Thứ Hai, 13 tháng 2, 2017

Trùng tu di tích kiểu “không có bằng nhưng phóng xe bạt mạng”

Hoàng Hường thực hiện

VNN - “Công việc trùng tu hiện nay, giống như lái xe ra đường bừa bãi mà không có bằng, không theo luật giao thông nào cả. Người ta không trùng tu, mà luôn tìm cách làm lại từ đầu di tích”- ông Phan Cẩm Thượng cảm thán.

Thưa ông Phan Cẩm Thượng việc trùng tu di tích là một việc cần phải làm, và phải được làm sau khi nghiên cứu và chuẩn bị cực kỳ kỹ lưỡng, xong ở ta rất nhiều di tích, di sản sau khi được trùng tu bị phê phán gay gắt,  gần đây nhất là việc trùng tu tôn tạo Văn Miếu – Quốc Tử Giám và  “Đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong” ở Huế. Ông suy nghĩ gì về thực tế này?

Ông Phan Cẩm Thượng: Công việc trùng tu ở nước ta luôn có vấn đề, không chỉ hai di tích này, mà có thể nói, tất cả các di tích đã được trùng tu đều làm biến dạng di sản, và nặng hơn là phả hủy hoàn toàn để xây mới.

Chúng tôi từ chỗ lên tiếng, đến chỗ bi quan, rồi bây giờ không muốn quan tâm đến việc này nữa, vì nói gì cũng không thay đổi được thực tế. Bởi vì hiện nay người ta không trùng tu, mà luôn tìm cách làm lại từ đầu di tích.

Đúng rồi, tôi từng đọc trên báo về chuyện một số di tích sau khi sửa chữa xong thì như “lò gạch” “lô cốt” “boongke” hoặc dở tân dở cổ lòe loẹt….  

Cái chính là việc trùng tu hiện nay được coi là việc làm ăn, càng phá đi xây mới, xây to thì dự án mới lớn, không còn bao nhiêu  mục đích bảo tồn trong đó.

Một bất cập rất lớn là giá tiền thanh toán cho người thợ trùng tu chỉ được coi như giá xây dựng, nên không thể thuê được thợ lành nghề, hoặc có trình độ văn hóa truyền thống.

Trên thực tế, trùng tu theo phương pháp giữ gìn cổ vật tốn hơn nhiều xây dựng mới, ví dụ để sơn thếp lại một pho tượng Phật tốn rất nhiều vàng thật và sơn ta tốt, nhưng nhìn thì không đẹp ngay (do sơn cổ cẩn có thời gian) trong khi đó dùng bạc giả vàng và sơn mới, rồi vài biện pháp giả cổ thì trông thấy ngay là ổn, mà giá thì rẻ (thực tế làm như vậy là phá hoại pho tượng cổ), nhưng khốn nỗi, những người nghiệm thu cuối cùng đâu muốn biết như vậy.

Tình hình hiện nay, nếu muốn bảo tồn di sản, chỉ có cách dừng hết tất cả các công trình lại, đồng thời bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bàn với các địa phương, tổ chức tôn giáo không tự ý trùng tu, mở các khóa đào tạo thợ giỏi và tính cho họ một mức giá nghệ thuật, quá trình trùng tu sẽ được quyết định về mặt chất lượng do các nhà khảo cổ và nghệ thuật xác nhận.

Điều này, đơn giản, như lái xe phải có bằng. Công việc trùng tu hiện nay, giống như lái xe ra đường bừa bãi mà không có bằng, không theo luật giao thông nào cả.

Theo tôi biết, chúng ta đã có Luật Di sản Văn hoá, và việc trùng tu di tích đều phải tuân thủ nghiêm ngặt theo qui trình.  

Việc trùng tu có quy trình nhất định, ở tất cả các nơi có di sản, và có những quan điểm khác nhau về từng cách bảo tồn di sản, theo chức năng của nó, bao gồm: giữ nguyên di sản như nó đang như thế (kể cả tình trạng đổ nát), trùng tu từng phần, cố gắng giữ nguyên vật liệu và tinh thần cũ, xây dựng lại dựa trên thiết kế cũ, nếu di tích đã mất gần hết.

Về quy trình: khảo sát và hội thảo của những nhà chuyên môn đi đến nhất trí là trùng tu từng chi tiết thế nào, cử nhà chuyên môn giám sát từ đầu đến cuối quá trình trùng tu, phục hồi các ngành nghề  truyền thống phục vụ cho trùng tu, đứng đầu các tốp thợ là các nghệ sỹ chuyên nghiệp, hiểu biết chuyên môn, đào tạo thợ cho từng công việc cụ thể, cuối cùng mới là tiến hành trùng tu.

Ở nước ta tất cả các khâu trên đều bị coi nhẹ, thậm chí bỏ qua, hoặc làm chiếu lệ. Ví dụ, nếu việc trùng tu Đài tưởng niệm chiến sỹ trận vong ở Huế, giao cho những người như ông Phan Thuận An giám sát, thì đâu đến nỗi như vậy.

Hầu hết việc trùng tu di tích các nhà chuyên môn chúng tôi đứng ngoài cuộc, người nào được mời thì là người thỏa hiệp.

Xin cám ơn nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng.