ thống độc lập hoặc kết hợp nhiều nguồn khác nhau tại vùng đó, để cấp điện cho khu dân cư ở gần nhà máy chứ không phải phá rừng, làm đường nối lên lưới như Việt Nam đang làm.

Việc phát triển, vận hành thủy điện cả lớn và nhỏ ở Việt Nam cần phải được rà soát lại. Trong quá trình rà soát này, một điều quan trọng cần phải khẩn trương xem xét là vấn đề an toàn hạ du và kế hoạch ứng phó khẩn cấp trong tình huống xấu nhất. Nhà vận hành phải chịu trách nhiệm chi trả những chi phí này.

***

PGS-TS. Lê Anh Tuấn - Viện phó Viện Biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ:
 
Trong ba thập niên qua, có nhiều tranh cãi về thủy điện, tốt - xấu có cả. Tuy nhiên, dần dần các nhà khoa học tự nhiên và xã hội nhận ra là các dự án thủy điện lớn và trung (có đập nước và hồ chứa) gây quá nhiều vấn đề về môi trường, kinh tế và xã hội. Thủy điện nhỏ thì ít tác động hơn.

Hiện nay trên thế giới, các nhà khoa học đang tập trung cho các thiết kế thủy điện không đập (no-dam hydropower) như một hình thức thủy điện nhỏ, nhưng đã được giảm thiểu rất nhiều các tác động xấu.