Thứ Năm, 2 tháng 2, 2017

Đà Nẵng - Một đô thị có tư cách!

N.T.H

LĐO - Một đô thị hiện đại, văn minh, đáng sống là mục tiêu được nhiều đời lãnh đạo TP. Đà Nẵng theo đuổi suốt 20 năm qua. Bắt đầu từ cố Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh (2 nhiệm kỳ chủ tịch, 2 nhiệm kỳ bí thư) xây dựng nền tảng, đến hôm nay là Bí thư TP. Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh – một trong số lãnh đạo tỉnh, thành phố trẻ nhất cả nước - nhậm chức, đều có những hành động, tuyên ngôn quyết liệt với hy vọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, mang lại cuộc sống ngày càng tốt hơn cho người dân…

Therichest - một trang mạng có số lượng người đọc đông đảo trên Internet, mới đây đưa ra danh sách 10 thành phố tiến bộ nhất thế giới mà du khách phải đến, trong đó Đà Nẵng – Việt Nam được xếp thứ 6, sau Caceres (Tây Ban Nha), Adelaire (Australia), Medellin (Colombia)… Điều đó không lạ vì cứ thử vào Google hay Bing, tìm kiếm bốn từ “thành phố đáng sống”, hầu hết kết quả đều chỉ đến một địa danh Đà Nẵng. “Thành phố đáng sống” - chỉ bốn từ, nhưng đó là cả một con đường dài hơn 20 năm, chính quyền và cả người dân phải đồng tâm hành động, từ việc lớn như chỉnh trang toàn diện bộ mặt thành phố, đến tập thói quen thực hiện những điều tưởng nhỏ nhặt nhất như bỏ rác vào nơi quy định… 

Từ những cuộc di dời lớn nhất lịch sử 

 Từ năm 1997 - 2007, trong số hơn 800.000 dân lúc đó, thì hơn 1/3 dân số thành phố đã phải rời mảnh đất chôn nhau, cắt rốn đến nơi ở mới, nhường đất cho các công trình chỉnh trang đô thị. Năm 1997 cũng là năm đầu tiên Đà Nẵng tách khỏi tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng để trở thành thành phố trực thuộc trung ương. Trong vòng 5 năm (1997-2002) hơn 36.000 hộ dân an cư lạc nghiệp ở nơi ở mới. Lúc bấy giờ, ông Nguyễn Bá Thanh lúc này là chủ tịch nhiệm kỳ đầu tiên của thành phố thường nói trong hội đồng nhân dân: “Di dời chỉnh trang là để người dân sống tốt hơn, chứ không ai có quyền làm bần cùng hoá người dân”. Vì vậy với con số 36.000 hộ dân di dời, mà chỉ có chưa tới 20 trường hợp khiếu kiện quả là một kỳ tích. 

Ngày Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự khánh thành cây cầu Rồng (tháng 3.2013), nhìn chiếc cầu mạnh mẽ vươn cao nối liền hai bờ đông - tây, ông hóm hỉnh đọc hai câu thơ xưa miêu tả hình ảnh Đà Nẵng trước đây: “ Đứng bên ni Hàn, nước xanh như tàu lá/ ngó bên tê Hàn, phố xá nghênh ngang”. Từ chỗ chỉ có 3 quận nội thành, nay các khu dân cư mới như Thạc Gián, Vĩnh Trung, Bạch Đằng Đông, nam cầu Tuyên Sơn... Đà Nẵng được mở rộng thành 6 quận nội thành với quy mô rộng lớn, chất lượng cơ sở hạ tầng tương xứng với đô thị loại I.

Người xa quê chỉ cần một năm quay về cũng đủ ngỡ ngàng trước sự đổi thay. Với 9 cây cầu bắc qua sông Hàn trong vòng 10 năm, cả một vùng đất từ Ngũ Hành Sơn đến Sơn Trà hoang vắng, nay đường sá thênh thang, phố thị sầm uất. Ông Lê Quang, 78 tuổi, khu An Hòa, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, nhớ: Tháng 7.1999, xóm nhà chồ bị giải tỏa, gia đình ông, 5 người, rời bỏ xóm nhà chồ bên sông Hàn về nhận lô đất làm nhà trên khu đất ruộng, nay đã là khu phố An Hòa 1. Khu An Hòa 1 trước đây với hàng ngàn nhà ổ chuột bên sông Hàn, giờ đây tấp nập đông vui, hầu như nhà nào cũng có tivi, xe máy, bếp gas…

Từ năm 2007 đến nay, dân số Đà Nẵng tăng từ hơn 800.000 lên đến hơn 1 triệu người và dự kiến đến 2010 là 1,5 triệu. Theo nhận định của cơ quan thống kê, mức tăng dân số ở Đà Nẵng chủ yếu hình thành từ khối người dân nhập cư từ các địa phương khác. Hiện tượng này đặt ra cho chính quyền thành phố nhiều thách thức.

Ông Nguyễn Đình An - nguyên Chủ tịch UB Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Đà Nẵng - nói: Thước đo đáng quan tâm và rất có giá trị về con người, đó là sự đánh giá của bạn bè du khách trong cũng như ngoài nước đối với nhân dân Đà Nẵng. 

Đáng sống nhất nước!

Trong buổi làm việc với Uỷ ban Kiểm tra Trung ương (tháng 6.2016), Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng – Nguyễn Xuân Anh khẳng định mạnh mẽ: Ngay sau Đại hội Đảng bộ thành phố, Đảng, chính quyền và nhân dân thành phố bắt tay ngay vào làm việc và đã cho những kết quả tích cực.

Về thu ngân sách, mới 5 tháng đầu năm đã thu đạt hơn 50% kế hoạch thu 16.000 tỉ đồng trong năm 2016. Nguồn thu ngân sách không còn phụ thuộc vào nguồn thu từ quỹ đất như trước. Và hơn hết, "... Có thể thấy, thứ 7 và chủ nhật mua vé tàu, vé máy bay… ra vào Đà Nẵng rất khó bởi khách du lịch rất thích đến Đà Nẵng”.

Còn nhớ, thuở còn sinh thời, ông Nguyễn Bá Thanh hay nói: “Thành công trong xây dựng hạ tầng đô thị dễ bao nhiêu, thì việc tạo dựng hình ảnh của một thị dân cho thành phố khó bấy nhiêu”. 

Trên Fanpage facebook Quản lý đô thị Đà Nẵng: Tiện nghi - xanh -sạch - đẹp có để lại một câu chuyện của một cặp vợ chồng người Mỹ - Mai Thi Manzano và Joe Manzano, nhập cảnh vào Việt Nam qua sân bay quốc tế Đà Nẵng vào ngày 18.3.2015. Mazano kể: “Sau khi chúng tôi ăn tại quán ăn Quế Sơn ở số 224 – N.T.P, do sơ ý nên để quên lại quán một ví cầm tay có hơn 1.000USD và 5 triệu tiền Việt, cùng visa và passport. Về nhà, chúng tôi vẫn không mảy may nhớ cho đến khi người em họ từ TPHCM gọi ra báo về việc mất ví này. Đó là do trong ví của chị Mai Thi Manzano có tờ giấy nhỏ ghi số điện thoại của người em họ và đã được chủ quán liên lạc và xác nhận về chiếc ví. Sau đó chủ nhân chiếc ví đã nhận lại với đầy đủ tiền mặt và giấy tờ của mình.

"Hành động này sẽ in dấu tốt đẹp trong tâm trí chúng tôi trong kỳ nghỉ này. Con người và thành phố nơi đây quả thật là đáng mến và đáng sống!" – anh Joe nói.

Từ nhiều năm qua, chủ trương của chính quyền thành phố Đà Nẵng đều xoay chung quanh trục: “Dân yên thì thành phố mạnh”. Càng hãnh diện với tiếng thơm của thành phố quê hương bao nhiêu, thì người dân Đà Nẵng mỗi ngày càng tự thấy có trách nhiệm phải giữ gìn mỹ danh “thành phố đáng sống” bấy nhiêu. Đà Nẵng có lẽ là thành phố chiếm cảm tình nhiều nhất đối với các thành viên của diễn đàn Otofun - một trang điện tử có số thành viên đông và hay di chuyển, biết nhiều, hiểu rộng. Một thành viên diễn đàn kể mà theo anh này là “hy hữu” với cảnh sát giao thông (CSGT). Câu chuyện làm xôn xao cộng đồng mạng Việt Nam. Thành viên này cùng vợ và bạn bè đi Đà Nẵng bằng xe ôtô của cơ quan. Khi vào TP. Đà Nẵng, người lái xe do không thuộc đường nên đã đi vào đường cấm 4b (cấm ôtô) và đã bị CSGT yêu cầu dừng xe. CSGT Đà Nẵng không những không xử phạt mà còn tận tình chỉ dẫn cho lái xe đi đúng đường trong thành phố. Nghe câu chuyện trên, thành viên XHEROX thốt lên: “Nghe thông tin này đúng là như show truyền hình Chuyện lạ Việt Nam vậy”. Và nhiều thành viên đã từng tiếp xúc với CSGT tại Đà Nẵng đều xác nhận rằng lực lượng CSGT tại đây rất “lịch sự” với người tham gia giao thông. 

Chiếc áo hay tư duy? 

Tính cả thời gian Cố Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh ra Hà Nội rồi đột ngột qua đời đến nay là năm năm, nhưng hầu như Đà Nẵng vẫn nguyên vẹn sự hấp dẫn không chỉ trong ý thức của du khách trong ngoài nước, mà cả trên dư luận xã hội. Tuy so với thời anh Nguyễn Bá Thanh, người dân không còn chú ý đến các cuộc họp thường kỳ của Hội đồng nhân dân hay một hội nghị bất kỳ, có sự tham dự, chủ trì của người dứng đầu thành phố như trước. Lắm người tâm tư, họ vẫn quan tâm đấy, nhưng nghe phát ngôn nhiều, kiểm điểm lại, thấy làm được không bao nhiêu so với lời nói. Ví dụ câu chuyện thành phố bây giờ bẩn thỉu hơn, đường chật, xe đông, ùn tắt kéo dài, văn hoá ứng xử xuống cấp... nhưng chính quyền không có mấy biện pháp căn cơ giải quyết rốt ráo. Cái thời "5 không, 3 có" xem chừng lùi vào dĩ vãng khá xa bằng hình ảnh nhiều vụ cướp của giết người, thanh toán nhau bằng vũ khí nóng khá ghê rợn, man rợ; lang thang cơ nhỡ xuất hiện đầy đường...

Người dân cần thấy tận mắt, sờ tận tay những chủ trương, chính sách... của chính quyền bằng hiện thực sinh động, sự tôn trọng như thời mười mấy năm trước, khi thành phố sôi nổi với công cuộc chỉnh trang. Ví dụ cách đây không lâu là việc phá dỡ một kiến trúc thuộc về lịch sử nhượng địa (UB Mặt trận tổ quốc) để lấy không gian đổ xe cho Thành uỷ; hay mới đây chuyện xây dựng cầu hay hầm chui qua sông Hàn. Bao nhiêu lần họp hành, bàn thảo, cuối cùng vẫn quyết định chọn phương án không mấy hợp lòng dân bằng một con hầm chui. Hội thảo 20 năm xây dựng, đổi mới diện mạo đô thị Đà Nẵng sau ngày trực thuộc trung ương, cuối cùng gần như thính giả chỉ quan tâm đến mỗi chuyện con hầm tương lai qua sông Hàn được xây với giá 4 ngàn tỷ. Hàng loạt ý kiến phản biện của các kiến trúc sư, chuyên gia đô thị có tầm cỡ, thậm chí cả người lãnh đạo cũ của thành phố... cuối cùng xem chừng "mọi sự đã rồi", khi Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn "bỏ ngõ" bằng kết luận sẽ tiếp tục trình để Uỷ ban xem xét.

"Chiếc áo" cơ chế hay tư duy lãnh đạo đang trở nên chật chội với một Đà Nẵng đang khao khát vươn đến... Singapore, đó là nỗi băn khoăn của người dân Đà Nẵng đặt ra với thế hệ lãnh đạo mới của quê hương. 
***

Dù sao những câu chuyện được cho là “lạ lùng” ở Đà Nẵng vẫn lan truyền và tạo nên những cuộc thảo luận sôi nổi tại nhiều diễn đàn trực tuyến ở Việt Nam. Nhiều người tự hỏi, từ đâu Đà Nẵng làm được điều này? Những việc đơn giản nhất như bất cứ người dân nào cũng nhiệt tình, sẵn chỉ dẫn đường cho khách phương xa; không có ăn xin, cò mồi chèo kéo; xe ôtô để ngoài đường ban đêm không bị mất cắp phụ tùng... được truyền nhau như những làn sóng xanh, yên lành trên mặt biển Mỹ Khê, thu hút du khách muôn phương. Có lẽ vì vậy, trong những cơn khủng hoảng du lịch của cả nước thì du khách đến thành phố này vẫn tăng đều. Trên Fanpage Quản lý đô thị Đà Nẵng, một thành viên NDCHUNG sống ở Hà Nội nói “đúng là Đà Nẵng thực sự văn minh. Hôm từ Đà Nẵng đi Hội An đi lạc đường, tôi được hết người này, đến người khác chỉ đường; thậm chí đi nhầm vào đường cấm, còn được anh cán bộ giao thông công chính dẫn đường, đưa ra. Nhiều tỉnh, thành phố khác mà thế thì... còn lâu. Theo tôi đây là một đô thị sống có tư cách",

Sự quan tâm đó, không chỉ chứng tỏ cả nước yêu Đà Nẵng, mà hầu hết còn coi đó là một hình mẫu đô thị đáng mơ ước; niềm hy vọng của sự đổi mới đáng học hỏi, trong một cơ chế phổ quát chung... Tuy vậy có giữ được "tư cách" đó cho tương lai hay không thì cũng còn tuỳ vào tư duy của những người đang đứng đầu thành phố, chứ không chỉ do "chiếc áo" cơ chế đang chật.