Hải Ninh
(Kiến Thức) - Nếu các cơ quan chức năng làm đúng các quy định của pháp luật, công trình khách sạn Mường Thanh sai phạm khủng tại Quảng Ninh sẽ bị buộc phải tháo dỡ.
Công trình khách sạn Mường Thanh Quảng Ninh khởi công năm 2011 dù không có giấy phép xây dựng, xây dựng sai so với tổng mặt bằng quy hoạch đã được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt về chỉ giới, diện tích và mật độ xây dựng. Nhưng ngày 4/2/2015, bất chấp các quy định của pháp luật, các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh lại “hợp thức hóa” công trình sai phạm khủng trên (giấy phép xây dựng được cấp sau 2 năm khách sạn đi vào hoạt động).
Về vụ việc khách sạn Mường Thanh sai phạm khủng tại Quảng Ninh gây bức xúc trong dư luận, trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty luật quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp cho rằng, theo các quy định pháp luật về xây dựng hiện hành, khách sạn Mường Thanh Quảng Ninh buộc phải tháo dỡ hoặc các cơ quan chức năng cưỡng chế tháo dỡ.
Cụ thể, luật sư Thái cho biết, hành vi xây dựng không có giấy phép của KS Mường Thanh Quảng Ninh đã vi phạm điều 12 Nghị định 180/2007/NĐ-CP về xử lý công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị nêu rõ:
1. Những công trình xây dựng theo quy định phải có Giấy phép xây dựng, khi xây dựng không có Giấy phép xây dựng, trừ những trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này phải bị xử lý như sau:
a) Lập biên bản ngừng thi công xây dựng, yêu cầu chủ đầu tư tự phá dỡ công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng đô thị;
b) Trường hợp chủ đầu tư không ngừng thi công xây dựng phải bị đình chỉ thi công xây dựng, buộc phá dỡ công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng đô thị; đồng thời, áp dụng các biện pháp ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước và các dịch vụ khác liên quan đến xây dựng công trình; cấm các phương tiện vận tải chuyên chở vật tư, vật liệu, công nhân vào thi công xây dựng;
c) Cường chế phá dỡ nếu chủ đầu tư không thực hiện quyết định đình chỉ thi công xây dựng. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm về toàn bộ chi phí lập phương án phá dỡ (nếu có) vì chi phí tổ chức cưỡng chế phá dỡ.
2. Đối với những công trình xây dựng không có Giấy phép xây dựng nhưng đủ điều kiện để cấp Giấy phép xây dựng theo quy định thì xử lý như sau:
a) Những công trình xây dựng phải bị lập biên bản ngừng thi công xây dựng, yêu cầu chủ đầu tư làm thủ tục xin cấp Giấy phép xây dựng gồm: công trình xây dựng phù hợp vị trí quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; công trình xây dựng trên đất ở có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà, phù hợp quy hoạch xây dựng; xây dựng mới trên nền nhà cũ hoặc cải tạo nhà đang ở phù hợp quy hoạch xây dựng; công trình xây dựng trên đất có đủ điều kiện về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai;
b) Trường hợp chủ đầu tư không ngừng thi công xây dựng, công trình phải bị đình chỉ thi công xây dựng, buộc xin cấp Giấy phép xây dựng, đồng thời áp dụng các biện pháp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.
Trong thời hạn tối đa 60 ngày, kể từ ngày có quyết định đình chỉ thi công xây dựng, chủ đầu tư không xuất trình Giấy phép xây dựng do cơ quan có thẩm quyền cấp thì bị cưỡng chế phá dỡ;
c) Sau khi được cấp Giấy phép xây dựng, nếu công trình đã xây dựng sai nội dung Giấy phép xây dựng thì chủ đầu tư phải tự phá dỡ phần sai nội dung Giấy phép xây dựng. Sau khi tự phá dỡ công trình sai nội dung Giấy phép xây dựng, chủ đầu tư mới được tiếp tục thi công xây dựng.
Trường hợp chủ đầu tư không tự phá dỡ phần sai nội dung Giấy phép xây dựng được cấp thì phải bị cưỡng chế phá dỡ theo quy định tại Điều 24 Nghị định này và phải chịu trách nhiệm về toàn bộ chi phí tổ chức cưỡng chế phá dỡ;
d) Trường hợp chủ đầu tư bị từ chối cấp Giấy phép xây dựng hoặc không có Giấy phép xây dựng sau thời hạn quy định tại điểm b khoản 2 Điều này thì chủ đầu tư phải tự phá dỡ công trình vi phạm, nếu chủ đầu tư không tự phá dỡ thị bị cưỡng chế phá dỡ và phải chịu trách nhiệm về toàn bộ chi phí tổ chức cưỡng chế phá dỡ.
“Trường hợp khách sạn Mường Thanh Quảng Ninh xây dựng xong mới được cấp phép là do cơ quan quản lý bật đèn xanh cho họ làm sai. Bởi khi một công trình sai phép ngang nhiên tồn tại thì phải hiểu rằng nó đã được “cho phép ngầm” dưới nhiều hình thức. Ai cho phép là người đó “đỡ đầu” cho công trình sai phạm trước các quy định của pháp luật và dư luận. Hiện nay, các quy định pháp luật hiện hành liên quan đến xây dựng đã khá đầy đủ, rất dễ dàng truy trách nhiệm khi xảy ra sai phạm. Ai sai đến đâu thì xử lý sai phạm đến đó. Gây thiệt hại thì phải bồi thường. Không hiểu vì sao UBND tỉnh Quảng Ninh, Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ninh và các cơ quan liên quan của tỉnh này lại không có biện pháp xử lý và không cưỡng chế tháo dỡ công trình sai phạm này?”, Luật sư Nguyễn Hồng Thái đánh giá.