Dân Trí - Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa kiến nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chọn đơn vị tư vấn có đủ năng lực kinh nghiệm và giá đề xuất thấp nhất là Liên danh CPG-PAE-Azusa Sekkei với phương án kiến trúc lá cọ. Trước đó, Bộ GTVT đã đề xuất Chính phủ lựa chọn thiết kế hoa sen.
Kiến nghị nói trên được ACV nêu ra trong báo cáo kết quả công tác lựa chọn đơn vị tư vấn lập thiết kế cơ sở nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Long Thành gửi Bộ chủ quản.
Trong quá trình lập đề cương dự toán công tác tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi (F/S) dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, ACV đã tiến hành xây dựng dự toán đối với phần việc lập F/S cho nhà ga hành khách và dự toán đã được Viện Kinh tế xây dựng thẩm tra với giá trị là 4,52 triệu USD (khoảng 90 tỷ đồng).
Để có cơ sở lựa chọn phương án kiến trúc đưa vào bảo cáo nghiên cứu khả thi dự án, phía ACV đã yêu cầu 3 đơn vị Tư vấn nộp hồ sơ đề xuất tài chính cho gói dịch vụ tư vấn thiết kế cơ sở nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Long Thành, gồm: TL03-cách điệu hoa sen của Heerim Airchitects & Planners (Hàn Quốc); TL04-sử dụng thân tre của liên danh Japan Airport Consultants-ADP Ingeinerie-Shideru Ban Airchitects (Nhật Bản, Pháp); LT07-cách điệu lá cọ, dừa nước của liên danh CPG-PAE-Azusa Sekkei (Singapore, Việt Nam, Nhật Bản).
Đối với đơn vị tư vấn Heerim Architects & Planners, tổng chi phí tư vấn thiết kế cơ sở mà đơn vị này đề xuất là 6,5 triệu USD (khoảng 143 tỷ đồng giá trị sau thuế) cao hơn 1,44 lần so với giá trị dự toán đã được thẩm tra. Tuy nhiên, sau đó, đơn vị tư vấn Heerim đã đơn phương tự đề xuất lại chi phí thiết kế cơ sở nhà ga hành khách lần 4 với giá 3,61 triệu USD (gần 80 tỷ đồng).
Để đảm bảo công bằng và minh bạch, ACV đã yêu cầu các đơn vị tư vấn đề xuất lại chi phí. Kết quả, Heerim đề xuất lại 3,4 triệu USD (gần 75 tỷ đồng), liên danh JAC-ADPi đề xuất 3,61 triệu USD (gần 80 tỷ đồng), liên danh CPG-Azusa-PAE đề xuất 2,99 triệu USD (khoảng 65,7 tỷ đồng).
Lãnh đạo ACV cho biết, 3 đơn vị tư vấn trên đều có đủ năng lực kinh nghiệm thực hiện thiết kế cơ sở nhà ga hành khách, tuy nhiên đơn vị tư vấn Heerim với phương án kiến trúc hoa sen có giá đề xuất cao hơn giá trị dự toán đã được thẩm tra nên không được ACV lựa chọn để thực hiện thiết kế cơ sở nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Trong khi đó, hai đơn vị tư vấn còn lại có đủ năng lực kinh nghiệm và có giá đề xuất thấp hơn giá trị dự toán đã dược thẩm tra là Liên danh JAC-ADPi và Liên danh CPG-PAE-Azusa Sekkei.
Trên cơ sở này, ACV kiến nghị Bộ GTVT chọn đơn vị tư vấn có đủ năng lực kinh nghiệm và có giá đề xuất thấp nhất là Liên danh CPG-PAE-Azusa Sekkei để tiến hành đàm phán chỉ định là nhà thầu phụ đặc biệt thực hiện thiết kế cơ sở nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Phương án kiến trúc của Liên danh này là LT-07 sẽ được lựa chọn để sử dụng trong báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án.
Trước đó, cả 3 đơn vị tư vấn này đều được Bộ GTVT trao đồng giải Nhất với 3 kiến trúc Nhà ga hành khách CHK quốc tế Long Thành. Vì vậy, theo lãnh đạo ACV việc lựa chọn phương án kiến trúc nào sẽ có mức giá đó, không phải phương án nào ưu việt hơn phương án nào.
Về lựa chọn đơn vị tư vấn lập thiết kế cơ sở, ACV báo cáo và đề nghị Bộ GTVT ban hành quyết định thứ tự ưu tiên lựa chọn phương án kiến trúc để doanh nghiệp này thực hiện đàm phán lựa chọn tư vấn lập thiết kế cơ sở cho nhà ga hành khách.
Để đảm bảo tiến độ dự án, ACV đề nghị Bộ GTVT cho phép thực hiện phương án phát hành hồ sơ mời thầu lập tư vấn báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 trong thời gian chờ đợi kết quả lựa chọn đơn vị tư vấn lập thiết kế cơ sở.
Cảng Hàng không quốc tế Long Thành có tổng mức đầu tư là 336.630 tỷ đồng (tương đương 16,03 tỷ USD), được chia làm 3 giai đoạn. Diện tích đất của Dự án là 5.000 ha. Quy mô của Dự án, đầu tư xây dựng các hạng mục của Dự án để đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Đây sẽ là Cảng hàng không quốc tế quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực.