Thứ Năm, 5 tháng 1, 2017

To lớn làm gì khi không thể tĩnh tâm?

Trần Dũ

Người Đô Thị - Sự thiếu vắng các công trình tôn giáo tín ngưỡng đang là một khiếm khuyết của không ít khu đô thị mới hiện nay. Thế nhưng, ở nhiều nơi có xây mới các công trình này thì lại xuất hiện nhiều bất cập.

Một điều tra xã hội học của PGS-TS. Nguyễn Minh Hòa (Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP.HCM) thực hiện cách nay ít lâu với khoảng 500 người (trong đó 300 hộ dân sống tại Nam Sài Gòn và 200 chuyên gia thuộc các sở, ngành, viện khoa học, hiệp hội, doanh nghiệp... có liên quan trực tiếp đến khu Nam Sài Gòn) đánh giá về khu đô thị Phú Mỹ Hưng, kết quả trong các nội dung, có 60,6% ý kiến nhận xét Phú Mỹ Hưng thiếu cơ sở tôn giáo.

Ông Phan Chánh Dưỡng, người trực tiếp thực hiện dự án Phú Mỹ Hưng giai đoạn đầu cho biết khi triển khai, ông rất muốn xây nhà thờ, chùa. Tuy nhiên thời điểm đó (hơn 20 năm trước), nói đến chuyện này là điều cấm kỵ, không ai muốn đề cập. Vì vậy, khi giải tỏa thực hiện dự án, ông Dưỡng đã rất cố gắng để dời một nhà nguyện nhỏ trong khu vực này về khu tái định cư Tân Mỹ và giữ lại được một cái chùa kế bên khu chế xuất Tân Thuận mà lẽ ra, theo quy hoạch, phải di dời.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đắc Xuân, hiện nay đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ dẫn đến không còn đất đáp ứng đủ các yếu tố vườn chùa, cảnh quan thiên nhiên để xây dựng chùa. Do đó, ngoài một số chùa xa đô thị thì phần lớn các ngôi chùa xây chen chúc trong các khu đô thị chật hẹp không có vườn chùa, không giữ được vẻ tĩnh mịch của chùa Việt Nam truyền thống. Một số nơi còn lập chùa mới gần cạnh chùa cổ, không những không tạo ra được kiến trúc chùa mới có giá trị mà còn phá vỡ cảnh quan của ngôi chùa truyền thống.

Phần lớn các ngôi chùa mới ở các đô thị hiện nay khó tạo được một di sản lưu lại với văn hóa Việt Nam. “Ngày xưa cha ông chúng ta quy hoạch các làng quê ưu tiên dành những khu đất rộng rãi, thoáng đãng nhất để xây đình làng, chùa làng và nhà thờ các họ khai canh. Sinh hoạt văn hóa tâm linh của dân làng ở những nơi đó tạo cho người dân một tình tự quê hương. Ngày nay, xem một số quy hoạch cũng như được đến thăm người thân tại các khu đô thị mới ở hai miền Nam - Bắc, tôi không thấy có một mét đất nào trong các khu đô thị mới ấy dành cho sinh hoạt tâm linh cho người dân ở đó”, ông Xuân nói.

Cũng theo ông Xuân, không gian sống ngày nay, đặc biệt ở các đô thị mới không còn các yếu tố tâm linh cũ. Tuy nhiên, con người lại không thể sống không có sinh hoạt tâm linh. “Xã hội càng công nghiệp hóa, càng tự động hóa con người càng đòi hỏi sinh hoạt tâm linh, con người cảm thấy bị mất mình, khát khao muốn tìm lại cái mình đã mất. Nếu thiếu họ bị stress, thậm chí bị điên, và cũng không ngạc nhiên trước nạn thanh niên nam nữ tự tử”, ông Xuân nói.

KTS. Trần Huy Ánh (Hội Kiến trúc sư Việt Nam) cho biết những ngôi chùa ở Việt Nam trước năm 1954, tùy từng nơi mà có quy mô khác nhau nhưng đều xinh xắn, có tỷ lệ xây dựng gắn bó với cảnh quan thiên nhiên, con người và mang đến cảm giác thân thuộc, bình yên, sự tĩnh tâm. Còn ngày nay, bản thân ông Ánh khi đến nhiều công trình tôn giáo tín ngưỡng mới đã không dám vào trong mà chỉ đứng ngoài vì kích thước to lớn quá, diện mạo dọa nạt, không mang đến cảm giác bình yên, tĩnh tâm, không duy trì hồn cốt ngôi chùa Việt theo quan niệm “lấy vật chất tối thiểu để biểu đạt giá trị tối đa”. Theo ông Ánh, cần nhận diện lại công trình tôn giáo, tín ngưỡng mới xây dựng để xem có phải nơi tập trung tinh hoa, văn hóa hay chỉ thuần túy du lịch để mang lại lợi ích cho địa phương.

TS-KTS. Trương Văn Quảng (Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia) cho biết, xây dựng hệ thống các cơ sở tôn giáo tín ngưỡng để trở thành một bộ phận cấu thành không gian văn hóa - xã hội của cộng đồng dân cư và làm tăng giá trị các không gian văn hóa - lịch sử và kiến trúc - cảnh quan của đô thị và nông thôn là việc làm cần thiết.

Hiện nay, hệ thống văn bản pháp quy trong cải tạo, trùng tu và xây mới công trình tôn giáo tín ngưỡng còn thiếu tính đồng bộ, nhất là trong quy hoạch xây dựng. Sự phối hợp đa ngành còn lỏng lẻo. Trong quy hoạch còn mang tính thụ động, dựa trên hệ thống cơ sở tôn giáo có sẵn, đất đai có sẵn... Việc quy hoạch vị trí mới để xây dựng hệ thống cơ sở tôn giáo còn ít được quan tâm, trong khi các tổ chức và cá nhân lại khá chủ động trong việc này.

Do vậy, rất cần coi quy hoạch hệ thống cơ sở tôn giáo tín ngưỡng là quy hoạch ngành và được cụ thể hóa trong các văn bản pháp quy. Cũng cần lồng ghép nội dung này trong quy hoạch xây dựng vùng, đô thị, nông thôn... để tạo sự phân bố, bình đẳng giữa các loại hình tôn giáo. Công tác quản lý trên tập trung vào hai nội dung là cấp đất và cấp phép xây dựng. Công tác quy hoạch này sẽ gắn kết không gian tôn giáo với tổng thể không gian sống của cộng đồng dân cư; giáo dục về tinh thần, góp phần xây dựng hình ảnh và bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn toàn tỉnh, toàn vùng...