Thứ Ba, 4 tháng 11, 2014

‘Không ai muốn phố cổ Hà Nội thành một khu đô thị mới’

>> Một chiều trong công viên 29/3 nghĩ về Đà Nẵng


VNN - “Chúng ta vận những nguyên tắc của bảo tồn di tích vào di sản Hà Nội mà chúng ta đưa ra những quy chế ngặt nghèo. Đó là điều chỉ vận dụng cho những di sản chết”. GS - KTS Hoàng Đạo Kính, thành viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, Phó chủ tịch Hội KTS Việt Nam, nhận xét.

Người dân phố cổ không phải là di sản

Trong mấy chục năm qua chúng ta chưa nhìn nhận đầy đủ phố cổ Hà Nội không phải là di tích mà là di sản đô thị vì vậy chúng ta vận những nguyên tắc của bảo tồn di tích vào di sản Hà Nội mà chúng ta đưa ra những quy chế ngặt nghèo. Điều đó chỉ vận dụng cho những di sản chết. Còn ở đây không có sự ngưng trệ nào cả vẫn tiếp tục trong dòng chảy tự nhiên của cuộc sống. Chính vì thế mà những chủ trương đầu tư cho việc bảo tang hóa di tích hóa phố cổ hoàn toàn không thành.

Di sản đô thị là phức hợp kiến trúc đô thị đã tồn tại trong quá trình lịch sử, là cấu trúc cộng đồng dân cư sống động. Đó là nơi cư trú của hàng nghìn hàng vạn người họ đang sống họ đòi hỏi phải được đáp ứng nhu cầu về phát triển, nhu cầu về cải thiện đời sống.

Họ không thể mãi mãi sống trong khuôn khổ đô thị của kiến trúc với tiện nghi cũ kỹ lạc hậu. Mà con người sống ở đó không thể trở thành những thành tố của di tích được, không thể trở thành những hiện vật bảo tàng được.

Chúng ta không thể thắt caro cuộc sống đó được. Di sản đô thị không thể biến nó thành một bảo tàng ngoài trời, biến những con người thành hiện vật bảo tàng, biến những ngôi nhà thành di tích hóa được. Ta có thể bảo vệ vài di tích được nhưng không thể biến hàng nghìn, hàng vạn ngôi nhà họ đang sở hữu phải sống theo luật bảo tồn. Giá trị và cách đối xử tương ứng sẽ xuất phát từ việc nhìn nhận đúng và đầy đủ phố cổ Hà Nội là di sản đô thị.

Cần phải thấy rằng dân cư này tuyệt đối không phải là dân cư di sản. Đó là cộng đồng dân cư đang sống bình thường có khả năng thích ứng với mọi điều kiện. Chính những điều đó đòi hỏi chúng ta không thể ôm khư khư khu phố cổ này như một di tích. Đây là một di sản chứa đựng những giá trị lịch sử, những giá trị nhân văn đòi hỏi sự phát triển tiếp nối. Tức là bảo tồn phải kết hợp với phát triển mà ở giữa bảo tồn phát triển là cầu nối cải tạo.

Nếu chỉ có bảo tồn thì là đối chọi với sự phát triển của cuộc sống. Nhưng nếu chỉ phát triển không thì sẽ bị đào thải, tiêu tan. Ở giữa cải tạo sẽ là cầu nối từ cái cũ sang cái mới. Bảo tồn phải gắn liền với cải tạo để đảm bảo sự phát triển của phố cổ Hà Nội.

Hiện nay, chúng ta đang lần mò dần tới một cách ứng xử vĩ mô mang tính khả thi đối với khu phố cổ. Trong đó bảo tồn và phát triển phải cân đối với nhau. Cuộc sống của cộng đồng dân cư quyết định mọi chủ trương động lực trong vấn để bảo tồn phố cổ. Không ai muốn phố cổ Hà Nội thành khu đô thị mới cả và cũng không thể làm thế được.

Riêng phố cổ mới có

Chúng ta hay nói về phố cổ Hà Nội là di tích được xếp hạng hoặc nói tới những ngôi nhà có giá trị. Nhưng di tích được xếp hạng thì có hàng trăm cái, những ngôi nhà có giá trị thì có đến hàng nghìn cái. Giá trị của phố cổ Hà Nội không chỉ dừng ở đó. Di sản khu phố cổ Hà Nội là một cấu trúc đô thị Việt truyền thống kế thừa những đặc trưng cơ bản cấu thành cấu trúc đô thị được tạo nên bởi sự hợp khối của nhiều con phố. Ông cha từ làng chuyển sang thị bằng những con phố. Con phố là cấu trúc cơ bản hợp thành thị tạo nên không gian đô thị.

Đây là tổ hợp với nhiều công trình kiến trúc truyền thống của những phố xá điển hình Việt Nam thời phong kiến, thời cận đại. Gồm những nhà mặt phố, nhà ống điển hình vừa là nơi sinh sống buôn bán của người dân. Nhiều thể loại công trình tín ngưỡng, tâm linh: đình, chùa, miếu mạo.. nhà thờ họ…rất đa dạng, phong phú lặp lại những thiết kế kiến trúc thời phong kiến. Tính liền mạch của kiến trúc từ làng sang phố được thể hiện rất rõ ở khu phố cổ Hà Nội này.

Nói tới giá trị của phố cổ Hà Nội không thể không nói đến giá trị của văn minh thị thành. Tức là lối sống của người dân Hà Nội. Họ sống phố, ở phố, ăn phố, hàng phố…Nó không phải là đô thị sầm uất nhưng lối sống phố tạo nên nếp nghĩ nếp sống nếp làm nếp ăn nếp ở của phố tạo nên di sản văn hóa thị thành như một cỗ máy sang lọc văn hóa chuyên biệt đồng thời tạo ra những nét riêng chỉ Hà thành có, phố cổ có.

Cư dân phố cổ đang tự cải tạo mình

Từ nhận thức về di sản càng tốt hơn Hà Nội đang lần mò dần tới cách ứng xử với di sản phố cổ Hà Nội thích hợp và có tính khả thi.

Thời gian qua, trong công tác bảo tồn chúng ta cũng đã đạt được những kết quả nhất định. Đó là xu hướng về bảo tồn cấu trúc bằng những quy chế hóa như tạo lập ra vùng đi bộ, hạn chế mềm mại nhưng khả thi về xây dựng. Quy chế nhưng phải mềm mại chứ không phải là sự cấm đoán. Chính sự quản lý trong sự điều tiết sẽ đem lại hiệu quả.

Việc chỉnh trang diện mạo các con phố như phố Tạ Hiện, Lãn Ông tiếp tới sẽ là nhiều con phố khác.

Cùng với đó là việc khôi phục lại vai trò vị trí của những công trình tôn giáo tín ngưỡng tâm linh đã bị sự phát triển của phố cổ trong những năm gần đây nuốt chửng. Có thể kể đến như đình Kim Ngân (42 Hàng Bạc). Chính cuộc sống đã “ăn thịt” thiết chế tâm linh có đến vài ba chục hộ dân ở kín cả đình. Và đó là vấn đề đặt ra cho việc bảo tồn.

Trong vấn đề bảo tồn phố cổ Hà Nội hiện nay, theo tôi cần đặt ra vấn đề bảo tồn theo chiều sâu. Bảo tồn theo chiều sâu những công trình kiến trúc có giá trị trở lại phục vụ cuộc sống. Đặc biệt là việc nhận thức ý nghĩa tầm quan trọng của công trình phi vật thể khôi phục lại không gian sống của gia đình Hà Nội xưa. Điều này vô cùng quan trọng cuộc sống không chỉ là kiến trúc, công trình đô thị mà còn là nếp sống trong mỗi ngôi nhà.

Việc bảo tồn có chiều sâu như thế tạo cho những công trình phố cổ Hà Nội biết nói về mình. Như thế chúng ta sẽ di trì bảo tồn tiếp nối cuộc sống của dân cư đã trôi qua vài trăm năm. Điều này là cơ sở bênh vực bảo vệ văn hóa đô thị mà chính văn hóa đô thị đó tạo nên nét riêng, bản sắc của Hà Nội.

Bảo tồn đi theo chiều sâu sẽ làm cho chủ trương lớn về bảo tồn khu di sản phố cổ Hà Nội khả thi. Phố cổ Hà Nội từ đại siêu thị thời phong kiến đã chuyển mình thành cấu trúc đô thị mở phục vụ cho du lịch văn hóa cộng đồng người từ nhiều nơi. Cộng đồng cư dân phố cổ đang tự cải tạo mình tự biến đổi mình để phù hợp với những hình thức xu hướng mới.

GS – KTS Hoàng Đạo Kính

Hồng Khanh (ghi)