VOA - Chiếc cầu vượt biển mà báo chí Việt Nam mô tả là cầu vượt biển “dài nhất Đông Nam Á” dự kiến được thông xe vào dịp quốc khánh 2/9 bất chấp một loạt sai sót kỹ thuật vừa được phát hiện.
Quyết định này đang gây lo ngại trong công chúng về mức độ an toàn đối với người tham gia giao thông. Họ kêu gọi bộ Giao thông Vận tải hoãn việc thông xe cho tới khi đã khắc phục các lỗi kỹ thuật trên cầu Tân Vũ-Lạch Huyện ở Hải Phòng, cầu vượt biển dài nhất Việt Nam. Chiếc cầu cũng sẽ nối với tuyến đường cao tốc quan trọng giữa Hải Phòng và Hà Nội, cho phép xe cộ đi thẳng từ thủ đô tới đảo Cát Hải của thành phố biển.
Dự án đường ôtô Tân Vũ-Lạch Huyện dài 15,63 km (bao gồm cả cầu và đường). Truyền thông trong nước nói đây là cây cầu dài nhất Đông Nam Á, tuy nhiên nhiều độc giả và người dùng mạng xã hội chỉ ra rằng cầu Penang ở Malaysia có độ dài lớn hơn.
Nhiều tuần trước khi cây cầu được đưa vào vận hành, một Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng đã thanh tra và cho biết đã phát hiện “một số sai sót kỹ thuật.”
VNExpress trích dẫn kết quả kiểm tra cho biết “nền đường cầu vẫn tiếp tục lún so với dự báo của thiết kế.”
Tiến độ thi công đã bị rút ngắn nhằm mục đích thông xe sớm, theo ghi nhận của VNExpress. Kết quả kiểm tra của Hội đồng nghiệm thu cho biết việc rút ngắn tiến độ thi công “có thể khiến một số hạng mục không tuân thủ đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật, dẫn đến trong quá trình khai thác sẽ sớm bộc lộ các khiếm khuyết về chất lượng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn và làm tăng chi phí cho công tác bảo trì.”
Công trình bắt đầu khởi công vào năm 2014 do đơn vị Cienco 4 của Bộ GTVT giám sát quản lý. Sau kết luận của Hội đồng nghiệm thu, bộ GTVT đã yêu cầu các bên liên quan “làm rõ trách nhiệm của tư vấn giám sát và nhà thầu đồng thời có giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế.”
Các báo trong nước như VNEconomy đặt câu hỏi liệu hàng loạt sai sót ở cầu vượt biển dài nhất Việt Nam có nghiêm trọng không? Báo Tiền Phong đặt nghi vấn về trách nhiệm của bộ Giao thông Vận tải trước những sai sót này. Báo Dân Trí nhận định đây là những nguy cơ tiềm ẩn về sự mất an toàn của cây cầu vượt biển.
Trước sức ép từ truyền thông, ông Bùi Huy Kiểm, trưởng phòng quản lý dự án 3, tức đơn vị trực tiếp quản lý dự án của bộ Giao thông Vận tải, khẳng định với tờ Tiền Phong rằng “các lỗi xảy ra sẽ được khắc phục trước khi đưa dự án được đưa vào sử dụng.”
Một quan chức bộ Giao thông Vận tải không trả lời VOA-Việt Ngữ về liệu những lỗi kỹ thuật này đã được khắc phục chưa.
Theo Tiền Phong, các chuyên gia cho rằng những sai sót này không thể khắc phục triệt để và cần xem xét trách nhiệm của Bộ chủ quản dự án quan trọng này.
Một chuyên gia được Tiền Phong trích lời khẳng định “rõ ràng chất lượng thi công có vấn đề nếu thiết kế đúng. Lỗi cơ bản của ta luôn thi công các công trình để chào mừng, rút ngắn thời gian là rất dở.” Chuyên gia này nói phải làm rõ trách nhiệm từ nhà thầu thi công, tư vấn giám sát cho đến chủ đầu tư và bộ GTVT.
Công trình này có tổng vốn đầu tư khoảng 523 triệu USD, phần lớn là vốn vay ODA Nhật Bản, được dự kiến thông xe trong vòng tháng tới. Theo Tiền Phong cây cầu sẽ được thông xe vào ngày quốc khánh 2/9.
Tại thời điểm kiểm tra của Hội đồng nghiệm thu hôm 12/7, tổng khối lượng thi công của dự án ước đoạt khoảng 94%. Sau khi hoàn thành, đây sẽ là cây cầu vượt biển có chiều dài lớn nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, theo VNEconomy và Dân Việt.