Thứ Tư, 28 tháng 6, 2017

Ba Son tiếp biến kiểu Nguyễn Hòa Hiệp

Thượng Tùng thực hiện - ảnh TRUNG DŨNG

Người Đô Thị - Ở Sài Gòn có hai công trình tận dụng phế liệu thu được sau khi Ba Son bị đập bỏ, gồm khách sạn The Myst Đồng Khởi (quận 1) và một căn nhà đang xây dở ở quận Bình Thạnh. Cả hai công trình này đều mang dấu ấn của KTS. Nguyễn Hòa Hiệp.

Việc nhà máy Ba Son bị phá bỏ vào năm ngoái để xây tại vị trí ấy một cụm lớn nhà cao tầng ven sông Sài Gòn gây sự chú ý của không ít người quan tâm tới không gian di sản của đô thị lớn nhất nước. Với những người cạn hiểu, Ba Son là đống phế liệu. Còn anh, những món đồ cân ve chai ấy là cảm hứng, phương tiện sáng tạo hay cái gì khác nữa? 

Tôi vào thăm Ba Son một tháng trước khi bị phá. Trong suốt ba tháng người ta san phẳng địa chỉ di sản này, tôi có mặt mỗi buổi sáng. Tôi nhìn Ba Son thuần túy dưới góc độ kiến trúc. Tuyệt tác. Đẹp từ không gian, chi tiết, cho đến từng mẫu vật liệu. Tiếc nhất là cái ụ tàu. Đẹp hơn nhiều cái ụ tàu mà Đan Mạch làm Bảo tàng hàng hải quốc gia được trao rất nhiều giải thưởng quốc tế. Ụ của Đan Mạch chỉ có 65 năm tuổi, rất tầm thường so với ụ Ba Son.

Tiếc thương, đau buồn nhưng tôi không bất ngờ với kết cục của Ba Son.Như mấy ngàn năm nay vẫn thế. Nếu giữ lại, tôi nghĩ Ba Son vẫn tạo được lợi nhuận cho nhà đầu tư nhiều hơn. Có điều không thể có tiền tươi để chia chác ngay. Nền móng xã hội không có người đủ mạnh để giữ lại những địa chỉ văn hóa - lịch sử quý giá như Ba Son. Chúng ta không có kiến trúc sư đủ giỏi, làm ra sản phẩm đủ tốt để thuyết phục chủ đầu tư. Lỗi cả hai bên.

Tôi không đồng tình ở khía cạnh thiếu kiến trúc sư đủ giỏi như anh nói. Nếu...

(Cắt ngang) Thế chẳng nhẽ lại nói không có nhà đầu tư đủ giỏi, tập hợp chung quanh họ là những kiến trúc sư đủ giỏi. Nhưng trên thực tế nhiều nhà đầu tư đâu có tin tưởng kiến trúc sư, vẫn xem kiến trúc sư là kẻ làm thuê. Vì sao không tin tưởng nhau để đất nước có nhiều công trình hay? Giữ lại di sản để từ đó tạo ra giá trị vô hình, thì nhà đầu tư được nâng tầm về uy tín, văn hóa, tư tưởng. Tốt quá đi chứ thay vì ngược lại...

Trở lại với “tuyệt tác kiến trúc” như nhận định của anh. Chứng kiến những giá trị bị đập bỏ là sự khởi đầu để anh đưa “phế liệu Ba Son”vào những công trình, mà trước hết là công trình khách sạn nhìn ra bến Bạch Đằng?

Tôi đã nói chuyện với nhiều người từng gắn bó với Ba Son, với những người có bà con làm việc trong Ba Son, đọc tư liệu về Ba Son... nên tôi muốn giữ lại. Có nhiều chi tiết rất đẹp tôi không thể làm nổi, chẳng hạn như cái cửa lùa mà người ta đã thiết kế cách nay gần 200 năm... Hay viên ngói kính (do người Pháp đưa sang) tôi đem đi thuê gia công thì nhiều chỗ không làm, hoặc đòi giá cao khủng khiếp...

Trong suốt ba tháng có mặt đều đặn mỗi buổi sáng ở công trường, anh có gặp đại diện từ những cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực văn hóa thực hiện kiểm đếm theo nguyên tắc chọn lựa để bảo quản hiện vật của di sản?

Tôi không thấy. Cũng có thể do tôi không có trách nhiệm gì ở đó nên không biết về sự có mặt của họ. Không phải ai cũng vô được công trường.

Vậy tại sao anh vô được?

Tôi phải vô được. Tôi có niềm tin giữ lại những thứ này. Sống ở Việt Nam mà, thiếu gì cách. Nói tiếp về cà phê Ba Son dưới sảnh khách sạn. Tôi mong muốn tái dựng hình ảnh mô phỏng của Ba Son để người ta có thể hình dung không gian di sản đã từng tồn tại như thế nào. Tôi muốn đưa chi tiết kiến trúc, kết cấu của công trình đó vào thiết kế khách sạn. Nhưng có những thứ bất khả, chẳng hạn để có một trong những không gian đẹp như của Ba Son cũ với kết cấu diện tích lên đến 24m2 thì rất khó đưa vào khách sạn vì yêu cầu phòng hiện hữu không cho phép về góc độ hiệu quả đầu tư. Chính vì vậy tôi không hài lòng với dự án khách sạn mà tôi vừa cơ bản hoàn thành. Và đó cũng là lý do tôi quyết định làm ngôi nhà của mình bằng phế liệu tận dụng từ Ba Son.


Có thể hình dung như thế nào về ngôi nhà mới của anh?

Tôi không muốn biến ngôi nhà của mình trở thành một cái bảo tàng Ba Son để ngồi đó tưởng niệm, nhìn ngắm, tiếc thương, than trách... Tôi không vui mừng khi có được đống phế liệu đó. Ba Son được phát triển bằng những cái đầu vừa hiểu biết về kiến trúc, di sản, và kinh tế sẽ tốt hơn nhiều. Nhưng tôi cũng không có nhiều thời gian suy tư về một di sản đã biến mất. Ngôi nhà mới của tôi là tiếp biến sáng tạo bất đắc dĩ. Phế liệu tận dụng để phục vụ cuộc sống. Đấy là nơi tôi sẽ sống và làm việc hằng ngày. Là chỗ giáo dục trẻ con mà trước hết là hai đứa con của tôi. Buổi sáng, có thể con tôi sẽ không muốn đi học. Tôi cũng không muốn con tôi học ở trường khi tôi dòm mặt những thầy cô, khi tôi quan sát cách đám trẻ con chơi. Căn nhà chúng ta đang ngồi không có không gian đủ rộng cho các con tôi chơi. Cách nay hai năm, tôi đã đi kiếm đất. Tôi dự định nơi làm việc mới nằm trong một khu vườn, ở đó các con tôi có thể tự do chơi đùa mà không sợ nguy hiểm. Sau đó thì tôi có được miếng đất. Có người cho sau khi nghe tôi trình bày ước muốn. Toàn bộ chi phí xây dựng cũng thế. Tôi nói như vậy với hàm ý cuộc sống này dễ dàng, chỉ cần mình có ước muốn đúng đắn. Nguyên vật liệu để cất nhà vẫn là phế liệu. Nhưng khi khách sạn không đủ không gian để thực hiện ý tưởng, tôi mới quyết định dùng phế liệu gom từ Ba Son để làm ngôi nhà của mình.

Phế liệu chi phối khá nhiều công trình của anh?

Xa xưa, loài người khum hai bàn tay, vục nước để uống. Lần lần người ta mới làm ra cái chén, rồi khảm vàng, khảm bạc… Lần lần người ta cũng quên một chuyện đơn giản là phương tiện cầu kỳ đến đâu cũng chỉ dùng để uống nước. Tôi hình dung đến một lúc, tài nguyên khai thác cạn kiệt, không còn nguyên vật liệu mới để làm nhà, người ta sẽ tận dụng phế liệu như tôi đang làm. Phế liệu vẫn tạo ra những ngôi nhà đẹp, ở tốt. Cùng khai thác phế liệu nhưng ngôi nhà mới khác những công trình đã làm. Kết cấu khác, chẳng hạn như tôi không làm móng nhưng vẫn là kiểu nhà Nam bộ.


Bao giờ công chúng có thể ghé thăm ngôi nhà của anh?

Chừng tháng nữa là xong. Nhưng không phải ai cũng có thể ghé thăm. Tôi chỉ phục vụ ít, rất ít những người xứng đáng. Tôi bố trí một phòng ngủ ở tầng trệt. Ai đưa tiền nhiều, tôi phục vụ. Tiền thu được từ dịch vụ này sẽ dành để thực hiện những dự án cộng đồng, có thể xây nhà vệ sinh công cộng, mua xe chở rác, một tủ bánh mì miễn phí, sạp báo... hay tài trợ cho bất kỳ hoạt động gì mà tôi muốn. Công chúng của tôi chừng 15%.

Anh nhận dạng 15% ấy bằng cách nào?

Kinh nghiệm sống và một ít bạn bè giúp tôi hiểu chuyện đó. Tôi không nhận dạng. Người ta phải nhận dạng tôi chứ, nếu họ thực sự cần.

Anh có vẻ khắc nghiệt với 85% còn lại?

Công chúng 85% còn lại không cần thiết. Có khi, vì số đông trong đó quá thờ ơ, quá vô tri, quá cổ súy cho sự hám tài nên Ba Son mới bị đập bỏ không chừng.