Dân Trí - Đó là phát biểu của nguyên Bí thư TP Hội An - ông Nguyễn Sự - tại buổi đối thoại về “vai trò sinh thái của hệ thống cồn bãi tự nhiên - Ứng xử các bên liên quan hướng tới phát triển bền vững TP Hội An” được tổ chức chiều ngày 23/11.
Buổi đối thoại do UBND TP Hội An và Ủy ban Quốc gia chương trình con người và sinh quyển (MAB Việt Nam) tổ chức.
Tại buổi đối thoại, vai trò của hệ thống cồn bãi tự nhiên thuộc vùng hạ lưu sông Thu Bồn được các đại biểu quan tâm và phân tích trên các góc độ: Thủy động lực dòng chảy, ổn định địa chất bờ sông bờ biển; kiểm soát ô nhiễm, chống xói lở tự nhiên; duy trì đa dạng sinh học và phát triển nguồn lợi thủy sản và cuối cùng là sinh kế cộng đồng địa phương.
Theo đại diện của BQL Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm, các hệ sinh thái hiện đang chịu tác động rất lớn từ hoạt động của con người suốt chiều dài từ thượng nguồn sông Vu Gia – Thu Bồn cho đến tận quần đảo Cù Lao Chàm.
“Hệ thống đập thủy điện bậc thang, việc khai thác rừng, khoáng sản, sử dụng hóa chất trong sản xuất nông nghiệp, chất thải sinh hoạt, dịch vụ du lịch… chính là nguồn phát thải gây ô nhiễm và đang tạo ra áp lực rất lớn so với khả năng chịu đựng của các hệ sinh thái”, đại diện BQL Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm phát biểu.
Thêm vào đó, xu thế đầu tư các công trình để phát triển các loại hình dịch vụ du lịch có sử dụng tài nguyên thiên nhiên đang ngày càng gia tăng. Hiện tại Hội An đang nhận được rất nhiều dự án đầu tư tại các khu vực nhạy cảm về sinh thái và môi trường; đặc biệt các dự án xây dựng trực tiếp trên hầu hết hệ thống cồn bãi tự nhiên ven sông, ven biển thuộc vùng đệm và kể cả vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An.
Các nhà khoa học tham dự buổi đối thoại cho rằng, xét trên cả 3 phương diện vị trí, quy mô, hạng mục đầu tư và quy trình vận hành của các dự án này có thể thấy nguy cơ Khu dự trữ sinh quyển sẽ không còn tính hoang sơ, suy giảm sức khỏe của các hệ sinh thái và tính đa dạng sinh học, mất đi các sinh cảnh tự nhiên vốn rất yếu và mong manh…
Bên cạnh đó, sự tác động và làm thay đổi hiện trạng hệ thống cồn bãi tự nhiên sẽ ảnh hưởng và làm thay đổi toàn diện các yếu tố sinh thái trong Khu dự trữ sinh quyển. Hậu quả của nó có thể làm mất cân bằng sinh thái tại vùng cửa sông, đảo Cù Lao Chàm, vùng biển ven bờ tỉnh Quảng Nam, khu vực ven biển miền Trung do tính chất liên kết sinh thái.
“Với xu thế này, Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An sẽ khó thực hiện được sứ mệnh đảm bảo sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên, bảo tồn và phát huy giá trị tài nguyên của địa phương nhưng mang ý nghĩa toàn cầu”, bà Trần Thị Hồng Thúy – Giám đốc BQL khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm phát biểu.
Tham gia đóng góp ý kiến tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư TP Hội An - cho rằng, chúng ta vừa phát triển nhưng phải được bảo tồn. Càng giữ giá trị tự nhiên bao nhiêu thì càng mang lại giá trị kinh tế bấy nhiêu.
“Hội An phát triển bắt đầu từ phố cổ. Nhưng Hội An chỉ dừng lại ở đô thị cổ thì Hội An không còn là Hội An nữa. Hội An có bờ biển dài, có sông rạch…. Tất cả điều này tạo ra giá trị của Hội An. Nếu Hội An không giữ gìn văn hóa, không tiếp kiến văn hóa thì Hội An không phải là Hội An”, ông Nguyễn Sự phát biểu.
Nguyên Bí thư Hội An cũng cho rằng, Hội An không giữ các giá trị tài nguyên của trời đất thì Hội An sẽ chết. Du khách đến Hội An để tìm giá trị riêng có chứ họ không tìm giá trị của họ tại đây. Ngoài Hội An, du khách ra Cù Lao Chàm để tìm ra giá trị tự nhiên mà ở Hội An không có.
“Phát triển Cù Lao Chàm làm sao đừng để người dân trở thành người làm thuê trên chính mảnh đất của mình. Người ta biến đồng ruộng thành đô thị chỉ bằng một chủ trương nhưng tôi chưa thấy ai biến đô thị thành đồng ruộng cả. Hãy ứng xử một cách ngay ngắn và có văn hóa với tự nhiên, nếu không chúng ta phải trả giá. Đừng hỗn xược với tự nhiên, do đó chúng ta hãy đối thoại với tự nhiên”, ông Nguyễn Sự phát biểu.
Nguyên Bí thư Hội An cũng khẳng định: “Cuộc đời này anh đừng mong gặt lúa khi anh trồng cỏ. Anh chỉ gặt lúa khi anh gieo lúa mà thôi”.