Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2016

Đổ lỗi cho thiên tai là...nguỵ biện

Khánh Vy

CAND - Sự cố vỡ đường ống dẫn dòng thuỷ điện Sông Bung 2 khiến 28 triệu m3 nước đổ ập xuống cuốn trôi 2 công nhân được lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và chủ đầu tư dự án nhận định là do mưa lớn, lũ tràn về quá nhanh. Tuy nhiên, dưới góc độ khoa học, các chuyên gia về thuỷ lợi cho rằng, giải thích như vậy là nguỵ biện.

Là chuyên gia hàng đầu Việt Nam, từng có 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thuỷ lợi, GS Vũ Trọng Hồng – nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chủ tịch Hội thuỷ lợi Việt Nam khẳng định: "Đổ lỗi cho thiên tai là nguỵ biện". 

"Đập này đang tích nước, có nghĩa là đã hoàn tất công trình. Nếu lũ lớn, nó phải vượt đập tràn, vượt tần suất thiết kế. Ở đây hồ chứa mới có 30% dung tích thì lũ lớn đến mấy cũng không vấn đề gì. Khi một hồ chứa đang tích nước thì người ta chỉ mong lũ càng lớn càng tốt để mau đầy hồ chứa. Hồ chưa đầy đã vỡ thì không thể đổ lỗi cho thiên tai, chắc chắn là do thi công chất lượng kém. Cũng phải xem lại tiêu chuẩn thiết kế, có thể người thiết kế chỉ coi cống dẫn dòng là công trình tạm nên thiết kế ở mức độ chịu đựng thấp".

Theo GS Hồng, việc sông Bung 2 nằm ở thượng nguồn của chuỗi bậc thang thuỷ điện càng khiến sự cố trở nên nghiêm trọng hơn, bởi lẽ có thể xảy ra hiệu ứng domino dây chuyền nếu lũ quá lớn.

"Tôi vẫn thắc mắc, tại sao lại có thể cho tích nước trong lúc cống chưa xong hẳn. Theo nguyên tắc thi công công trình, phải chờ cho bê tông đủ cường độ ít nhất là 1 tháng, nếu cẩn thận thì 2 tháng, nhưng nếu chờ như vậy thì không lấy được nước trong mùa lũ. Ở miền Trung, mùa lũ chỉ đến tháng 9-10 là cùng. Bởi vậy, sông Bung 2 đã vội vàng tích nước. Không nên chỉ vì muốn tích nước trong mùa lũ mà vội vàng đưa vào hoạt động nếu chưa đủ an toàn kĩ thuật" – GS Hồng nói.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng, trong sự cố lần này cũng phải xem xét lại trách nhiệm của Hội đồng nghiệm thu dự án. "Công trình đã tích nước có nghĩa là Hội đồng nghiệm thu đã làm xong rồi, đã thử nghiệm rồi. Tích nước rồi mà vỡ chứng tỏ hội đồng nghiệm thu cũng có vấn đề, không làm đúng trách nhiệm. Mỗi công trình đều phải trải qua 3 giai đoạn nghiệm thu: Nghiệm thu sơ bộ, nghiệm thu nội bộ và nghiệm thu cấp trên. Nếu thực hiện đầy đủ quy trình sẽ hạn chế các rủi ro" – GS nhấn mạnh.


Đồng quan điểm, TS Đào Trọng Tứ - nguyên Phó Tổng thư kí Uỷ ban sông Mê Kông Việt Nam cũng cho rằng sự cố lần này là rất nghiêm trọng. "Bất cứ sự cố nào mà gây chết người đều là sự cố nghiêm trọng. Tích nước mới được 10 ngày đã vỡ đường ống dẫn dòng chỉ có thể là do chất lượng thi công kém" – TS Tứ khẳng định.

Vị chuyên gia này nói thêm: "Lần này không gây thiệt hại cho hạ du chỉ là may mắn, vì khi đó Sông Bung 4 chưa đầy nên có thể tiếp nhận toàn bộ 28 triệu m3 đổ xuống từ sông Bung 2. Chẳng may có lũ lớn, trong khi các hồ chứa phía dưới đều đầy sẽ là thảm hoạ rất lớn. Sự cố này không chỉ gây thiệt hại lớn về người, tài sản mà còn gây hiệu ứng tâm lí rất lớn đối với nhân dân phía hạ du. Trên đầu là hàng loạt thuỷ điện, chẳng may có sự cố thì họ không biết chạy đi đâu".

Theo TS Tứ, sự cố Sông Bung 2 sẽ là bài học lớn về cách làm thuỷ điện hiện nay ở nước ta. 

"Tại sao chúng ta vẫn say sưa làm thuỷ điện mà không tính đến các hậu quả của nó? Các dòng sông đều bị phá nát, chỗ nào có khả năng làm thuỷ điện thì đều đã làm rồi. Địa phương cứ lấy lí do là tỉnh nghèo để xin dự án. Không phải cứ có tiềm năng là phải khai thác, nhất là khi chúng ta không thiếu điện. Bộ Công thương hễ có dự án nào thì lại bổ sung vào quy hoạch. Cách làm ấy thể hiện tư duy ăn sổi, rất nguy hiểm" – TS Tứ bày tỏ.