Thứ Ba, 28 tháng 2, 2017

Khi lợi ích quốc gia là trên hết!

MAI ANH

(GDVN) - Bên cạnh việc thu hồi diện tích đất sân golf để nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất, cần nhiều biện pháp đồng bộ để giảm ùn tắc tuyến đường dẫn đến sân bay này.

Ghi nhận nỗ lực của Chính phủ 

Không còn những tranh luận về việc nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất hay xây dựng mới sân bay Long Thành để giải quyết vấn đề quá tải tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Sau nhiều buổi làm việc với các bộ, ngành, Chính phủ đã quyết định nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của Tân Sơn Nhất, trước khi tính đến kế hoạch xây dựng một sân bay mới.

Cụ thể, trong cuộc họp với đại diện các bộ, ngành và chính quyền TP.HCM vào ngày 22/2, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu đơn vị tư vấn: Công ty Thiết kế và Tư vấn xây dựng công trình hàng không (ADCC – Bộ Quốc phòng) trình bày các phương án điều chỉnh quy hoạch, mở rộng, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất.

Trước đó trong 7 phương án được ADCC, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị lựa chọn phương án số 3. Theo đó sẽ nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất đạt công suất 43 - 45 triệu hành khách/ năm trong 3 năm tới bằng việc xây dựng thêm sân đỗ, đường lăn và 2 nhà ga T3, T4 với mức đầu tư vào khoảng gần 20.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu ADCC trình bày phương án số 3B. Điểm đáng chú ý trong phương án này chính là việc sẽ giải phóng mặt bằng 276 ha, trong đó đất dân cư 28,6 ha, đất quân sự 90,1 ha và đất sân golf 157,3 ha.

Như vậy sau những ý kiến tranh luận khác nhau về việc nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất hay chờ xây dựng sân bay Long Thành cuối cùng cũng được quyết định.

Theo đó không những Chính phủ đưa ra quyết sách phải nâng cấp Tân Sơn Nhất mà còn yêu cầu đơn vị tư vấn lập và báo cáo chi tiết từng phương án để có cái nhìn tổng quan trước khi lựa chọn.

Đánh giá sự điều hành, chỉ đạo của Chính phủ trong việc giảm ùn tắc sân bay Tân Sơn Nhất, ông Trần Ngọc Vinh - Đại biểu Quốc hội Khóa XIII nhận định: “Việc quyết định nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất thể hiện sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ với một vấn đề gây bức xúc là ùn tắc sân bay Tân Sơn Nhất”.

Theo ông Trần Ngọc Vinh không phải bây giờ vấn đề ùn tắc sân bay Tân Sơn Nhất mới được đưa ra. Từ năm 2014 khi dự án sân bay Long Thành được đưa ra Quốc hội để xin chủ trương đầu tư, vấn đề ùn tắc tại sân bay Tân Sơn Nhất đã được nhắc đến.

“Ngay thời điểm đó, tôi đã khẳng định sớm hay muộn cũng phải xây dựng sân bay Long Thành, tuy nhiên trong khi chờ đợi Long Thành cần nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất để đáp ứng nhu cầu trước mắt”, ông Vinh cho biết.

Nhận định việc Bộ Quốc phòng bàn giao 21ha đất cho Bộ Giao thông vận tải nâng cấp cải tạo sân bay Tân Sơn Nhất, ông Vinh cho biết: “Bộ Quốc phòng bàn giao 21ha đất cho ngành giao thông là việc làm đáng hoan nghênh.

Điều đó cho thấy lãnh đạo Bộ Quốc phòng hiểu được vấn đề cấp thiết nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất vì lợi ích chung của đất nước, sẵn sàng bàn giao một phần diện tích đất đang quản lý”.

Để có được các phương án nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất như hiện nay, ông Trần Ngọc Vinh cho rằng, Chính phủ đã chỉ đạo hết sức quyết liệt, bởi ùn tắc sân bay Tân Sơn Nhất được đưa ra từ lâu nhưng trong khoảng hơn một năm từ 2014 đến hết năm 2015 không có giải pháp nào được đưa ra. 

Tuy nhiên từ bắt đầu năm 2016 với sự quyết liệt của tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các thành viên Chính phủ mới vấn đề ùn tắc Tân Sơn Nhất được giải quyết nhanh chóng. 

Sau mỗi buổi làm việc của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng với các bộ, ngành vấn đề giảm ùn tắc sân bay Tân Sơn Nhất lại tiến thêm một bước.

Trước khi quyết định nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất, đích thân Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác Chính phủ thị sát hoạt động sân bay Tân Sơn Nhất, lắng nghe ý kiến các bên để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Từ đó quyết định nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất.

Tiếp đó để đẩy nhanh việc nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất Chính phủ tiếp tục làm việc với Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải thúc giục các bộ đồng hành cùng giải quyết vấn đề ùn tắc tại Tân Sơn Nhất. 

Kết quả mang lại là Bộ Quốc phòng ký bàn giao 21ha đất để nâng cấp cải tạo sân bay Tân Sơn Nhất, đồng thời tính đến việc thu hồi đất sân golf. 

“Có thể nói chỉ đạo của Chính phủ có vai trò quyết định trong vấn đề giải quyết ùn tắc sân bay Tân Sơn Nhất”, ông Vinh nhận định.

Đồng bộ hạ tầng giao thông đô thị

Cùng chung quan điểm, ông Mai Trọng Tuấn - tác giả đường bay vàng cũng cho rằng, giải quyết ùn tắc Tân Sơn Nhất cần phải có cái nhìn chiến lược.

Theo ông Tuấn, trong dài hạn có thể sân bay Long Thành cần, nhưng trước mắt để giảm ùn tắc sân bay Tân Sơn Nhất phải nâng cấp cải tạo, mở rộng hạn tầng, nâng công suất sân bay.

Trong các phương án nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất được đưa ra ông Tuấn cho biết, phương án thu hồi đất sân golf và đất quân sự là hợp lý hơn. 

Ông Tuấn khẳng định nhiệm vụ giữ gìn bảo vệ an ninh quốc phòng ở thời kỳ nào cũng phải đặt lên hàng đầu. Nhưng không thể cứ lấy lý do bảo vệ an ninh quốc phòng để giữ đất rồi sử dụng vào việc không cần thiết trong khi đất đai phục vụ phát triển kinh tế đang thiếu.

Ông Tuấn cho biết: “Nguyên nhân dẫn đến chậm nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất vì chưa được bàn giao đất. Tuy nhiên với sự vào cuộc của Chính phủ chỉ trong thời gian ngắn không chỉ Bộ Quốc phòng đồng ý bàn giao 21ha đất mà vấn đề thu hồi đất sân golf lần đầu được đưa ra, đây là tín hiệu đáng mừng”.

Theo tác giả đường bay vàng, quyết định nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất của Chính phủ là rất đúng đắn, tuy nhiên việc lựa chọn phương án nào cần phải tính toán.

Bộ Quốc phòng bàn giao 21ha đất là rất hoan nghênh, nhưng để nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất với tầm nhìn dài hạn cần sự hy sinh quyền lợi các bên thể hiện bằng việc bàn giao sân golf cùng diện tích đất sử dụng chưa đúng mục đích trong sân bay cho ngành giao thông.

Ông Tuấn nhấn mạnh: Qua việc điều hành chỉ đạo nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất có thể thấy không có nhóm lợi ích nào cao hơn lợi ích quốc gia, mọi mục tiêu đều phải hướng đến phát triển đất nước.

Trước lo ngại cho rằng nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất sẽ tăng lưu lượng phương tiện trên các tuyến đường dẫn đến sân bay gây ùn tắc giao thông đô thị, ông Tuấn nêu quan điểm: Ùn tắc giao thông đô thị là do con người, do điều hành quản lý chứ không phải do sân bay.

Theo ông Tuấn, ùn tắc giao thông đô thị nói chung và tuyến đường đến sân bay Tân Sơn Nhất hoàn toàn có thể khắc phục bằng việc điều tiến giao thông, xây dựng thêm trục đường mới dành riêng phương tiện đi và đến sân bay cùng với đó phát triển hệ thống giao thông công cộng như tàu điện Metro, tàu điện trên cao.