Thứ Sáu, 27 tháng 10, 2017

ĐBQH Nguyễn Anh Trí: Quy hoạch cần chấm dứt "kỷ nguyên" nhà ống!

Theo Nguyên Tuân/Infonet

Luật Quy hoạch đang được lấy ý kiến Quốc hội, nếu được thông qua “siêu” Luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2019.

Theo dự thảo Luật Quy hoạch, quy hoạch được xếp theo thứ tự như sau: Quy hoạch quốc gia; quy hoạch vùng; quy hoạch tỉnh; quy hoạch đô thị; và quy hoạch nông thôn. Sáng 25/10, các Đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật này.

Theo Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa, cần thêm quy hoạch sử dụng đất để đảm bảo các luật không chồng lấn nhau. Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh lấy một ví dụ minh họa để có thể bảo vệ ý kiến của mình.

Đó là trường hợp cụ thể ở Bình Thuận, việc ông Michel Cansim, một doanh nhân người Mỹ được cấp Giấy phép xây dựng dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Southport, nhưng khu đất được giao cho nhà đầu tư này lại nằm trong phần quy hoạch khai thác khoáng sản mà tỉnh Bình Định đã giao cho chủ đầu tư khác. Do không triển khai được dự án, công ty này đã kiện Chính phủ Việt Nam và đòi bồi thường 3,7 tỷ đô la Mỹ, trong khi họ mới bỏ ra 200 nghìn đô la Mỹ. Họ cho rằng việc khai thác khoáng sản như thế làm hỏng mất khu du lịch, mất lợi nhuận tiềm năng của họ là 4 tỷ đô la Mỹ nên bắt Việt Nam phải đền bù số tiền đó.

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa, cho ý kiến về Dự án Luật quy hoạch.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí, đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội, cho rằng đối với quy hoạch của tỉnh phải từ 20 năm trở lên, của vùng phải từ 30 năm trở lên, quốc gia từ 50 năm trở lên. Hàng năm cứ tiếp nhận các ý kiến bổ sung nhưng cứ 5 năm xem xét một lần. Cũng kể một câu chuyện làm ví dụ chứng minh cho ý kiến của mình, Đại biểu Nguyễn Anh Trí nói:

“Một người bạn tặng tôi một quyển ảnh thành phố Philadenphia (Mỹ) trước đây và bây giờ. Phải nói hơn 100 năm họ đã quy hoạch có cái nhà ở đó rồi và đến bây giờ họ chỉ làm thêm thôi, rất thú vị”.

Ông Nguyễn Anh Trí đề nghị cần công khai quy hoạch càng nhiều càng tốt cho nhân dân biết. Khi chúng ta xây dựng quy hoạch cần lấy ý kiến nhưng khi quy hoạch làm xong cần công khai ở mức nhiều nhất cho nhân dân biết vì tất cả mọi thắc mắc, ý kiến này nọ là do chúng ta không công khai.

“Ví dụ, vừa rồi định xây dựng lại nhà ga Hàng Cỏ thì trên mạng đủ mọi ý kiến, kể cả những ý kiến nói thế này, nói thế khác. Nhưng đoàn Hà Nội được nghe đồng chí Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch thành phố trình bày rõ thì lại thấy quá hợp lý, quá hay. Do đó, tôi nghiệm ra một điều là công khai, minh bạch thì nhân dân càng hiểu, càng chia sẻ, càng ủng hộ”.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng đề nghị những vấn đề như cho phép xây dựng 7 tầng thì phải có lý do thật chính đáng, tránh hiện tượng cứ thích mù mờ, thích bao nhiêu thì nói bấy nhiêu.

“Từ cái chuyện quanh hồ Gươm thì có quy định thế mà người nói thì nghe rất có lý, dẫn đến tất cả các chỗ khác cũng như thế. Và tôi xin thưa với Quốc hội rằng tiêu cực là ở đây. Quy hoạch đô thị nào, hoặc nông thôn,... cũng phải tôn trọng có quy hoạch về giao thông, theo tôi nghĩ cái này cần làm trước, gồm có giao thông động và giao thông tĩnh”.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí tiếp tục lấy ví dụ: “Tôi đã lên đến tận miền núi, tôi thấy ở chỗ đó đang bị bế tắc về giao thông, về quy hoạch giao thông. Tôi đã ra tận hải đảo, tôi thấy có những đảo rất nhỏ, nhưng giao thông đã bắt đầu gặp những chuyện vướng. Về nông thôn của chúng ta, kể cả những nơi đã được nông thôn mới rồi nhưng tôi đi viếng đám tang nhà người bạn và phải đỗ xe khoảng cách 1km mới vào nhà được, đây là sự thật rất buồn liên quan đến nhiều vấn đề”.

Trước khi kết thúc, cựu Giám đốc Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cho rằng cần xóa bỏ mô hình nhà ống giống như những chiếc… quan tài như hiện nay.

“Kiến trúc cũng cần được quy hoạch, phải chấm dứt cho được ky nguyên nhà ống ở Việt Nam chúng ta. Cả kỷ nguyên nhà ống đã kéo dài hơn 3-4 thập kỷ nay rồi. Bằng lòng với việc xây nhà chỉ mặt tiền 5m, 4m thậm chí 3m cũng có thể xây được. Nói thật là nhìn những ngôi nhà ống chả khác gì những cỗ quan tài. Cái đó rất cần thiết phải được quy hoạch, để chấm dứt kỷ nguyên nhà ống.”