Thứ Năm, 31 tháng 3, 2016

Nét xưa chợ Tam Kỳ

(TAMKY .com) Trong lớp lớp ký ức về chợ xưa, dường như luôn có những bà mẹ, người chị còm cõi bên thúng đậu, séc khoai, mẹt cá. Dường như chợ Tam Kỳ xưa không đơn thuần chỉ thực hiện chức năng giao dịch, mua bán những nhu yếu phẩm hằng ngày, mà còn là nơi người ta tỉ tê với nhau những tâm sự, những câu chuyện miền quê gần gũi, thân thương.

Trước năm 1975, Tam Kỳ có hai ngôi chợ, chợ Mai hay còn gọi là chợ Mới, được xây dựng để chia sẻ không gian với ngôi chợ Chiều, chợ xưa của những người buôn gánh bán bưng, nhỏ nhoi như cái địa danh Tam Kỳ, nhỏ nhoi như những người nông dân cày sâu cuốc bẫm, nhưng những nét xưa còn lưu giữ mãi đến tận bây giờ.

Chợ Mai (nằm ngay ngã ba Huỳnh Thúc Kháng – Phan Chu Trinh, trước 1975 còn có cái ô có chú cảnh sát công lộ điều khiển giao thông), đúng với cái tên của nó, có vẻ tươi mát hơn chợ Chiều. Cũng tíu tít nào gà vịt, cũng rau lang, cũng rau sống, cũng cá tôm, cũng bánh kẹo, cũng quần áo vải vóc, nhưng Chợ Mai dường như sầm uất hơn, và người đi chợ cũng có vẻ tươi tắn hơn, có lẽ vì nó họp vào ban mai không khí mát lành chăng, khi người ta sau một giấc ngủ dài, khỏe khoắn, hi vọng một ngày mới, mà cái sự đi chợ cũng trở nên khoan khoái hơn?

Còn chợ Chiều, cũng nằm trên trục Phan Chu Trinh, trong ngã ba Nam Ngãi, nay đã trở thành Khách Sạn Tam Duyên, hồi đó có vẻ đìu hiu hơn, khách vô chợ Chiều không biết có phải vì bực bội cái nóng nắng xiên khoai, hay bực bội sau một ngày thất vọng, mà dường như tiếng cãi vã cũng nhiều hơn, người đi chợ cũng gấp gáp hơn, không có cái thú nhẩn nha của Chợ Mai.

Chợ xưa với những bà già còm cõi ngồi bên mủng hàng hái từ vườn nhà, vài trái chanh, quả ớt, vài bó rau bù ngọt, lá lốt, lá chuối, bên cạnh con gà trói cẳng. Họ sẽ bán vài món hàng và như đang bán niềm hy vọng để mua về một lát cá, một cuộn chỉ, một tí dầu đèn, đá lửa, và biết đâu, có thể một vài cây kẹo ú cho đứa cháu đang lê la đất cát ở nhà.


Chợ Tam Kỳ hồi ấy phong phú vô cùng đơn vị đo lường. Khoai lang tươi, khô được tính bằng séc (một loại thúng tre trẹt trẹt, tôi cũng không biết nó được bao nhiêu đề xi mét khối), lúa gạo tính bằng lon (lon sữa bò, khoảng 330 ml), bằng ang (24 lon), rồi thúng, mủng, sìa, mẹt…đủ thứ. Người bán cứ nói giá, người mua thọc tay vào kiểm định chất lượng rồi trả giá, xào qua chẻ lại, thêm vào, bớt ra, có khi người mua dợm bước đi, người bán kêu lại vừa bán vừa chép miệng thôi bán vốn, sau khi liếc cho người mua một cái nhìn sắc lẻm như dao cau. Những con cá tươi xanh nghít, những mẹt tôm đất, tôm bạc nhảy xói xói, những con cua biển chắc nụi, tất cả đều bán theo kiểu ước chừng, thỏa thuận, chẳng có cân kéo gì ráo, trừ quầy thịt có cái cân móc, mà cũng hên xui, tha hồ gạt qua gạt lại quả cân, lúc già, lúc non.

Chợ hồi xưa cũng lôi thôi lắm, buôn bán tràn ra đường, nào quang, nào gánh, nào chen qua bước lại, nhưng nó bình dị chân chất như những con người hiền hậu thưở xưa, thân thiện, gần gũi chứ không có cái vẻ lạnh lùng vô cảm của siêu thị ngày nay, khi người ta vào đấy chỉ thuần chức năng mua sắm, lặng lẽ xem bảng giá, lặng lẽ tính tiền, bước chân vẻ mặt cũng lặng lẽ như cái lạnh của máy điều hòa rì rì đâu đây.