Thứ Hai, 5 tháng 6, 2017

Khi họa sĩ tự... chọc mù mình!

FB Nguyễn Hưng

Hoạ sĩ Việt Nam, nhiều người lớn tiếng cho rằng, "Hội hoạ có ngôn ngữ riêng. Nhiệm vụ của hoạ sĩ, là vẽ. Và vẽ cho đẹp. Hoạ sĩ không cần quan tâm đến triết, đến văn học...!" Và, họ đã không thèm học, không thèm đọc gì thật ngoài việc chúi mũi vào các bài tập kỹ năng... của cái cổ tay!

Với cách nghĩ như vậy, họ đã tự chọc mù mình! Không thể sáng tạo được cái gì cho mới mẻ, đã đành. Họ còn không thể học hỏi gì được ở người khác. Trước hội hoạ phương Tây sau Matisse, Van Gogh, Gauguin..., trí óc họ tê liệt. Thậm chí trước tranh Lập thể của Picasso, tranh Siêu thực của Dali, họ cũng đã... ú ớ!

Họ gần như hoàn toàn không biết, khi bố cục một bức tranh, họ đã thể hiện một ý thức triết lý về không gian, thể hiện một cảm quan về hiện thực. Khi bố cục một bức tranh theo phép phối cảnh tuyến tính, họ tin mình là một hoạ sĩ Hiện thực. Họ hoàn toàn không biết, đó chỉ là một phần mảnh của hiện thực, thậm chí, chỉ là một ảo tưởng về hiện thực. Họ chỉ đang "khách quan hoá" một cảm nhận hoàn toàn chủ quan mà thôi... Ngay cả khi bỏ qua phép phối cảnh tuyến tính, bắt chước các hoạ sĩ phương Tây, đồng hiện các yếu tố không gian trong những khoảng thời gian khác nhau, cũng hiếm khi họ tự phân biệt được cách đồng hiện theo kiểu Tượng trưng mang màu sắc chủ định duy lý, khác với cách đồng hiện theo kiểu Siêu thực mang màu sắc ngẫu nhiên, phi lý tính như thế nào... Chưa kể, gần như hầu hết, không phân biệt các khuynh hướng khác nhau trong hội hoạ Trừu tượng-cứ tưởng Trừu tượng chỉ là "phi biểu hình"...!

Hoạ sĩ Việt Nam, bao lâu nay, nhất là hoạ sĩ miền bắc, rất ái mộ Nguyễn Đình Đăng, cho Nguyễn Đình Đăng đã có đóng góp rất lớn cho sự "đổi mới" của hội hoạ Việt Nam. Thật nhầm. Và thảm. Phải thừa nhận, Nguyễn Đình Đăng đã đóng góp rất nhiều trong việc phổ cập kiến thức về kỹ thuật hội hoạ, đặc biệt là kỹ thuật vẽ sơn dầu theo nguyên tắc cổ điển. Nhưng chỉ vậy thôi. Trong cách nhìn hội hoạ, Nguyễn Đình Đăng vẫn hết sức bảo thủ và lầm lẫn. Nguyễn Đình Đăng viết rất nhiều về hội hoạ Siêu thực, và tự nhận mình là hoạ sĩ Siêu thực. Nhưng hãy nhìn kỹ tranh Nguyễn Đình Đăng: chỉ bắt chước được không gian Siêu thực theo kiểu Dali mà thôi, còn trong tư duy, căn bản, vẫn chỉ là Tượng trưng...!



Ai dám nói hai bức tranh của Nguyễn Đình Đăng tôi đưa ra ở đây là Siêu thực?

...

Còn khinh triết học, còn không chịu đọc, hoạ sĩ Việt Nam sẽ còn mù lâu!