Thứ Tư, 26 tháng 10, 2016

Hãy thở giùm tôi...

Lê Quỳnh - Trần Tuyến

Người Đô Thị - Từ rất nhiều năm qua, người dân đô thị đã phải sống trong bầu một không khí mà các chỉ số độc hại luôn vượt ngưỡng cho phép, do khí thải từ động cơ xe và loại bụi mịn với kích cỡ mắt thường không thể thấy - những tác nhân gây ung thư cao nhất.

Đáng sợ hơn, mức độ nguy hiểm của khí trời ở TP.HCM hiện chỉ mới được “áng chừng” bởi những công cụ đo đạc thủ công. Chưa ai biết chính xác mình đang ở tình trạng nguy hiểm đến mức nào!

Bủa vây nguy cơ ung thư

Một công bố từ các chuyên gia chính phủ Đức mới đây qua khảo sát tình trạng ô nhiễm môi trường tại TP.HCM cho biết, bụi mịn có kích thước nhỏ như PM10, PM2,5 (các hạt có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 và 10 micron) tăng cao, nhiều hơn gấp 23 lần so với các thành phố tại Đức. Điều này xuất phát từ số lượng phương tiện giao thông, nhất là phương tiện cá nhân tăng cao.

Còn kết quả quan trắc bán tự động của TP.HCM quý 2/2016 thì cho thấy, nồng độ PM10 trung bình 24 giờ dao động trong khoảng 52,23 - 170,27μg/m3, tức đã có nhiều nơi vượt quy chuẩn cho phép (giá trị giới hạn: 150μg/m3). Bụi lơ lửng (từ muội khói thải từ động cơ diesel) tại 20 vị trí quan trắc có 48,08% giá trị quan trắc không đạt quy chuẩn.

Riêng nồng độ PM2,5 (nguy hiểm hơn PM10, đi thẳng vào phổi vì mũi không “lọc” được), cho đến nay thành phố vẫn... chưa đo được do thiếu thiết bị. Tương tự, trong các chỉ tiêu quan trắc của TP.HCM hiện nay, nồng độ benzen (sinh ra từ xăng dầu, dung môi, khí thải xe máy) đã không còn được đưa vào kể từ tháng 6.2010. Trong khi đó, theo kết quả quan trắc của thành phố 5 năm trước đó, nồng độ benzen đo được cao hơn 10 lần so với chuẩn - theo PGS-TS. Nguyễn Đinh Tuấn, nguyên hiệu trưởng Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM.

Khoa học thế giới đã có rất nhiều cảnh báo về việc ô nhiễm không khí gây ung thư. Năm 2012, Cục Nghiên cứu ung thư quốc tế IARC (trực thuộc Tổ chức Y tế Thế giới - WHO) thông cáo rằng đã xếp loại khí thải từ động cơ diesel (gồm NOx, SOx, bụi lơ lửng, bụi mịn...) đứng đầu trong các tác nhân sinh ung thư, tức là nhóm “chắc chắn gây ung thư” - đặc biệt là ung thư phổi (và ung thư bàng quang ở mức độ yếu hơn).

Khí thải diesel có ở động cơ chạy dầu, vẫn còn được sử dụng phổ biến ở các loại phương tiện như ô tô, xe tải, máy công nghiệp... Trong khí thải diesel có hai nhân tố: các hạt muội than siêu nhỏ, và chất hóa học có tên polycylic aromatic hydrocarbons - PAHs. PAHs có thể trực tiếp phá hủy DNA trong tế bào phổi, gây ung thư. Các hại muội than tí hon sẽ vào sâu trong phổi, gây tình trạng viêm mạn tính, và tăng phân chia tế bào. Khi các tế bào lân cận có đột biến, tình trạng viêm này, về lý thuyết, sẽ khiến chúng tăng trưởng và lan rộng hơn.

Chưa được kiểm soát

Theo bảng xếp hạng mức độ ô nhiễm không khí của WHO năm 2010, TP.HCM nằm trong 10 thành phố có mức độ nhiễm bụi cao nhất thế giới. Báo cáo mới nhất WHO công bố ngày 27.9 cho biết Việt Nam thuộc khu vực ô nhiễm không khí nặng nhất thế giới. Những năm qua, dù các chuyên gia môi trường luôn cảnh báo ô nhiễm không khí tăng mỗi năm, mức độ nguy hiểm của khí trời ở TP.HCM hiện chỉ mới được “áng chừng” bởi những “công cụ” quan trắc bán tự động. Điều này khiến công tác xử lý, khắc phục, dự báo, cảnh báo ô nhiễm môi trường rơi vào tình trạng mù mờ, khó kiểm soát.

Báo cáo với HĐND TP.HCM hồi đầu năm, ông Nguyễn Văn Phước - Phó giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường (TNMT) cho biết, trước năm 2012, thành phố còn có 9 trạm quan trắc tự động do Na Uy và Đan Mạch tài trợ. Tuy nhiên, sau 12 năm vận hành, những trạm này đã hư hỏng hoàn toàn. Từ đó, mọi quan trắc không khí đều dựa vào hệ thống bán tự động của 16 trạm. Điều này có nghĩa, việc kiểm soát chất lượng không khí kém hơn trước.


Theo các chuyên gia môi trường, kết quả quan trắc bán tự động ở thời điểm 8-9 giờ và 15-16 giờ như hiện nay là không đáng tin cậy, bởi sau những giờ này, xe tải mới được phép lưu thông. PGS-TS. Nguyễn Đinh Tuấn cho biết, chỉ tính riêng số lượng nguồn thải từ hoạt động giao thông, tính đến hết năm 2015, TP.HCM có hơn 6,8 triệu xe máy và gần 700.000 ô tô, tăng gần gấp đôi so với năm 2011. Hầu như 100% xe máy chưa được kiểm soát chất lượng nguồn thải. Chưa kể, 20-30% nguồn khí thải công nghiệp chưa được xử lý trên địa bàn thành phố.

Vì vậy, chỉ có 16 trạm quan trắc bán tự động là quá ít so với 10 triệu dân đang sinh sống trên diện tích 2.056km² toàn thành phố. Thậm chí, nếu tăng số lượng trạm quan trắc bán tự động lên hàng trăm điểm cũng không thể đo đạc chính xác chất lượng không khí của thành phố. Phải tính được toàn bộ những diễn biến chất lượng khí thải, xu hướng của diễn biến chất lượng khí thải, từ đó mới đưa ra những dự báo về chất lượng không khí của thành phố.

Theo Sở TNMT, TP.HCM đang đề xuất xây dựng trung tâm quan trắc chất lượng không khí giai đoạn 2016-2020, sẽ đầu tư mới 27 trạm quan trắc tự động, và 200 trạm quan trắc bán tự động, với tổng kinh phí gần 495 tỉ đồng. Theo các chuyên gia môi trường, việc giảm ô nhiễm nồng độ bụi mịn PM hiện nay, cũng như kiểm soát nồng độ benzen và các khí thải từ động cơ diesel là cấp thiết. Trước mắt, TP.HCM cần phát triển mạng lưới phương tiện công cộng để giảm lượng xe cá nhân. Về lâu dài, hoàn thiện hệ thống quan trắc chất lượng môi trường nói chung và ô nhiễm không khí nói riêng. Hệ thống này không chỉ kiểm soát nồng độ ô nhiễm tại thành phố mà còn phải liên kết với hệ thống kiểm soát môi trường trong toàn khu vực.
***

Dự báo 5 năm tới, ung thư phổi ở Việt Nam tăng mạnh

Theo ông Hoàng Dương Tùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, số liệu quan trắc qua các năm gần đây tại một số đô thị lớn ở Việt Nam, bằng hệ thống quan trắc tự động liên tục cho thấy: ô nhiễm bụi mịn PM2,5 là vấn đề nghiêm trọng nhất đối với chất lượng không khí, khi giá trị trung bình tăng và số ngày trong năm vượt quá quy chuẩn cũng tăng. Thậm chí gần đây, nhiều chuyên gia đã lo ngại Hà Nội cũng ô nhiễm gần như Bắc Kinh. Giá trị trung bình ngày (24 giờ) của nhiều ngày trong năm tại một số địa điểm trong các thành phố lớn Việt Nam đã vượt quá quy chuẩn cho phép 1,5-2 lần (quy chuẩn là 50 u/m3), thậm chí có nhiều ngày giá trị này cao hơn 3-4 lần. “Đây là vấn đề nan giải không chỉ của Việt Nam mà của cả nhiều quốc gia châu Á hiện nay”, ông Tùng nói.

Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê không đầy đủ, những năm qua, số bệnh nhân bị bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí ngày càng tăng. Số trẻ em nhập viện điều trị bệnh hen suyễn, khuẩn hô hấp, ho tại một số bệnh viện ở Hà Nội và TP.HCM tăng gấp nhiều lần. Theo dự báo của của các chuyên gia y tế, số ca ung thư, trong đó có ung thư phổi ở Việt Nam sẽ tăng mạnh trong 5 năm tới. (L. Quỳnh)