LĐO - Mới đây, dư luận Quảng Nam, Đà Nẵng nóng khi hay tin nhà máy thép Việt- Pháp được chính quyền tỉnh Quảng Nam thống nhất chủ trương di dời lên làng Hoa, huyện Nam Giang sẽ tác động đến nguồn nước ở hạ du sông Vu Gia. Rồi sau đó, một dự án khác được đưa ra hội thảo đánh giá tác động môi trường dự án đắp đập ngăn mặn ở hạ lưu sông Vu Gia (trên sông Vĩnh Điện) cũng nóng bởi những tranh luận và bất đồng giữa chính quyền Quảng Nam và Đà Nẵng, và lần này cũng quan ngại đến an ninh nguồn nước.
Và gần đây nhất, các nhà khoa học đã cảnh báo cho tương lai, trong việc quy hoạch và xây dựng các dự án bê tông cốt thép trên các cồn bãi tại Hội An. Vậy nên, điều gì đã diễn ra lâu nay trong quy hoạch và xây dựng các dự án, để đến thời điểm tất yếu này trong lịch sử, mọi dự án, công trình trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng ven biển lại gây bất an cho người dân và chính quyền các địa phương đến vậy?
Bài học nhãn tiền
Bờ biển Cửa Đại (TP. Hội An, Quảng Nam) đang ngày càng sạt lở nhanh và lan rộng, tịnh tiến về phía Tây Bắc. Cho đến nay, một dự án đồng bộ cứu bờ biển Cửa Đại đã được khởi động và phải chờ thêm thời gian để hoàn thành nghiên cứu rồi mới tính tiếp vấn đề sẽ triển khai như thế nào trong tương lai.
Theo PGS. TS Nguyễn Chu Hồi - nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên - môi trường biển Việt Nam, nguyên nhân chính của tình trạng sạt lở biển tại Cửa Đại là do thiếu hụt bùn cát. Mà trong việc thiếu hụt bùn cát thì lại có nhiều nguyên nhân khác, đó là khai thác cát trên lưu vực sông, là các thủy điện chặn nguồn phù sa ở đầu nguồn, là hiện tượng dòng chảy của dòng sông bị tác động gây nghẹn bùn, gây bồi lấp cửa sông. Bên cạnh đó là do việc tổ chức không gian quy hoạch, xây dựng các resort ven biển, nơi nhô ra bởi các kè lấn biển đi ngược với dòng chảy tự nhiên theo quy luật trên biển, gây thiếu bùn cát ở các khu vực bờ biển lân cận.
Theo PGS. TS Nguyễn Chu Hồi, tất cả vấn đề của thực tiễn lâu nay là do thiếu một sơ đồ tổ chức không gian. Để rõ hơn vấn đề này, PGS Nguyễn Chu Hồi còn đặt ra một câu hỏi, khi khai thác trên biển, nên khai thác dầu khí trước hay khai thác cá trước. Đó là một vấn đề trong thực tiễn, phải có đánh giá tổng thể, cái nào làm trước, cái nào làm sau và làm như thế nào để hợp lý.
Ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - thì cho rằng, Quảng Nam có cho phép một số doanh nghiệp khai thác cát trên sông nhưng đã cân nhắc và tính toán rất kỹ. Về thủy điện chặn phù sa ở đầu nguồn thì hiện đang có một nghiên cứu của các chuyên gia để giải quyết vấn đề này.
PGS. TS Nguyễn Chu Hồi chia sẻ thêm, trong tương lai, cần có một quy hoạch không gian biển và vùng ven biển. Đó là một yêu cầu cấp thiết, hiện vẫn đang chờ Quốc hội thông qua.
Lo cho hiện tại
Bài học từ sạt lở không phanh tại biển Cửa Đại là một "đòn" đau cho người dân, chính quyền Hội An mấy năm nay. Trước một thực tiễn sai lầm của lịch sử, chính quyền Hội An lúc này lại cẩn trọng với quy hoạch và xây dựng các dự án.
Chiều 23.11, chính quyền Hội An tổ chức buổi tọa đàm lấy ý kiến từ các nhà khoa học về vấn đề quy hoạch, xây dựng dự án cồn bãi tại Hội An nhằm mục đích phát triển bền vững tại địa phương, mà trên hết là phục vụ cho chủ trương phấn đấu trở thành thành phố sinh thái của địa phương.
Tại tọa đàm này, ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư Thành ủy Hội An - đã thốt lên rằng, cần phải có ứng xử đúng mực với thiên nhiên. Ông sẽ cực lực phản đối với những dự án nào tác động đến dòng chảy tự nhiên trên sông, ảnh hưởng đến tự nhiên, sinh thái, sự tồn vong của khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm.
Dù chưa có những nghiên cứu chi tiết và cụ thể nhất, nhưng với kiến thức căn bản từ cá nhân, nhiều nhà khoa học cũng đã lên tiếng cảnh báo cần cân nhắc và tính toán kỹ lưỡng vấn đề quy hoạch và xây dựng các dự án trên các cồn bãi ở địa phương. Theo các nhà khoa học, cần cân tính toán kỹ lưỡng, nên xây dựng và làm gì, ở cồn bãi nào nên xây dựng, nơi nào không nên...
PGS. TS Nguyễn Chu Hồi thì cho rằng, đừng để "đời cha ăn mặn đời con khát nước", nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của các cồn bãi tại địa phương; sự tác động của các cồn bãi này đến dòng chảy, cảnh quan tự nhiên, diện mạo của đô thị cổ Hội An. Bởi lẽ, các cồn bãi ấy là các vùng chưa được kết cấu. Việc khai thác là cần, nhưng cần phải tính toán khai thác và xây dựng gì trên đó.
Để nhấn mạnh hơn tầm quan trọng của các cồn bãi này, ông Hồi còn cảnh báo, sự tồn tại của đô thị cổ Hội An bao lâu nay không thể không kể đến vai trò của các cồn bãi tự nhiên trên sông này.
Chờ đợi gì ở tương lai?
Ngày 24.11, cũng tại TP. Hội An, Quảng Nam, đã diễn ra tọa đàm cấp cao về quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, vùng bờ biển Quảng Nam - Đà Nẵng, một cách tiếp cận từ đầu nguồn xuống biển. Đây là dịp để chính quyền tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng ngồi lại cùng nhau, lấy thêm ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý để tiếp tục chỉnh sửa và hoàn thiện bản cam kết quản lý tổng hợp của đôi bên.
PGS. TS Nguyễn Chu Hồi cho biết, hội thảo lần này là dịp để các ngành chức năng của đôi bên có cái nhìn mới, thay đổi nhận thức và có cách tiếp cận mới. Đó là một tư duy hệ thống. Từ đây, sẽ có cơ chế, thể chế quản lý liên ngành, liên vùng, liên tỉnh về các vấn đề có liên quan, như vấn đề xói lở bờ biển Cửa Đại (Hội An) hôm nay, có thể là của Đà Nẵng ngày mai.
"Đó là những vấn đề thuộc về lợi ích chung của 2 tỉnh, chính là lợi ích của người dân. Những mâu thuẫn, tranh cãi giữa hai địa phương lâu nay là những vấn đề đương nhiên. Ở đó cần đến những ứng xử của con người trong tiếp cận và giải quyết các vấn đề", PGS. TS Nguyễn Chu Hồi cho biết thêm.
Ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - cho rằng, trong khi chờ ủy ban điều phối chung quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, vùng bờ biển ra đời, những dự án nào đang làm thì sẽ tiếp tục triển khai. Sau khi ủy ban này ra đời sẽ cho ý kiến để điều chỉnh những vấn đề cần thiết đối với những công trình này. Tuy nhiên, với công trình nào đã đi vào hoạt động thì sau này sẽ có nghiên cứu, nếu có gì không hợp lý sẽ có ý kiến điều chỉnh cho hợp lý.
Ông Thanh cũng cho biết, thỏa thuận phối hợp giữa đôi bên sẽ có ý nghĩa để giải quyết một vấn đề của một ngành riêng, khi ấy sẽ được các ngành liên quan và ban điều phối cùng ngồi lại bàn bạc và hội ý, không như trước đây, dự án thủy điện thuộc ngành công thương, khai thác khoáng sản thì ngành khác... Tuy nhiên, sẽ có phạm vi và quyền hạn nhất định được quy định trong ban điều phối này.