Thứ Hai, 7 tháng 3, 2016

Trầm mặc Kyoto

T.P/DNSGCT

DNSG Online - Từ phi trường Tân Sơn Nhất, chúng tôi đáp máy bay của hãng Japan Airlines sang Tokyo, mất năm tiếng đồng hồ là đến nơi. Tiếp viên hàng không của Japan Airlines đặc biệt vui vẻ thân thiện, lúc nào cũng tươi cười nhã nhặn, so với Vietnam Airlines thì hơn hẳn. Phục vụ của Vietnam Airlines không đến nỗi tệ, nhưng chắc cần phải trả lương cao hơn để tiếp viên có thêm nụ cười, đặc biệt với khách Việt Nam.

Đã từng đến Tokyo, lần này chúng tôi đáp tàu cao tốc Shinkansen đến thăm cố đô Kyoto hơn 1.000 năm tuổi, một điểm du lịch nổi tiếng trên thế giới.

Kyoto khá nhỏ, hệ thống bus và subway rất tiện lợi. Nếu muốn tiết kiệm tiền và là triệu phú thời gian thì du khách có thể tự nhìn bản đồ rồi đi xe bus để đến các điểm tham quan. Xe bus của Kyoto rất dễ đi, có màn hình ghi tên các trạm bằng Anh ngữ nên dễ dàng cho du khách, từng trạm đều có giọng đọc bằng tiếng Anh, tiếng Hoa giới thiệu các điểm danh lam để xem.

Tuy nhiên, lần này chúng tôi chọn day tour, chấp nhận tốn kém một chút (120 USD/ngày) nhưng có hướng dẫn viên giải thích nhiều điều thú vị để mình khỏi phải tra tài liệu và đỡ mất thời gian.

Trong Chiến tranh Thế giới thứ 2, Kyoto không hề bị bom của Mỹ nên các di tích không bị tàn phá. Hướng dẫn viên là cô Izumi, khoảng trên 50 tuổi. Muốn hiểu về các điểm tham quan thì phải nghe cô kể sơ lược về lịch sử của Nhật.

Từ thế kỷ thứ VIII, Nhật Hoàng cho dời kinh đô về Kyoto. Nhưng đến thế kỷ XII thì quyền lực của hoàng đế giảm sút, khi đó Shogun (Tướng quân) nắm quyền lực cao nhất. Dưới Shogun là các Feudal Lord (Lãnh chúa), dưới Feudal Lord là các Samurai (Hiệp sĩ). Các Feudal Lord phải phục tùng Shogun để được cấp đất và giao quyền lực, hoàng đế không có quyền lực gì nhiều. Đến thế kỷ XIX, quyền lực của Shogun suy giảm và phải trao quyền lại cho Hoàng đế (Minh Trị) và ông quyết định dời đô về Tokyo.

Điểm tham quan đầu tiên của chúng tôi là lâu đài Nijo. Đây là nơi Shogun thời thế kỷ XVII dùng làm nơi ở và tiếp đón hoàng đế hay các lãnh chúa. Khách tham quan đi ngoài hành lang dọc theo các phòng nơi Shogun sinh sống và sinh hoạt. Trên đường đi người ta để khách nghe âm thanh xào xạc như tiếng kimono lướt trên sàn ngày xưa, chiêm ngưỡng những bức tranh vẽ 400-500 năm trước trên tường, nhìn các hình nộm mô phỏng Shogun, lãnh chúa… rất thú vị.


Điểm thứ hai là Cung điện hoàng gia. Khi vào thì các đoàn khách phải xếp hàng tư ngay ngắn, thời gian bị hạn chế nghiêm ngặt (30 phút/đoàn). Kiến trúc của cung điện vừa hơi giống Trung Hoa, vừa mang nét Nhật với tông màu đen và trắng chứ không phải vàng và đỏ.

Những điểm tham quan khác là Kinkaku-ji (Điện Vàng), Ginkakuji temple (Điện Bạc), Hejan-Jingu (Splendic Shinto shrine)… cũng rất hấp dẫn.

Nhưng đến Kyoto, điều thú vị không kém bên cạnh việc chiêm ngưỡng những di tích là cảm nhận được văn hóa Nhật. Không nhưở nơi khác, du khách đến một nơi để xem một kiến trúc, một cảnh thiên nhiên nào đó. Ở Nhật thì chỉ riêng một ngôi đền thì không phải là quá đẹp. Nhưng người Nhật làm cho ngôi đền, kiến trúc đó phối hợp với cây cảnh xung quanh, con người, khí hậu… tất cả hòa quyện thành một tổng thể tuyệt đẹp. Người Nhật (xưa và nay) phải có một năng khiếu mỹ thuật cao, một nền văn hóa rất dày và một thái độ làm việc tỉ mỉ mới được như thế.

Không chỉ vậy, bất cứở góc phố nào du khách cũng có thể ngỡ ngàng vì bất chợt chiêm ngưỡng một cảnh đẹp không tên, không được ghi chép trong sách hướng dẫn du lịch.

Buổi tối chúng tôi đi tour Kyoto night, hướng dẫn viên là cô Michiko đưa mọi người đến khu Gion xem một show ngắn gọn trong một giờ các nghệ thuật văn hóa của Nhật: Chado (trà đạo), Kado (nghệ thuật cắm hoa), đàn Koto, biểu diễn Gadaku (giống hát bộ) hay Kyomai (màn múa của các Maiko).


Cô Michiko giải thích rằng ở Tokyo gọi là Geisha nhưng ở Kyoto thì gọi là Geiko. Các cô gái muốn thành Geiko phải được học từ lúc 12-13 tuổi, thời gian khoảng năm năm với chương trình huấn luyện rất khắc nghiệt và được gọi là Maiko (Geiko còn đang học). Khi đó nếu biểu diễn hay tiếp khách thì không có lương, cũng không phải đóng tiền học mà do chủ lo hết. Công việc của các Maiko và Geiko là tiếp khách, rót rượu, trò chuyện với khách. Theo luật, khách không thể tự gặp các Maiko và Geiko mà phải qua sự giới thiệu của một khách quen khác. Để trả tiền một buổi phục vụ như vậy rất đắt, lên đến cả ngàn USD.

Với thời gian, ngày càng ít người mặc kimono, đến nỗi giờ đây ai mặc kimono thì đi taxi có thể được giảm giá, vào bảo tàng khỏi phải mua vé. Một bộ kimono rất đắt tiền (từ 5.000 USD – 20.000 USD). Khi làm đám cưới, thông thường cô dâu thay ba bộ đồ, thoạt tiên là bộ kimono, tiếp theo là bộ váy đầm và cuối cùng lại thay một bộ kimono khác. Vì vậy, người ta nói vui là nếu nhà có ba cô con gái thì cầm chắc… phá sản! Nếu ở Việt Nam hiện nay, mẫu thanh niên lý tưởng là 3G (đẹp giai, nhà giàu, học giỏi), thì ở Nhật tiêu chuẩn đó là (1) tốt nghiệp đại học, (2) con trai thứ (con trai cả phải ở chung để lo cho cha mẹ) và (3) có xe và nhà riêng trước khi lấy vợ.


Sau khi xem show xong, du khách được đưa đến một nhà hàng nhỏ ăn bữa cơm chay Nhật và sau đó được thưởng thức một buổi trà đạo đúng phong cách cổ truyền. Khách được mời uống trà xanh, ăn bánh trong bầu không khí tĩnh tại.

Sau đó mọi người thảnh thơi đi dạo khu phố Gion. Đây là khu phố cổ như Hội An, nhưng thuần nhất và bảo tồn tốt hơn nhiều. Dọc hai bên đường là các quán ăn, quán trà, nhà của các Geiko. Lang thang trên các đường phố nơi đây, du khách cảm nhận được âm sắc trầm mặc của khu Gion, hay nói chung là cả thành phố Kyoto cổ kính, khác hẳn sự hào nhoáng náo nhiệt ở vài thành phố lớn khác như Tokyo, Osaka hay những thành phố du lịch khác trên thế giới.

Cái thú khi thăm những thành phố cổ kính như Kyoto là như vậy. Phải bỏ thời giờ cho nó, thong thả, không gấp gáp. Lúc nào muốn đi thì đi, khi nào muốn thư giãn thì cứ ngồi đó ngắm cảnh.


Kyoto có khoảng 2.000 đền chùa, trong đó khoảng 100 nơi mở cửa đón du khách. Bỏ qua mọi lo toan đời thường, dành thì giờ đến ngồi dưới những tán xanh cây lá của khu vườn yên tĩnh ở những nơi này cũng rất thích (nếu bạn có dấu hiệu tuổi già). Hay ngồi ở quán cà phê nhìn các cô gái mặc kimono qua lại cũng rất thú vị (nếu bạn chưa già lắm).

Ở Nhật, một điểm đặc biệt là ở mọi quán, mọi khách sạn, mọi điểm tham quan nhân viên rất niềm nở lịch sự với khách. Khi khách bước vào hay bước ra thì nhân viên luôn chào to và cười tươi. Tôi đã bị bất ngờ khi xuống lễ tân để gởi chìa khóa, một cô nhân viên lễ tân ân cần nhắc là anh có đặt tour Kyoto night tối nay. Sau đó khi tôi bước vào thang máy thì cô cúi gập người chào và đứng bất động ở tư thế này cho đến khi cửa thang máy khép lại. Thật là ấn tượng!

Ở Nhật còn có một hình thức hay hay là phòng tắm công cộng (public bath). Vào nơi này, mọi người cởi hết đồ ra, phòng nam riêng nữ riêng. Mọi người ngồi trước kiếng, tắm dưới vòi sen cho sạch rồi cùng xuống hồ ngâm nước nóng, chẳng ai để ý đến ai. Người Nhật văn minh ra phết! (Người ta khuyên khi tắm ở nơi công cộng như vậy, nếu cơ thể mình có chỗ nào không được hoàn hảo thì lấy khăn che chỗ ấy. Còn nếu có quá nhiều chỗ không hoàn hảo thì cách hay nhất là lấy khăn… che mặt của mình lại là ổn!


Có dịp thảnh thơi đi lang thang hay ngồi ngắm các cô gái trẻ Nhật Bản mới thấy rằng phụ nữ ở đây cũng xinh nhưng hình như ít đụng dao kéo hơn ở Hàn Quốc. (Dân giang hồ trên mạng đồn như vậy, chẳng biết đúng không. Họ còn nói thêm phụ nữ Nhật Bản muốn làm thẩm mỹ thì thường qua Hàn Quốc, nhưng đôi khi cũng gặp rắc rối khi trở về nước, vì không được cho vô lại do trông… khác trước quá nhiều).

Tóm lại Nhật Bản – đặc biệt thành phố Kyoto – là một nơi có thể trở lại nhiều lần không chán vì nhiều lý do. Nhưng nếu lọc hết mọi thứ, thì đối với chúng tôi điều ấn tượng và khác biệt nhất so với những nơi khác chính là người dân Nhật: vô cùng nhã nhặn, hết sức lịch sự và rất chu đáo.