Thứ Ba, 24 tháng 6, 2014

Việt Nam: Xứ sở của những... bức tường?

>> World-Architecture-News


Nguyễn Công Thảo

VNN - Sau này lớn lên, tôi nhận ra rằng hầu như cơ quan nhà nước nào ở Việt Nam cũng có tường gạch hoặc tường sắt bao quanh.

Khi những bức tường mọc lên

Hồi nhỏ ở quê, cả làng tôi chẳng mấy ai có tiền xây tường gạch, nhà còn lợp tranh, tường trát đất. Nhà nọ với nhà kia định ranh giới với nhau đôi khi bằng hàng rào cây cúc tần hay dâm bụt, cũng có khi "thông thống".

Trường học cũng thế, bao quanh là hàng cây xanh bốn mùa hoa trái. Lũ quỷ sứ bọn tôi mùa nào thức ấy, bao giờ cũng kiếm được cái gì đó để "chén". Giếng nước khơi trong vắt, mát ngòn ngọt của mấy nhà dân ven trường là điểm "giải khát" cho lũ học trò sau những giờ chơi tinh nghịch. Nhà chẳng có tường hay cổng, lũ quỷ học trò bọn tôi cứ tự nhiên ra vào như... nhà mình.

Sân kho của xóm tôi cũng thế, cả làng có mấy cái lận, chẳng hề có tường bao quanh. Với bọn trẻ chúng tôi, đây là sân chơi tuổi thơ đầy ắp với bao kỉ niệm. Thi thoảng có đoàn chiếu phim, diễn tuồng về biểu diễn ở đây, thôi thì vui như ngày hội. Lũ trẻ chúng tôi thường giữ chỗ từ đầu giờ chiều, gạch từng ô nhỏ ghi tên, để tạm tấm chiếu manh hay mảnh ni lông rách coi như xí phần.

Thi thoảng tôi cũng lên chùa cùng mẹ. Thuở nhỏ, tôi thuộc dạng khó nuôi, được "bán khoán" cho nhà chùa. Những ngày đầu lên chùa, tôi cứ có cảm giác sờ sợ. Phần vì mấy ông tượng oai nghiêm, phần vì không khí trang nghiêm bên trong, phần vì bao quanh chùa là cả mảnh vườn sum xuê cây trái, những rặng tre già, cây cổ thụ. Nhưng tôi nhớ chùa cũng không có bức tường gạch nào cả.

Giờ quê tôi khá giả hơn, hầu hết là nhà cao tầng, ô tô đầy làng, cafe internet đến tận đầu ngõ. Nhà nào cũng một bức tường cao chừng 2 mét bao quanh. Nhà nhà, trường trường, chùa chùa cùng xây tường gạch hoặc tường sắt cao bao quanh, có cổng kiên cố hẳn hoi. Đình làng hay nhà văn hóa xóm cũng thế, khóa cổng cả ngày, và thường chỉ mở vào chiều tối cho dân làng vào chơi thể thao.

Mỗi dịp về quê, muốn sang nhà anh bạn thuở thiếu thời, tôi ngày càng ngài ngại. Vì tường thì xây cao quá, cánh cổng gỗ lại chắc nịch, im lìm, rất hay khóa.

Cạnh nhà tôi có một anh vừa xây nhà, cãi nhau ầm ĩ với hàng xóm, chỉ vì mỗi chuyện trổ cái cửa sổ lấn mất mấy chục centimet, phải viện đến chính quyền, mất cả tháng mới xong mà hai bên vẫn còn ấm ức. Còn nhà tôi với nhà bác tôi ngày xưa một bước là sang, xây tường xong hóa phải đi vòng cả trăm mét. Đúng là "gần nhà, xa ngõ".

Tôi cứ tự hỏi sao những bức tường ở làng giờ phổ biến, cao và kiên cố đến thế? Sổ đỏ thì nhà nào cũng có rồi, đâu lo mất đất. Mà nếu có lo, cần gì phải xây cao thế? Còn chuyện phòng trộm cắp, có xây cao thêm mét nữa thì mấy ông "đạo chích" vẫn vào ra được như thường.

"Cửa quan" sau những bức tường

Hình như lần đầu tiên tôi lên Ủy ban xã để xin giấy chứng nhận là năm thi tốt nghiệp cấp 2 (nay gọi là THPT). Tôi vẫn nhớ có một cái cổng sắt rất to ở giữa, khóa im ỉm, thường chỉ mở đôi bận mỗi năm khi tiếp lãnh đạo cấp trên về thăm. Người dân đến làm việc phải đi cửa phụ nhỏ xíu ở hai bên. Tôi vẫn nhớ một bức tường gạch cao, bên trên cắm mảnh thủy tinh, dài chạy bao quanh trụ sở ủy ban. Có lẽ đây là bức tường cao, dài nhất đầu tiên tôi nhìn thấy trong đời.

Sau này lớn lên, tôi nhận ra rằng rất nhiều cơ quan nhà nước cũng có tường gạch hoặc tường sắt bao quanh. Tường thường được xây khá cao và có vẻ vì chưa thấy chắc chắn, người ta còn cắm thủy tinh, đan dây thép gai trên mũ. Cơ quan nào cũng có cổng, mà cổng thường được thiết kế kiểu tam quan. Cổng to ở giữa rất ít khi mở, trừ dịp đặc biệt. Người dân đến làm việc đều phải đi qua vuông cổng nhỏ, trình diện, báo cáo, xin phép phòng bảo vệ trước khi được vào trong.

Công năng của bức tường theo như diễn giải thông thường là để phân định ranh giới, ngăn sự xâm phạm trái phép của người bên ngoài, để khẳng định chủ quyền hay bảo vệ tài sản hay quyền riêng tư của mỗi gia đình, mỗi cơ quan.

Không hiểu sao ở ta những bức tường được coi trọng thế, trong khi thế giới đa phần lại chẳng đoái hoài gì? Tôi có may mắn được đi một vài nước, nhiều và lâu nhất là Mĩ. Tôi ít khi thấy nhà dân xây tường gạch hay tường sắt bao quanh. Thường thì là những hàng rào gỗ, thưa và rất thấp, cỡ chừng 40-50 cm, mang tính chất trang trí hơn là che chắn. Công sở, trường học thì lại càng hiếm. Trụ sở của chính quyền bang (tạm coi tương đương UBND tỉnh- thành phố ở ta), tòa án, công an, bệnh viện cũng thế.

Giá thống kê được tổng chiều dài các bức tường xây bao quanh công sở trong cả nước, chắc đó phải là một con số rất thú vị. Còn nếu cộng thêm những bức tường của chùa chiền, đình làng hay nhà dân, v.v... có khi sẽ có một bức tường dài dằng dặc. Tôi chỉ dám ngầm đoán, chắc chi phí để xây những bức tường này hẳn phải nhiều lắm, có khi đủ để xây hàng ngàn ngôi nhà cho người nghèo, mang lại nhiều bữa "cơm có thịt" cho học trò vùng cao.

Quan trọng hơn, tôi nghĩ những bức tường ấy làm cho khoảng cách giữa "cửa quan" với người dân thêm xa thì phải. Người Việt bình dân hình như có tâm lí ngại, thậm chí không tự tin mỗi khi có việc phải đến công sở nhà nước. Thói quen này có lẽ hình thành từ xa xưa, do nhiều tác nhân gây ra. Thế nên cứ nhìn thấy những bức tường cao thẳng tắp, lại hình dung sẽ phải đi qua một cái cổng rất chi là "lạnh lùng" thì hẳn đa phần sẽ trở nên rụt rè lắm.

Một lần về quê, tôi từng chứng kiến mấy người phụ nữ trạc ngoại tứ tuần, cứ lấp ló ngoài cổng ủy ban xã, ngắm trước ngắm sau, chỉnh áo chỉnh quần, thập thò mãi.  Hỏi ra mới biết các chị muốn xin xác nhận gì đó. Anh chủ tịch gọi vào, các chị đùn đẩy nhau rồi giúi cả mớ giấy tờ cho một chị mang vào. Tôi cứ thấy khó tả, vừa buồn, vừa tiếc, vừa cay cay mắt. Đoạn đường từ ngoài cổng trụ sở Uy ban vào phòng chủ tịch nào xa xôi gì, có vài chục mét.

Ngay bản thân tôi, ngang dọc cả nước, tây ta cũng đã được đi mà mỗi lần đến cơ quan công quyền vẫn thấy ngài ngại. Tôi ghét nhất là cứ phải lách cả người và xe qua khe cửa nhỏ, xuất trình giấy tờ cho phòng bảo vệ, phân trần, giải thích rồi mới được vào. Thật lạ, bên trong đã có phòng tiếp dân, hành chính rồi, sao cứ "đẻ" thêm một cái phòng bảo vệ nhỏ nhỏ ngay cổng cơ quan như thế? Trông có phần thiếu thẩm mĩ, mà nếu nói vì lí do an ninh thì cũng không mấy thuyết phục.

Tạm gác cái tư tưởng hoài cổ, thử bàn về bức tường dưới góc độ "khoa học" hơn một chút. Tôi từng chột dạ, rủi có hỏa hoạn, liệu có phải phá những bức tường kia ra để xe cứu hỏa ra vào hay không? Vì nếu chỉ ra vào qua cổng công sở, chắc là sẽ chật hẹp lắm. Còn nếu ở làng tôi, chắc chỉ có nước ngồi nhìn nhau mà... khóc, vì ngõ hẹp quá, xe không vào được?

Những bức tường không có tội tình chi và tôi không ghét bỏ gì chúng. Chỉ có điều, giá mà người ta đừng lạm dụng quá, hoặc chịu khó trang điểm, xây thấp xuống thì có lẽ chúng sẽ vừa thiết thực, lãng mạn và đáng yêu biết bao?