Thứ Hai, 23 tháng 6, 2014

Ý nghĩa bức ảnh “Pọc nô” “Nhất Hổ Bát nhũ” của Ngải Vị Vị

>> Architecture & Design


Ngải Vị Vị (sinh ra ngày 28 tháng 8 năm 1957) là một nghệ sĩ, nhà hoạt động, và nhà triết học người Hoa hoạt động tích cực trong lĩnh vực kiến trúc, nhiếp ảnh, phim ảnh, phê bình văn hoá và xã hội.

Ông đã hợp tác với các kiến trúc sư Thuỵ Sĩ Herzog & de Meuron với tư cách là cố vấn nghệ thuật cho công trình Sân vận động Quốc gia Bắc Kinh xây trong sự kiện thế vận hội 2008. Bên cạnh lĩnh vực nghệ thuật, ông còn tham gia điều tra tham nhũng và các hoạt động ngầm của chính phủ Trung Quốc.

Ông đặc biệt quan tâm tới việc phơi bày các vụ scandal tham nhũng trong việc xây dựng các trường học ở Tứ Xuyên bị sập đổ trong động đất Tứ Xuyên 2008. Chính quyền Trung Quốc bị Ngải Vị Vị đẩy vào một tình trạng khó xử: Không thể để Ngải tiếp tục dùng tiếng nói của mình trên Mạng để đòi dân chủ dân quyền, chống tham nhũng, đòi công lí cho những nạn nhân, nhất là các em học sinh bị chết oan trong trận động đất ở Tứ Xuyên.

Chính quyền Trung Quốc không chịu thua, tìm một cớ bần tiện hơn: lôi bức ảnh chụp Ngải ngồi khỏa thân chung quanh có 4 người đàn bà, kẻ đứng người ngồi, trần như nhộng, được phát tán trên Mạng cách đây gần 2 năm để kết tội Ngải phổ biến tranh ảnh “pọc nô”.

Nhưng nếu người Tây phương chỉ nhìn bức ảnh dưới khía cạnh nghệ thuật hiện thực, người Trung Quốc thâm thúy hơn, hiểu ngay  bức ảnh muốn diễn tả gì.

Một độc giả gốc Hoa đã bình luận khi nhật báo Le Figaro mục International ra ngày 18-11-11 đăng lại bức ảnh này: “Không phải dễ dàng giảng cho người phương Tây hiểu là hình  ảnh khỏa thân của các nhân vật trong tấm hình ẩn chứa nhiều hàm ý và nhiều cách chơi  chữ. Nếu không hiểu tiếng Hán sẽ không thể phát hiện được những ý ngầm chứa đựng trong những hình ảnh này”.

Bức ảnh gồm 5 người trần truồng mang tên là: “Nhất Hổ, Bát Nhũ” (One tiger, Eight breasts):

1. “Nhất Hổ” là Ngải Vị Vị ngồi ghế bành ở giữa.
2. “Bát nhũ” (Tám vú) là 4 người đàn bà đứng và ngồi chung quanh Ngải Vị Vị.

Ngải Vị Vị ngồi phệ bụng chính giữa tượng trưng cho Chính quyền, tay trái đặt trên đùi trái (tượng trưng cực tả), bàn tay phải che “của quý” nói theo âm Hán là “che giấu trung tâm”.

Sự lựa chọn bốn người đàn bà cũng có ý nghĩa. Mỗi người tượng trưng một thành phần trong xã hội:

1. Người đàn bà ngồi trên ghế đẩu góc trái tượng trưng giới trí thức: Tuy ngồi chĩnh chệ nhưng ghế không có lưng dựa, tượng trưng giới trí thức có địa vị vững chãi trong xã hội nhưng mềm yếu. Ghế không có dựa lưng đọc âm tiếng Hán là “Không có thể nương tựa” cùng âm với “không được sự tin cậy”.

2. Người đàn bà thứ hai đứng cạnh, một tay che miệng, mép hơi nhếch, không biết muốn cười cầu tài hay muốn chế nhạo, không che giấu gì chỗ kín của mình, tiến tới gần người đàn ông và có ý muốn ngồi ghế bên cạnh. Người đàn bà sồn sồn này tượng trưng giới  truyền thông luôn luôn muốn được lòng chính quyền.

3. Người đàn bà thứ ba ở phía cực tả mập thu lu, đeo đầy nữ trang (biểu hiệu sự giầu sang), ngồi ghế có dựa lưng ngay sát với ghế của người đàn ông, tượng trưng giới đại gia bao giờ cũng đi đôi với chính quyền.

4. Người đàn bà thứ tư như một cô gái khép nép đứng lấp ló sau lưng người đàn ông khiến chỉ trông thấy cái đầu, tượng trưng tầng lớp nhân dân bị bỏ quên.

Kết tội Ngải Vị Vị trốn thuế, ông được cả mấy chục ngàn dân Mạng Trung Quốc sẵn sàng gom góp cả triệu đô la trong một thời gian vài ngày của tối hậu thư để cứu Ngải ra khỏi nhà tù.