Người Đô Thị - Thời Pháp thuộc, con đường ngắn trước khu nhà chú Hỏa được gọi là Reims, đến thập niên 1950 chuyển tên thành Lê Công Kiều cho đến giờ. Đây là nơi bán đồ mỹ nghệ (theo giấy phép kinh doanh), nhưng quen được gọi là chợ đồ cổ, nơi hội tụ một nùi các hiện vật văn hóa phục vụ thú phong lưu của Sài Gòn xưa - nay, nhưng cũng là con đường khiến dân sưu tầm rùng mình khi nhắc đến.
Tính tổng chiều dài của Lê Công Kiều áng chừng 200m, với khoảng 80 nhà (dựa theo đánh số thứ tự), hơn phân nửa trong ấy là các tiệm bán đồ mỹ nghệ. Nhưng dân gian gọi chung là chợ đồ cổ, thế nên cứ cái gì cũ cũ, xỉn màu thời gian, vứt lăn lóc, chỏng chơ tràn khắp vỉa hè... được quy thành đổ cổ tất. Thứ mới toanh, sáng bóng, được ông lái bôi bôi trét trét, ma thuật phù phép với các thể loại nước giải, axit, thuốc tẩy... để món đồ khoác lên sự đau thương, vằn vện, trổ ten lem nhem... vậy cũng thành đồ cổ. Và ở đường Lê Công Kiều, “đồ cổ” hiển nhiên nghe oai vệ hơn là “đồ mỹ nghệ”, “đồ gia dụng”. Cũng bởi yếu tố đồ cổ, sặc mùi văn hóa và giá trị thị trường vượt ngưỡng tưởng tượng thông thường, nên Lê Công Kiều cũng là con đường hiếm hoi của Sài Gòn xưa nay được vinh dự đón tiếp rất nhiều những chính khách cỡ bự đến thăm viếng, ngoạn cảnh (chưa thấy mua đồ cổ vì chắc sợ lầm hàng dỏm thì... mất mặt).
Nguồn hàng bày bán ở Lê Công Kiều thì ôi thôi đủ loại, thượng vàng hạ cám. Nói về bề nổi của Lê Công Kiều là đồ mỹ nghệ, ở đây có đủ chất liệu từ đồng, gốm, đá, sứ, gỗ... tranh ảnh, thuộc các phong cách chế tác từ khắp Bắc - Trung - Nam. Tủ thờ cẩn ốc kiểu Gò Công miền Tây, đến nét chạm li ti chi chít của thợ Huế, hay tượng sơn son thếp vàng kiểu Bắc xuất xứ từ làng Sơn Đồng... Và trong dòng mỹ nghệ ấy còn vô số đồ nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, đến các nước xa xôi hơn ở trời Tây với các loại đồng hồ, quạt bàn, đèn treo... Xuất hiện cả chủng loại đồ cũ, đồ có tuổi vài chục năm trở lại như tranh mỹ nghệ của sơn mài Thành Lễ, gốm hợp tác xã Biên Hòa, đồ đồng của thợ nghề Phường Đúc (Huế), Đại Bái (Hà Nội)... Nhiêu đó cũng đủ hợp thành một khu chợ đặc biệt, hấp dẫn người mua kẻ bán khắp miền và cả du khách phương xa.
Lê Công Kiều thành “Chợ đồ cổ” là tên gọi tự thân, bởi hầu hết các tiệm buôn ở đây đều có bán đồ cổ, chỉ có điều chẳng ai dại trưng biển là “tiệm đồ cổ”, bởi ngành hàng này khá đỏng đảnh và nhạy cảm, những thật - giả lẫn lộn khiến cho việc kê khai, xin giấy phép kinh doanh cũng đủ khiến nhà chức trách đau đầu, hại não. Nên lối an toàn nhất là cứ phang biển bày bán đồ mỹ nghệ, còn chuyện mua bán cái gì thì tùy vào thế mạnh của từng tiệm buôn.
“Linh hồn” tạo cho con đường Lê Công Kiều trở nên nổi tiếng, đủ hấp dẫn những chính khách ghé thăm như cựu tổng thống Bill Clinton, chính là mảng cổ vật. Dân sưu tầm gọi ngắn gọn đường Lê Công Kiều là “chợ Kiều”, ngắn hơn nữa chỉ “Kiều” là đủ hiểu. Nếu so với các chợ đồ cổ ở khu vực Đông Nam Á, Lê Công Kiều là một mỏ vàng, từng làm giàu cho biết bao thương lái đến từ Campuchia, Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc... cũng đồng thời làm giàu cho những tiệm buôn sở tại, và nếu nói về mặt (giả vờ) nhân văn, đây là nơi dứt áo ra đi của không biết bao món cổ vật giá trị mà giới sưu tầm Việt cùng chuỗi các bảo tàng chưa đủ cơ duyên và đẳng cấp sở hữu.
Sự đa dạng của đồ cổ bày bán ở Lê Công Kiều, có thể tóm lược một cách đầy đủ cả quá trình hình thành và phát triển của người Việt cổ với hơn 4.000 năm văn hiến cho đến tận những ngày tháng 4.2017 này thông qua các hiện vật cụ thể (tất nhiên phải là đồ cổ... xịn). Từ hiện vật của văn hóa Phùng Nguyên, với khuyên tai, ngọc đá, đến Đông Sơn, chuyển qua dòng đồ gốm, đồ đồng Hán - Việt, tiếp đến các thể loại gốm tráng men của Lý, Trần, Lê, rồi đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn, cận đại hơn có gốm Cây Mai, Lái Thiêu, Biên Hòa... Các thứ liệt kê ấy ở Lê Công Kiều đều có đủ.
Dạo đường Kiều, ngoài chuyện gặp gỡ những lão buôn vỉa hè tếu táo cùng các loại đồ cổ vừa tầm cho dân mới vào nghề chỗ tiệm ông Tư đồ bể, hay Tam Sáu nương nương với Sáu Lùn, Sáu Hét, Sáu Đầu Bạc (nổi tiếng ở Kiều qua bức hình chụp chung với Bill Clinton), còn là dịp để lục tìm những ký ức xưa qua các hiện vật quen thuộc như bộ chén đĩa Nhật in (xanh trắng) hình rồng - phụng nhập khẩu từ Nhật với các hiệu đề Đại Nam, Đại Tín, các loại đĩa da đá cốt cứng đanh, già tuổi (thuộc niên đại cuối Minh - đầu Thanh), cả những tô chén, bát chiết yêu con gà vẽ tam lam của gốm Lái Thiêu... Lang thang qua các bổn tiệm của chợ Kiều, sẽ thấy ở đó không phải cứ đồ cổ là đắt giá, những mũi tên đồng Cổ Loa, những chiếc rìu Đông Sơn ngàn năm tuổi, chén Chu Đậu vớt biển Cù Lao Chàm... giá cũng chỉ đôi ba trăm ngàn, thân quen còn được ông chủ tặng làm quà kết bạn. Tuy nhiên Lê Công Kiều cũng không ít các hiện vật tiền tỉ, tất nhiên là hàng độc, đẹp, và những món đồ dạng này chỉ dân trong nghề sưu tầm, buôn bán mới có cơ may được chủ tiệm cho tiếp cận.
Mang danh “chợ đồ cổ”, nhưng cũng là nơi xuất hiện bát ngát các chiêu trò mua giả bán thật khiến vô số dân sưu tầm mới vào nghề trở thành những chú nai để lái buôn xẻ thịt. Cái khổ của nghề chơi đồ cổ là thường khi có của ăn của để, người ta mới bắt đầu vào nghề chơi, học hưởng thú phong lưu, sắm sách vở, cặm cụi đọc, găm chữ vào đầu, rồi ra đường Kiều tìm mua đồ cổ theo sách. Dân buôn khoái nhất là các tay mơ dạng này, xúm nhau luộc cho nhừ tử. Lê Công Kiều sở hữu nhiều giai thoại về chuyện buôn bán đồ giả cùng những nhà sưu tập lẫn nhà buôn bị mắc bẫy lừa kể hoài cũng không đủ, nhưng cái khổ của chuyện mua nhầm đồ giả ít người dám giãi bày, một phần giấu dốt, phần lại cố thủ để hy vọng một ngày sẽ lại “bán cái ngu” cho một kẻ... ngu hơn.
Sức hấp dẫn của cổ vật, với nét đẹp, màu thời gian, đặc biệt là lớp áo văn hóa dày dặn, tạo nên cho Lê Công Kiều một vị thế riêng, một con đường “đau khổ” với kẻ bị mua nhầm, nhưng cũng là “thiên đường” cho những sưu tập tư nhân đa dạng. Chỉ có điều, ranh giới giữa “thiên đường” và “đau khổ” đôi khi chỉ cách nhau một món đồ vô tri.