Chủ Nhật, 10 tháng 12, 2017

Đất “vàng” và đất “mật”

Phạm Mạnh Hùng

(VOV) - Bảo vệ đất lúa góp phần duy trì không gian sinh tồn của đông đảo nông dân, bảo đảm lợi ích và sự ổn định quốc gia trong phát triển...

Cần bảo vệ đất trồng lúa Bảo vệ đất lúa - cần mạnh tay hơn Hiệu quả sử dụng đất còn thấp

Cách đây khoảng 10 năm, trong một cuộc Hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia quốc tế để xây dựng chiến lược CNH- HĐH, có những dự báo, phân tích của một chuyên gia người Singapore cho đến nay đã chính xác một cách đáng kinh ngạc.

Theo chuyên gia này, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa ở Việt Nam sẽ tạo ra một sự gia tăng giá trị cực lớn của đất đô thị, gọi là đất “vàng”, cũng như đất trồng lúa, mà ông gọi là đất “mật”. Cụ thể, ông dự đoán, giá đất trung tâm Hà Nội sẽ tăng lên 10 lần, còn những vùng đất trồng lúa sẽ sinh lời vì lúa gạo sẽ ngày càng khan hiếm.

Từ những dự báo khá chi tiết, cụ thể, chuyên gia này cũng đưa ra những kiến nghị có tính đột phá về quy hoạch đô thị, xây dựng chính sách đền bù khi thu hồi đất. Đặc biệt, ông khuyến cáo phải có chính sách bảo vệ đất “mật”, nói theo cách của nhà nông Việt Nam là những vùng “bờ xôi, ruộng mật”, tiêu biểu cho một nền văn minh lúa nước có bề dày hàng ngàn năm.

Tuy nhiên trong thời gian qua, chúng ta đã quá say mê với giấc mơ công nghiệp hóa, đô thị hóa nên có phần coi nhẹ nghề nông, đặc biệt là nghề trồng lúa. Tâm lý này thể hiện trên thực tế là đất nông nghiệp bị thu hồi quá nhiều và quá nhanh mà không sử dụng hết. Theo số liệu thống kê, đến nay có khoảng 280.000 ha đất “mật” được chuyển mục đích sử dụng, nhưng mới chỉ chỉ có khoảng 50% diện tích được lấp đầy.

Quá trình chuyển đổi từ đất “mật” thành đất “vàng” khá nhanh trong khi không chuyển đổi kịp lao động nông nghiệp sang các ngành nghề khác, đồng thời chưa xử lý hài hòa lợi ích của các chủ thể liên quan (nông dân - nhà nước - doanh nghiệp) còn gây ra những vấn đề chính trị - xã hội phức tạp.

Thực trạng này không chỉ các chuyên gia quốc tế mà nhiều nhà nghiên cứu, cán bộ quản lý trong nước đã lên tiếng cảnh báo từ rất sớm. Tuy nhiên, những can gián đó mới chỉ được nghe thấy vài năm gần đây, khi thực trạng lạm phát khu công nghiệp, khu đô thị, sân golf… đã ở mức báo động.

Trong bài phát biểu rất ấn tượng ở phiên bế mạc Hội nghị TW 3, khóa XI vừa rồi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hạ quyết tâm bảo vệ ổn định 3,8 triệu ha đất trồng lúa. Tuyên bố này làm nức lòng nông dân cả nước và những người làm nông nghiệp.

Thực tế đang chứng minh dự báo của các chuyên gia ngày càng đúng đắn. Xuất khẩu gạo của Việt Nam năm nay hoàn toàn có thể đạt 7 triệu tấn. Với giá mua gạo trên thị trường là 6.100đồng/kg, nông dân đã có lãi 80%, cao hơn rất nhiều mức 30% mà Chính phủ đặt ra. Dân số toàn cầu hiện đã đạt trên 7 tỷ người và không ngừng tăng (riêng Việt Nam mỗi năm dân số tăng thêm khoảng 1 triệu người), biến đổi khí hậu đang hiện hữu ngày càng rõ rệt, chắc chắn lương thực sẽ là mặt hàng khan hiếm và thiết yếu của loài người. Như vậy, trồng lúa, rõ ràng là một ngành kinh tế cho lợi nhuận cao.

Việt Nam sẽ là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Với kịch bản biển dâng cao 1m, sẽ có hơn 38% diện tích đất tự nhiên và khoảng 32% diện tích đất nông nghiệp của 10 tỉnh ĐBSCL bị biển nuốt mất. Chính bởi thế, không thể bất chấp lợi ích cục bộ, địa phương mà tùy tiện ‘xà xẻo” vào đất lúa.

Không phải đến Hội nghị vừa rồi, Trung ương mới đề cập đến việc bảo vệ đất lúa, nhưng lần này, thông điệp đưa ra là rõ ràng nhất, quyết liệt nhất.

Để bảo vệ ổn định 3,8 triệu ha đất trồng lúa, cần nhất là phải có một quy hoạch cụ thể về diện tích đất nông nghiệp bất khả xâm phạm trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt với hai vựa lúa lớn nhất là ĐBSCL và đồng bằng sông Hồng. Mặt khác, cần hướng quy hoạch đô thị, công nghiệp ra những vùng không thể trồng lúa được đồng thời đi trước về hệ thống kết cấu hạ tầng.

Quy hoạch ấy phải được công khai đến tận các thôn, xã và có một chế độ pháp lý bảo vệ đặc biệt, trong đó, người nông dân và tổ chức đại diện của họ là Hội nông dân phải nằm trong số những chủ thể tích cực nhất tham gia gìn giữ đất trồng lúa.

Mặt khác, cần phải xem xét lại thẩm quyền của các cấp địa phương trong việc quyết định thu hồi và chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa.

Bảo vệ đất lúa - đất “mật” không chỉ là gìn giữ một nền văn minh đặc sắc của dân tộc, duy trì không gian sinh tồn của đông đảo nông dân, mà còn là bảo đảm lợi ích và sự ổn định quốc gia trong phát triển./.