(TBKTSG) - Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam, “thiết chế văn hóa là chỉnh thể văn hóa hội tụ đầy đủ các yếu tố: cơ sở vật chất, bộ máy tổ chức, nhân sự, quy chế hoạt động, nguồn kinh phí; chỉ riêng ngôi nhà hoặc công trình văn hóa chưa đủ để gọi là thiết chế văn hóa”. Theo đó có thể kể đến một số thiết chế văn hóa phổ biến ở đô thị nước ta như bảo tàng, thư viện, sân vận động, rạp hát rạp phim, lễ hội truyền thống và hiện đại, và nhà văn hóa - một thiết chế có từ thời Liên xô cũ, được duy trì phát triển mạnh ở TPHCM từ sau 1975.
Khái niệm trên không cho biết chức năng của thiết chế văn hóa là nhằm để làm gì. “Thiết chế văn hóa nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân” là quan niệm khá phổ biến trong các nhà quản lý, thể hiện trên văn bản chính sách và truyền thông. Tuy nhiên thực chất sự ra đời và tồn tại của thiết chế văn hóa là nhằm đáp ứng cho người dân nói chung và cư dân ở các đô thị nói riêng những nhu cầu về tinh thần cơ bản bên cạnh nhu cầu vật chất như ăn, mặc, ở, đi lại... Vì tách rời nhu cầu tinh thần khỏi đời sống hàng ngày và coi đó là nhu cầu xa xỉ để “hưởng thụ” nên hiện nay ở các đô thị lớn, như TPHCM chẳng hạn, hiện tượng có những “thiết chế văn hóa” ít người biết đến hoặc không biết nó tồn tại để làm gì... khá phổ biến.
Ra đời cùng với đô thị, những bảo tàng, thư viện, nhà hát rạp phim, sân vận động, công viên... cũng như chợ, trung tâm thương mại, các cơ sở dịch vụ, là để phục vụ sinh hoạt hàng ngày của cư dân: giải trí, tìm hiểu kiến thức, nâng cao dân trí... Càng ngày nhu cầu sử dụng thời gian nhàn rỗi một cách có ích của cư dân càng phong phú, có tác động làm thay đổi hoạt động của các thiết chế văn hóa ngày càng đa dạng và hiện đại hơn.
Ngày nay, thư viện hay bảo tàng chẳng hạn, khó có thể tồn tại (với nghĩa được dân cư sử dụng thường xuyên) nếu chỉ có hình thức và nội dung hoạt động như cách đây hàng chục năm. Hay nhà văn hóa hoạt động như thế nào đối với khu vực nào, cho nhóm cư dân nào ở đô thị, nếu không xác định được sẽ chỉ có xác mà vô hồn.
Ở TPHCM, một số thiết chế văn hóa đã trở thành “ký ức đô thị” của nhiều thế hệ cư dân như bảo tàng, thư viện, rạp hát rạp phim là tiêu biểu. Ra đời từ thời Pháp thuộc và trải qua hơn một trăm năm tồn tại, những thiết chế này đáp ứng nhu cầu của nhiều tầng lớp thị dân, trong đó rạp hát gắn liền với sự phát triển của một loại hình nghệ thuật đặc thù là cải lương. Thế nhưng từ thập kỷ cuối của thế kỷ 20 đến nay đã bị cư dân đô thị “quên lãng” mặc dù bảo tàng, thư viện đã có sự thay đổi nhất định nhưng vẫn chưa theo kịp sự phát triển các loại hình giải trí, truyền thông cũng như tri thức khoa học kỹ thuật. Còn mấy chục rạp hát và rạp phim thì lần lượt biến mất, nhường chỗ cho trung tâm thương mại, nhà hàng và tổ chức tiệc cưới... TPHCM không còn rạp cải lương sáng đèn hàng đêm, đó là sự mất mát quá lớn một di sản văn hóa tiểu biểu của Sài Gòn, của Nam bộ.
Một thiết chế mới xây dựng từ sau 1975 là nhà văn hóa thì có sự phát triển đáng kể về số lượng, tuy nhiên trong nội thành chỉ vài nơi hoạt động hiệu quả. Trong khi đó, ở ngoại thành và nhiều quận khác thì nhà văn hóa vừa thiếu vừa yếu. Ở đô thị, mỗi “tiểu vùng” (trung tâm - đô thị cũ, vùng ven, ngoại thành, khu đô thị mới) là những cộng đồng dân cư có nhu cầu khác nhau về sinh hoạt văn hóa nên không thể “cào bằng”, “đầu tư dàn trải”. Nếu ở khu vực trung tâm tư nhân sẵn sàng đầu tư những rạp chiếu phim, rạp hát, trung tâm thương mại sang trọng... vì có khả năng thu hồi vốn nhanh, thì ở khu vực khác cần Nhà nước đầu tư loại hình nhà văn hóa đa năng để nâng cao năng lực hoạt động và sử dụng hiệu quả nguồn vốn và nhân lực.
Mặt khác phương thức “xã hội hóa” các thiết chế văn hóa không thể chỉ là tư nhân đầu tư tiền bạc mà họ còn cần được tham gia vào điều hành, thực hiện các hoạt động trong sự quản lý của cơ quan chức năng, nhằm hài hòa mục đích phục vụ cộng đồng và lợi nhuận. Ý thức trách nhiệm của nhà đầu tư thể hiện qua sự tham gia vào quản lý, điều hành, đồng thời thiết chế văn hóa phát triển phù hợp nhu cầu xã hội hơn, khắc phục sự tồn tại kiểu phong trào “đầu voi đuôi chuột”
Nói một cách khác, thiết chế văn hóa cũng là “của dân, do dân, vì dân” chứ không phải là sản phẩm mà chính quyền, nhà quản lý mang lại để cho dân “hưởng thụ”. Do đó, thống kê hàng năm về mức sống hay chất lượng sống ở đô thị và các vùng khác, ngoài những số liệu về nhà ở, giáo dục, y tế hay mức thu nhập, chi tiêu và tài sản vật chất... cần có cả tiêu chí về mức độ tham gia sinh hoạt các thiết chế văn hóa cũng như những nhu cầu tinh thần khác của người dân. Bởi vì các mô hình mà đô thị nước ta đang hướng đến, như “thành phố đáng sống” hay “thành phố sống tốt” đều mang nội hàm đánh giá về “chất lượng sống” trong đó có đời sống tinh thần lành mạnh, phong phú, đa dạng của dân cư và sự đáp ứng của chính quyền với nhu cầu đó qua các thiết chế văn hóa.