Thứ Bảy, 1 tháng 4, 2017

Kiến trúc sư Hồ Duy Diệm: “Quy hoạch nào đụng đến đất rừng Sơn Trà đều phải loại bỏ“

THÙY TRANG

LĐO - “Việc đầu tiên trong quy hoạch Sơn Trà là phải bỏ ngay những quy hoạch nào đụng đến đất rừng Sơn Trà, trả lại cho Sơn Trà là một rừng nguyên sinh. Bên cạnh đó, thành phố Đà Nẵng phải là nơi xây dựng quy hoạch, tổ chức lấy ý kiến tạo sự đồng thuận và đặt mục đích bảo vệ những vốn quý của Sơn Trà lên hàng đầu”, kiến trúc sư (KTS) Hồ Duy Diệm, nguyên Phó chủ tịch Hội Quy hoạch TP. Đà Nẵng, chia sẻ của  về vấn đề quy hoạch Sơn Trà.

* Thưa ông, quy hoạch Sơn Trà hiện nay cần phải làm sáng tỏ những điều gì?

- Khi muốn làm quy hoạch phải xác định mục đích của quy hoạch đó là gì? Sau đó dựa vào mục đích để chọn địa điểm phù hợp và ngược lại, khi nhắm vào một địa điểm thì cần hiểu địa điểm đó phù hợp với mục đích nào để có quy hoạch đúng đắn.

Với Sơn Trà, phải xác định Sơn Trà phù hợp với mục đích gì? Những nhà quy hoạch phải chọn được 1 mục đích cho Sơn Trà hay nói cách khác là phải quy hoạch Sơn Trà như thế nào để lợi và đúng đắn nhất.

* Vậy ở Sơn Trà, thành phố cần chọn mục đích nào trong quy hoạch tương lai?

- Sơn Trà là khu bảo tồn thiên nhiên, là rừng quốc gia quý hiếm mà không còn nơi nào trên thế giới có được bởi chỉ với vùng đất rất nhỏ nhưng Sơn Trà lại có 1.000 loại cây, trong đó có mấy trăm loại thuốc quý hiếm đã và đang được nghiên cứu, ở đó có gần 200 loài động vật thì có những loại động vật hoang dã quý hiếm như voọc chà vá chân nâu. Khó có nơi nào người dân có thể nhìn thấy voọc một cách dễ dàng và cũng cần hiểu, con người và thiên nhiên nơi đây đã sống hòa hợp bao nhiêu năm mới được như vậy.

Đó chính là vốn quý mà cả thế giới đang quan tâm đến Sơn Trà, thế nhưng chính chúng ta lại không hiểu và không bảo vệ là điều vô lý. Đà Nẵng phải dựa vào đó làm tiềm năng độc nhất vô nhị, để trở nên nổi tiếng, thu hút các nhà khoa học đến nghiên cứu, tìm hiểu, càng nhiều người biết Sơn Trà.

Du khách đến với Đà Nẵng không phải là chỉ để ngắm những công trình lớn, vĩ đại bởi trên thế giới đã đầy rẫy mà thậm chí còn đẹp và to hơn. Chỉ có thiên nhiên, con voọc và cả lịch sử Sơn Trà mới là điều thu hút du khách. Tiềm năng của Sơn Trà chính là phục vụ du lịch nghiên cứu, tìm hiểu chứ không phải xây biệt thự, bán để kiếm tiền mà chúng ta hay gọi cho hay là du lịch nghỉ dưỡng như thời gian qua.

* Nhiều người cho rằng, chính vì Sơn Trà rất đẹp nên xây dựng những khu nghỉ dưỡng là nhu cầu hoàn toàn đúng đắn, ông nghĩ sao về điều này?

- Dĩ nhiên khi du khách đến thì những nhu cầu ăn ở cũng sẽ đi kèm, thế nhưng điều đó cũng không nhất thiết rằng chúng ta phải mở những nơi nghỉ ngơi ở Sơn Trà.

Nhiều người nhìn nhận các khu nghỉ dưỡng nếu đặt ở Sơn Trà sẽ thu hút khách hơn bởi khung cảnh thiên nhiên, khí hậu, vẻ đẹp… Tuy nhiên, cần phải hiểu với những biệt thự, khu nghỉ dưỡng hiện tại chỉ đang phục vụ một nhóm người, còn lại người dân địa phương hay khách du lịch tìm hiểu văn hóa, nghiên cứu khoa học không bao giờ vào.

Hơn nữa, việc lấy đất rừng để xây biệt thự rồi bán, thu lợi cho một vài cá nhân chính là đang ăn chặn vào thiên nhiên, vào tương lai của các thế hệ con cháu chúng ta.

Nguồn lợi từ Sơn Trà không thể dành cho 1 nhóm đối tượng nào được. Những nơi nghỉ ngơi, ăn uống, chúng ta có thể mở ở những nơi gần đó. Thử hình dung, cũng với 1.000 ha, các anh có thể chọn những vị trí khác để xây dựng, Sơn Trà chỉ là điểm đến và đi chứ không lưu trú hay ăn ở, nhưng cũng với 1.000 ha nếu các anh lấy rừng Sơn Trà để quy hoạch xây dựng thì các anh đang làm mất nguồn lợi về đa dạng sinh học, đánh vào lợi ích của cộng đồng.

* Bằng việc lựa chọn mục đích mới, quy hoạch mới cho Sơn Trà, liệu chúng ta có cân bằng được giữa bảo vệ thiên nhiên và phát triển đô thị chăng?

- Tôi tin là có, chúng ta phải làm cho Đà Nẵng phát triển cân đối, làm sao để Sơn Trà vẫn là khu du lịch thiên nhiên và cả những vùng phụ cận phát triển phục vụ du lịch Sơn Trà. Nếu nhìn vào những quy hoạch hiện tại, mục đích quy hoạch Sơn Trà chỉ đang dừng lại ở việc kiếm tiền, chứ không phục vụ cho sự phát triển Đà Nẵng.

* Việc rà soát lại quy hoạch Sơn Trà phải làm lại từ đâu?

- Trước hết, phải bỏ ngay những quy hoạch nào đụng đến đất rừng Sơn Trà để trả lại cho Sơn Trà là một rừng nguyên sinh. Bên cạnh đó, thành phố Đà Nẵng phải là nơi xây dựng quy hoạch, bởi chính Đà Nẵng phải hiểu rõ Sơn Trà là tài sản của thành phố chứ không thể ai nói gì làm nấy.

* Ông nghĩ sao về việc công khai quy hoạch Sơn Trà và cần phải lấy ý kiến từ những cộng đồng nào?

- Quy hoạch Sơn Trà phải công khai vì hiện nay rất nhiều người quan tâm và chờ đợi Sơn Trà sẽ ra sao trong tương lai.

Về việc quá trình lập quy hoạch, trong Luật Quy hoạch sắp tới sẽ thông qua có điều cơ bản là phải đưa quy hoạch ra cho người dân và các chuyên gia tham gia ý kiến.

Riêng ở Sơn Trà cần phải lấy ý kiến của Sở NN&PTNT, những người có đầy đủ thông tin về rừng Sơn Trà. Thứ hai là Hội khoa học Lịch sử thành phố bởi Sơn Trà có rất nhiều dấu tích lịch sử cả về ăn hóa, chiến tranh bảo vệ đất nước…. Thứ ba là những hội bảo vệ động vật hoang dã, họ sẽ cho chúng ta biết cần phải bảo vệ loài vật nào. Thứ tư là lấy kiến về vấn đề an ninh quốc phòng vì Sơn Trà có vị trí chiến lược mà xưa nay cả thế giới đều rõ. Bên cạnh đó cũng cần lấy ý kiến các cơ quan như Hội Quy hoạch phát triển đô thị, Liên hiệp các hội Khoa học thành phố để tham vấn cho chính quyền.

* Ông nghĩ sao về việc lấy ý kiến người dân và ý nghĩa của điều này trong lập quy hoạch mới?

- Ý kiến của người dân có ý nghĩa quan trọng về dung hòa lợi ích và tạo sự đồng thuận. Mặc dù người dân không có đủ kiến thức như những nhà khoa học nhưng họ là người sinh sống ở nơi đó, dành tình cảm cho Sơn Trà, khi họ thấy những xây dựng ở Sơn Trà không phục vụ lợi ích của họ mà còn tàn phá Sơn Trà thì họ cần lên tiếng như những ngày qua.

Chỉ đơn giản hiểu rằng, để cây rừng thì người dân vẫn còn núi Sơn Trà, còn xây 1 biệt thự thì họ không có lợi gì ở đây cả. Chính những nhận thức và tình cảm ấy sẽ khiến người dân tỉnh táo trong việc bảo vệ Sơn Trà. Ý kiến của họ sẽ phản ánh đúng lợi ích của xã hội. Hơn thế nữa, quy hoạch nếu nhận được sự đồng tình của người dẫn sẽ tạo sự đồng thuận lớn, thành công cũng lớn hơn.