Thứ Hai, 21 tháng 3, 2016

Xin mua xe chống ngập TP.HCM dư dả tí: Đắt gấp 5!?

Châu An

Đất Việt - Việc mua xe bơm chống ngập chỉ là giải pháp tức thời, trên thế giới chưa nước nào áp dụng giải pháp trên.

Không nên dùng xe bơm nước chống ngập

Ngày 17/3, lãnh đạo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM (Trung tâm chống ngập) đã thừa nhận khoản kinh phí 1.400 tỷ đồng đề xuất UBND TPHCM mua 63 chiếc xe chống ngập, tính ra số tiền mua 1 chiếc xe có thể mua được 1 chiếc xe siêu sang Rolls Royce Phantom, gần 20 tỷ đồng, chỉ là con số khái toán ban đầu có dư dả tí, để không bị động về vấn đề kinh phí về sau.

Thậm chí số tiền trên cũng chỉ là qua tham khảo số liệu của đơn vị tư vấn quen biết. Sau khi thành phố đồng ý chủ trương mới mời tư vấn vào nghiên cứu, khảo sát và đề xuất số liệu cụ thể, mua bao nhiêu xe, công suất thế nào, tính năng ra sao, mua xe trong nước hay nước ngoài, giá trị bao nhiêu…

Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 17/3, PGS.TS Phạm Xuân Mai - Khoa Kỹ thuật giao thông Trường ĐH Bách khoa TP. Hồ Chí Minh cho biết: "Đầu tiên tôi phải khẳng định, phương án dùng xe bơm di động để chống ngập trên địa bàn TPHCM là không khả thi, không khoa học.

Để chống ngập nước, rất ít khi dùng xe bơm nước, mà phải cần có hệ thống đường ống thoát nước tốt, trạm bơm cố định công suất lớn.

Bởi vì, TPHCM ngập là do đường ống thoát nước hiện nay có đường kính quá nhỏ, đây là sai lầm ngay từ ban đầu của đơn vị thiết kế thi công, đã tính toán sai không đúng lưu lượng thực tế.

Mặt khác, TPHCM có hiện tượng triều cường, đa số kênh, đập bị ngập đều do triều cường kết hợp mưa lớn. Thêm vào đó là các kênh, rạch tự nhiên đã bị các dự án BĐS bê tông hóa".

Chính vì thế, theo ông Mai, thực tế nếu muốn bơm được thì cũng cần đường ống có dung lượng lớn phù hợp với lưu lượng 20-30m3/s, như thế các đường ống từ xe bơm nước đi ra các chỗ xả nước phải bắc qua các đường phố, như vậy thì chắc chắn sẽ cản trở giao thông, xe cộ không qua lại được.

Trong khi, ngập nước thì sẽ kéo theo kẹt xe, mà những xe đi chống ngập nước thì rất khó đi vào được chỗ ngập nước vì bị kẹt xe từ bên ngoài.

"Cho nên tôi hoàn toàn không tán thành phương án trên, muốn xử lý ngập phải giải quyết tận gốc, bằng cách mở rộng dung lượng đường ống, khai thông hệ thống thoát nước, nâng năng suất các trạm bơm cố định, xử lý triều cường, chấm dứt các dự án BĐS.

Việc đề xuất mua xe bơm di động có thể sẽ là giải pháp cấp bách và mang lại hiệu quả ngay tức thì, nhưng không phải giải pháp căn cơ, lâu dài", ông Mai đánh giá.

Nên trưng cầu ý kiến rộng rãi

Về số tiền mua xe, ông Mai chỉ rõ, bản thân ông là người trong ngành ô tô, nên ông quá ngạc nhiên khi nghe thấy số tiền đầu tư cho một chiếc xe chuyên dụng quá lớn, quá đắt như vậy.

"Không có chiếc xe chuyên dụng nào đến 1 triệu USD, cứ nói như chiếc xe đặc biệt, đầu tư trang thiết bị hiện đại hàng đầu như xe cứu hỏa, xe cấp cứu, cũng không đến giá 1 triệu USD.

Tôi được biết, xe bơm nước di động cũng chỉ có giá khoảng vài trăm nghìn USD, tính ra khoảng 1-2 tỷ đồng, đó là xe dòng hạng 1, còn những hạng khác có khi giá thành chỉ chưa đến 1 tỷ đồng.

Để thấy rằng, tôi luôn đặt câu hỏi nghi ngờ, người lập ra kế hoạch trên, tại sao lại sử dụng ngân sách nhà nước tốn kém, tiêu hao công quỹ, nhưng đầu tư vào một dự án không hiệu quả.

Trong khi, TPHCM đang khó khăn về ngân sách mà đưa ra các phương án không khả thi lại tiêu tốn quá nhiều tiền, thậm chí lại còn tính toán dư dả 1 tí phòng tránh về sau, là quá khó hiểu. Để thấy, những giải thích trên chỉ mang tính chất lấp liếm của Trung tâm chống ngập.

Theo tôi tốt nhất, nên đưa ra trưng cầu ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia nghiên cứu, hợp lý thì làm, không thì dừng triển khai", ông Mai phân tích.

Trước khẳng định của Trung tâm, mô hình này hoàn toàn được sử dụng tại nhiều nước và hiệu quả rất rõ rệt. Như tại thủ đô Băng Cốc của Thái Lan và nhiều nước châu Âu, Nhật Bản cũng sử dụng máy bơm di động dù ở các nước này mưa lớn không thường xuyên.

PGS.TS Phạm Xuân Mai nhấn mạnh: "Trên thế giới họ không sử dụng xe bơm nước di động chống ngập nhiều, mà họ chỉ sử dụng ô tô đi hút nước ở một số trạm bơm để bơm nước lên bồn chứa, đó gọi là các trạm bơm di động.

Một điểm khác, đó là trên thế giới ô tô chuyên dụng giá chỉ trong khoảng vài tỷ đồng trở lại, không ở đâu có giá đến 20 tỷ đồng. Mà chiếc xe bơm nước di động để chống ngập thực chất chỉ là một chiếc máy bơm công suất lớn được gắn trên chiếc xe tải chuyên dụng, toàn bộ giá trị của cả chiếc xe cũng không đến vài trăm ngàn USD.

Đáng nói, bản thân tôi chưa thấy nước nào dùng xe đi bơm nước di động chống ngập. Để giải quyết tình trạng trên cần có nhiều phương án nhưng tốt nhất là phải xây dựng hệ thống thoát nước mưa; giải quyết cao độ mặt bằng thành phố, cắm hệ thống mặt đường, đất đai, hè phố".

Bản thân ông Mai cũng nắm rõ thực trạng, TPHCM hiện nay đã bị bê tông hóa toàn bộ thành phố, nên không có chỗ để nước thấm xuống đất, dẫn đến ngập lụt.

Đáng buồn, TPHCM đã lấp hết các kênh rạch bằng các dự án BĐS, lấp hết các hồ chứa tự nhiên. Nên thành phố đang rơi vào thực trạng thu lợi từ các dự án BĐS nhưng lại phải bỏ tiền ra để đi lo chống ngập, chi đến hàng nghìn tỷ đồng, nhưng lại không hiệu quả, vì chưa có giải pháp trị tận gốc.

"Riêng đầu tư công có Luật đầu tư rồi, thì phải căn cứ vào đó, cần có giám định chặt chẽ không thể để đồng tiền nhà nước được tiêu vô tội vạ, rồi chỉ người dân chịu thiệt, trong khi các người lập dự án thì ung dung đề xuất.

Nếu cần phải xin ý kiến nhà khoa học để tiếp cận, có nên làm hay không, làm như thế nào?", ông Mai nhấn mạnh.