Thứ Hai, 11 tháng 7, 2016

15/17 tranh tại triển lãm “Những bức tranh trở về từ Châu Âu” là tranh giả?

Â.T

LĐO - Triển lãm “Những bức tranh trở về từ Châu Âu” treo nhiều tranh của bộ tứ Nghiêm - Liên - Sáng - Phái thuộc bộ sưu tập của Vũ Xuân Chung vừa khai mạc sáng 10.7, nhưng đã bị các nhà sưu tập tranh, họa sĩ, phê bình mỹ thuật cho là có tới 15/17 bức tranh giả.

Hơn 10 bức tranh sơn dầu và sơn mài của bốn họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng và Bùi Xuân Phái - một phần trong bộ sưu tập tranh của nhà sưu tầm đồ cổ Vũ Xuân Chung lần đầu tiên ra mắt công chúng yêu mỹ thuật TPHCM từ sáng 10.7 tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, trong một triển lãm có tên “Những bức tranh trở về từ Châu Âu”.

Tuy nhiên, cho tới chiều 10.7, theo nhận xét, đánh giá, kinh nghiệm của một số người sưu tập tranh, họa sĩ, nhà phê bình mỹ thuật, phóng viên, nhà báo có thâm niên theo dõi mảng mỹ thuật Việt Nam của một số tờ báo, 15/17 tranh được triển lãm được cho là tranh giả, hay là tranh kém chất lượng, không đạt chuẩn… Hai bức còn lại, độ giả/thật có thể là 50/50, là bức  sơn dầu “Trừu tượng” của Tạ Tỵ (sáng tác 1952) và bức  sơn mài “Cô gái” của Nguyễn Sáng sáng tác năm 1980.

Một nhà báo cho biết, tại triển lãm, bức sơn mài “Ba cô gái” của Dương Bích Liên được xác nhận là tranh giả, vì bức tranh thật hiện thuộc sở hữu của nhà sưu tầm Bùi Quốc Chí (con trai ông Đức Minh). Bức sơn mài “Vườn chuối” của Nguyễn Sáng cũng được cho là giả… Bức tranh thật, theo một nhà báo, từng thuộc sở hữu của nhà sưu tầm Trần Hậu Tuấn, sau đó, ông Tuấn bán lại cho một công ty ở Hải Phòng. Hiện bức tranh vẫn thuộc sở hữu công ty.

Chuyện thật/giả của những bức tranh trong triển lãm trên chắc chắn sẽ được làm sáng tỏ, song câu chuyện ông Vũ Xuân Chung mất tiền, mất công ra sao để sưu tầm những bức tranh đó, trình độ thẩm định tranh treo triển lãm của Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM cũng như kiến thức, trình độ của một số tay viết mảng mỹ thuật còn… non kém nên mắc lỗi không tránh được là đã có những vội vàng khi giới thiệu tranh,  cũng sẽ là một câu chuyện… có nhiều thú vị…

Chuyện làm tranh giả của một số họa sĩ danh tiếng ở nước ta, cũng như chuyện người sưu tầm hoặc vì thiếu kiến thức (hoặc tham, hoặc cố tình để bị lừa…) mà bị “mua nhầm” tranh giả… không phải tới giờ mới có. Tuy nhiên, tính theo số lượng tranh triển lãm và nỗi nghi ngại về chất lượng tranh, thì có lẽ triển lãm lần này do ông Vũ Xuân Chung tổ chức là thuộc diện có “quy mô”…

Đằng sau mỗi bức tranh giả và đằng sau việc sưu tầm mỗi bức tranh giả, quả  là cả một câu chuyện dài, chưa biết hồi kết, của mỹ thuật Việt Nam…