Chủ Nhật, 28 tháng 2, 2016

Sài Gòn từ sau 1975 không có một thư viện lớn nào được xây mới...

FB Manh Kim


Tháng 12-1800, khi chính phủ non trẻ của Mỹ quyết định chọn Washington làm thủ đô, một chiếc tàu Mỹ chở từ Luân Đôn sang 740 quyển sách cho một thư viện nhỏ mà sau này trở thành Thư viện quốc gia của Mỹ (tên chính thức là Thư viện Quốc hội – The Library of Congress). Đến nay, thư viện này đã trở thành thư viện lớn nhất thế giới với 22 triệu quyển sách chứa trên các dãy kệ có chiều dài tổng cộng hơn 850km. Mỗi ngày, TVQH lại nhập thêm trung bình 22.000 đầu sách-báo mà 10.000 trong số đó được phân loại và cất giữ (phần còn lại được đưa đến các thư viện-học viện khác khắp thế giới).

Sách là “tế bào sống” của thư viện và tại TVQH, ½ trong số sách-báo ở đây là tiếng Anh, phần còn lại thuộc 460 ngôn ngữ. Bộ sách nhỏ nhất của TVQH là ấn phẩm Old King Cole, chỉ bằng dấu chấm. Muốn đọc quyển sách này phải có một kính hiển vi và để lật trang phải dùng một cái kim! Quyển sách to nhất là Birds of America của John James Audubon, cao đến 1m. Ngoài 22 triệu đầu sách, còn có 119 triệu vật phẩm khác trong cái thư viện lớn nhất thế giới này. Trong đó có bộ ba quyển Kinh thánh (từng được tin là in thời Gutenburg nên có tên là “Gutenburg Bible” nhưng có lẽ do ai đó in, vào khoảng năm 1450-1456, chứ không phải đích thân người sáng chế máy in Johann Gutenberg thực hiện). Chưa kể 2,5 triệu băng từ (từ nhạc dân ca cho đến sách đọc); 53,1 triệu bản thảo; 4,6 triệu bản đồ, 13,6 triệu hình ảnh (tranh, bích chương phim…), 10 triệu vật phẩm của bán đảo Iberian (Tây Nam châu Âu), Mỹ Latin và Caribê; một bài thuyết giảng Phật giáo in năm 770; một bảng chữ hình nêm của người Sumeria (vương quốc Sumer thuộc Lưỡng Hà) niên đại năm 2040 trước Công nguyên; quyển sách đầu tiên in ở Mỹ (Bay Psalm Book, in năm 1640); văn kiện của 23 tổng thống Mỹ – từ George Washington đến John Calvin Coolidge… Ngoài ra, TVQH cũng cất giữ nhiều nhạc cụ hiếm trong đó có ba cây violin của Antonio Stradivari. TVQH còn có các tài liệu bằng tiếng Nga nhiều hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới, trừ Nga; nhiều tài liệu nhất bằng tiếng Hoa, Nhật, Triều Tiên và Tây Tạng; có nhiều phim lưu trữ nhất (của Mỹ lẫn nước ngoài) trong đó có phim The Sneeze của Thomas Edison; nhiều báo lưu trữ nhất và cũng nhiều sách hoạt hình nhất…

Nhân nói về chuyện thư viện, Sài Gòn trước 1975 có một hệ thống thư viện khổng lồ. Ngoài Thư viện Quốc gia (khánh thành ngày 23-12-1971 dưới sự chủ tọa của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu) ở số 34 đường Gia Long (gồm khoảng 70.000 cuốn sách và 620 nhan đề tạp chí), còn có Tổng Thư Viện tại Trường Pétrus Trương Vĩnh Ký (đây là Thư Viện Ðông Dương từ Hà Nội dọn vào trong cuộc di cư năm 1954).

Ngoài ra, còn phải kể đến Thư viện Abraham Lincoln thuộc Cơ Quan Thông Tin Hoa Kỳ (lúc đầu tọa lạc tại trung tâm Sài Gòn, bên cạnh rạp Rex; sau dời về số 8 Lê Quý Ðôn, và sau cùng dọn về bên trong trụ sở Hội Việt Mỹ, số 55 Mạc Ðĩnh Chi); Thư Viện Phái Bộ Văn Hóa Pháp, bên cạnh Bệnh viện Ðồn Ðất, số 31 đường Ðồn Ðất, với khoảng 20.000 sách và tạp chí đủ các loại Pháp ngữ; Thư Viện Hội Ðồng Minh Pháp Văn (Alliance Française) tại số 22 Gia Long, gần góc đường Tự Do.

Và gần như mỗi Bộ của chính phủ VNCH cũng đều có một thư viện, đáng kể nhất là Thư viện Bộ Thông Tin ở đường Phan Ðình Phùng. Về cơ quan nghiên cứu, phải kể đến: 1) Thư viện Viện Khảo Cổ, ở số 7 Nguyễn Bỉnh Khiêm, trước Sở Thú, sau cùng dọn về đường Gia Long; 2) Thư viện Hội Nghiên cứu Ðông Dương (Société des Etudes Indochinoises), nằm trong Viện bảo tàng-Sở Thú; và 3) Thư viện Trường Viễn Ðông Bác Cổ, tại số 37 đường Trương Minh Ký. Trong khối đại học tư thì thư viện của Viện Ðại Học Vạn Hạnh là lớn nhất, được tài trợ bởi Cơ Quan Văn Hóa Á Châu - Asia Foundation. Giám đốc thư viện này là Sư Cô Thích Nữ Trí Hải… (theo tài liệu của ông Lâm Vĩnh Thế, cựu Chủ tịch Hội Thư Viện Việt Nam 1974-1975).

Sài Gòn từ sau 1975 không có một thư viện lớn nào được xây mới và "kho kiến thức" vẫn dựa vào Thư viện Quốc gia VNCH (được đổi thành Thư viện Khoa học Tổng hợp TPHCM). Thư viện này bây giờ không chỉ không được cập nhật mà còn bị kiểm duyệt danh mục.
***