(PetroTimes) - Không phải ngẫu nhiên mà một nền văn hóa bị “lai căng”. Đó phải là kết quả của sự thiếu hiểu biết đến từ nhiều phía, nhất là những người làm công tác quản lý văn hóa. Bởi khi người làm quản lý văn hóa mà tăm tối thì những niềm tin kỳ lạ, dị đoan sẽ có dịp âm thầm thức dậy. Đó cũng là lúc con người ta mang bản sắc văn hóa của một dân tộc khác thành trào lưu văn hóa của dân tộc mình. Như chính chuyện của con sư tử đá kiểu Tàu nhe nanh “canh” các di tích văn hóa, đình, chùa, công sở Việt chẳng hạn!
Các tài liệu cho biết, sư tử đá xuất hiện từ thời Lý, nó là niềm kiêu hãnh của nghệ thuật Việt Nam, thể hiện sự sáng tạo và tính dân tộc cao của người Đại Việt. Nhưng hình tượng sư tử đá trong văn hóa Việt này có nhiều phần giống hổ hoặc lân, đó là những con sư tử dạng cách điệu; dù vẫn là biểu trưng của sức mạnh nhưng được chạm trổ rất công phu, mỹ thuật chứ không mang hình dáng cụ thể và hung tợn như những con sư tử đá lai căng đang xuất hiện tràn lan.
Từ lâu, sư tử được ví như là sức mạnh của Phật pháp, chính vì thế mà ở các đình chùa hay đặt các tượng sư tử trước cổng, thậm chí là đưa vào trong tâm điện thờ Phật hay đội tòa sen. Thật ra, trong kinh điển cũng có nhắc nhiều đến hình tượng con sư tử cùng với tiếng rống của nó. Cụ thể, thành ngữ “Sư tử hống” trong kinh điển Đại thừa thường được dùng để chỉ cho tiếng nói của bậc đại trí như đức Phật. Trong kinh điển Nguyên thủy thì khi đức Phật hoặc đệ tử của ngài thuyết pháp thì lời thuyết pháp đó được gọi là “Thành tựu sư tử hống”. Tức đó là tiếng nói không sợ hãi, không do dự, không mơ hồ, nói với niềm xác tín và kiên quyết. Trong kinh A Hàm, phẩm kinh Thế gian có đoạn nói: “Nói về Như Lai cũng là nói về sư tử vậy”.
Không những thế, ngày nay tượng sư tử còn được đặt tràn lan ở nhiều nơi khác, như là một hình tượng dùng để bày trí theo phong thủy. Ở nhiều công sở hiện tại, sư tử đá như là một biểu tượng của sự may mắn về tiền tài dù thực chất trong phong thủy hiếm khi người ta nói đến điều đó! Ở Trung Quốc, các nhà nghiên cứu văn hóa cho biết, những con sư tử đá với hình dáng hung tợn kia chỉ ở vị trí… canh mộ, từ xưa đến nay vẫn như thế! Nhưng có thể vì kém hiểu biết, vì mê tín và còn là vì sự tùy tiện nên người ta đã mang hình tượng những con sư tử đó vào các nơi thờ tự, công sở ở xứ ta. Nói về điều này, Giáo sư Trần Lâm Biền gọi đó là một sự “lạc dòng” văn hóa. Bởi theo ông, việc đặt tượng sư tử đá trước cửa các di tích lịch sử văn hóa của Việt Nam thì dù vô tình hay cố ý, chính người ta đã mặc nhiên thừa nhận những di tích đó có liên quan hay gắn liền với văn hóa Trung Hoa, trong khi bản chất không phải như thế!
Tuy nhiên, hiện tượng sư tử đá lai căng tràn lan ở nước ta không phải chỉ mới diễn ra. Nó đã bắt đầu bùng phát trong khoảng chục năm trở lại đây và đã có nhiều nhà nghiên cứu lên tiếng nhưng hầu hết đều rơi vào hư không trước sự tăm tối của nhà quản lý. Và nếu trước đây, hiện tượng này chỉ diễn ra trong hạn chế thì ngày nay nó bắt đầu bùng phát thành phong trào cùng với sự phát triển rầm rộ của các công trình kiến trúc.
Chia sẻ với chúng tôi, GS Trần Lâm Biền cho biết, thực tế tượng sư tử đá cũng không phải phía Trung Quốc trực tiếp đưa sang mà nó đi theo đường vòng. Ban đầu nó được du nhập vào miền Nam bằng cách theo chân người Hoa di cư, rồi sau đó mới từ miền Nam ngược ra Bắc. “Nó là quá trình “thẩm thấu” lâu dài và đã bắt đầu bùng phát. Nếu xét trên phương diện thẩm mỹ thì có thể đánh giá bức tượng sư tử đá có thần thái đẹp, phù hợp với việc đặt ở những cổng di tích, đền chùa… Nhưng xét về văn hóa Việt Nam thì nó lại không nằm ở bản gốc văn hóa của nước ta. Nó hoàn toàn thuộc về kiến trúc văn hóa Trung Hoa” - GS Biền nói.
Theo GS Biền thì những tượng sư tử đá hầu hết được “sinh” ra từ các vùng Ninh Bình, Quảng Nam, Đà Nẵng - nơi có nghề chạm khắc đá truyền thống. Những nghệ nhân ở đây làm theo các đơn đặt hàng của khách mà không hề để ý gì đến văn hóa dân tộc. Rồi từ vùng này mới dần dần lan tỏa ra khắp các địa phương khác và trở thành phong trào như hiện nay.
Nói về trách nhiệm gây nên sự lai căng văn hóa đó thì có lẽ người ta sẽ nhắc đến những người lắm tiền đã đặt làm và đưa những tượng đó về mà trưng bày và thờ phụng. Song, bản thân họ không hề ý thức được việc làm đó sẽ gây ảnh hưởng đến đặc trưng văn hóa gốc của dân tộc mình như thế nào, nên có thể nói họ không có lỗi. Lỗi ở đây thuộc về những cá nhân, cơ quan làm công tác quản lý văn hóa đã không làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến và cả cách thức quản lý văn hóa nên mới dẫn đến hiện tượng lai căng văn hóa đó.
Hẳn người ta chưa thể nào quên một vụ việc cũng liên quan đến sự mê muội của một bộ phận những người quản lý văn hóa vừa bị phát giác vừa qua. Đó là việc một hòn đá lạ với dăm ba dòng chữ loằng ngoằng được đặt trên ban thờ Vua Hùng để người dân ngày đêm khấn vái, suốt 3 năm mà những chức sắc ở di tích này vẫn coi đó là việc làm mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc! Thậm chí, vài quan chức của tỉnh Phú Thọ, những người có chứng chỉ cao cấp chính trị và thuộc lòng chủ nghĩa di vật biện chứng cũng tỏ ra “run rẩy” trước một hòn đá vô tri! Và để vứt hòn đá đó ra khỏi bàn thờ tổ tiên, thay vì chỉ cần hai anh lực điền làm trong vòng vài phút thì người ta lại cần đến cả một hội đồng khoa học để ngồi lại thảo luận! Nguồn cơn của sự lãng phí ấy chính là vì sự nỗi sợ hãi dị đoan vẫn còn đang tồn tại trong những cái đầu nặng nề như đeo đá!
Trở lại chuyện sư tử đá Trung Quốc xuất hiện trong các đình chùa, công sở Việt, người ta có thể giải thích rằng đó là một sự giao lưu văn hóa. Đúng là nền văn hóa nào cũng cần có sự giao lưu nhưng sự giao lưu một cách nguyên vẹn, rập khuôn mà không được Việt hóa thì đó là sự giao lưu mù quáng. Giao lưu văn hóa đúng nghĩa phải là dựa trên sự tự nguyện và nghiên cứu sao cho phù hợp với thuần phong mỹ tục, bản sắc văn hóa bản địa. GS Trần Lâm Biền đã bức xúc rằng: “Thực tế, chúng ta cũng có rất nhiều những linh vật đẹp, tại sao chúng ta không sử dụng mà lại đi lấy một linh vật của nước khác? Như thế là vô cùng phản cảm và phản văn hóa”.
Đem một hòn đá lên bàn thờ tổ tiên để ngày đêm khấn vái, mang hình tượng sư tử hung tợn của văn hóa ngoại đặt trong các di tích, đình chùa, công sở mình mà không hề biết gì về nó là một việc có lẽ chỉ nên xảy ra vào thời... các Vua Hùng. Nhưng sự thiếu hiểu biết đó có thể kéo dài đến hiện tại là điều hoàn toàn không thể chấp nhận!
Nhưng rõ ràng là khi những người có nghĩa vụ chưa tuyên truyền, phổ biến cho mọi người hiểu về văn hóa dân tộc hay chưa xử lý những trường hợp vi phạm, hoặc chính bản thân họ cũng đang tăm tối, dị đoan thì những vụ việc tương tự sẽ còn kéo dài. Bởi GS Biền nói, chỉ khi người dân có kiến thức, có hiểu biết về những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình thì khi đó văn hóa truyền thống mới không bị “xâm lăng” bởi văn hóa ngoại lai!