Thứ Bảy, 1 tháng 7, 2017

Khảo cổ học Nga: Crimea là dấu tích của đế chế Atlantis?

Duyên Linh

Đất Việt - Lục địa Atlantis có tồn tại hay không và nó nằm ở đâu trên Trái Đất là câu đố mà các nhà khoa học luôn mải mê tìm kiếm đáp án.

Ngày 30/6, hãng thông tấn TASS của Nga cho hay, các nhà khảo cổ ở Viện khảo cổ học St. Petersburg đã khởi hành một chuyến thám hiểm để khám phá về thành phố bí ẩn Atlantis (còn được gọi là lục địa hay đế chế Atlantis).

Sergei Solovyov, người đứng đầu của cuộc thám hiểm tiết lộ, kế hoạch của họ là định hình được thành phố này. Nhóm khảo cổ gia sẽ sử dụng hệ thống sonar hiện đại giúp định vị tìm kiếm dưới vùng nước sâu.

Các nhà khảo cổ Nga cho rằng, bán đảo Crimea có thể là phần sót lại của lục địa Atlantis, hay dấu tích của đế chế này có thể nằm phía Đông Crimea, hoặc đang chìm sâu một cách bí ẩn dưới đáy biển Đen.

Bắt đầu từ Crimea, các khảo cổ gia của Nga sẽ đi lần tìm dấu vết của thành trì huyền thoại này.


Cho đến nay vẫn chưa có bất cứ bằng chứng nào có thể chứng minh được sự tồn tại của lục địa Atlantis. Không ai biết được, Atlantis có thực sự từng tồn tại hay không và nó nằm ở đâu.

Dù vậy, những câu chuyện, những lời đồn về thành phố bí ẩn này vẫn tồn tại cùng với thời gian và các nhà nghiên cứu vẫn mải miết đi tìm dấu tích của nó.

Theo giả thuyết được nhiều người tin tưởng, Atlantis là miền đất hứa với thời tiết quanh năm thuận lợi, là kinh đô cổ xưa bậc nhất, phát triển thịnh vượng.

Vùng đất này được cho là hình thành từ hơn 11 nghìn năm trước, tuy nhiên, mãi đến những năm 359-347 (trước Công Nguyên - tức cách đây hơn 2.300 năm), mới có tài liệu ghi chép về nó.

Nhà triết học Hy Lạp cổ đại Plato chính là người đầu tiên cho bật mí về miền đất này. Ông cho hay, bản thân đã tận mắt nhìn thấy sự hoa lệ của nó.

Song, không ai chứng thực được việc thành trì này từng tồn tại, khi mà ngoài những ghi chép và lời truyền miệng từ xa xưa, thì không có bất cứ chứng cứ, dấu vết nào của nó.

Cả một lục địa hưng thịnh cổ xưa được cho là bỗng dưng biến mất một cách bí ẩn. Nhiều giả thuyết đưa ra về sự mất tích của nó để phù hợp với các ghi chép về sự tồn tại của nó.

Trong đó, thành phố Atlantis cơ bản được cho là bị nhấn chìm bởi một trận đại hồng thủy ở Đại Tây Dương, vì vậy mà nó vĩnh viễn không còn trông thấy bóng dáng.

Bấy lâu nay, nhiều nhà khảo cổ Nga vẫn hồ nghi rằng, thành đô này nằm đâu đó thuộc biển Đen hoặc Địa Trung Hải.

Theo các nhà nghiên cứu, vào khoảng hơn 5.600 (trước công nguyên), eo biển Bosporus bị chia tách vì trận lụt xảy ra ở khu vực biển Địa Trung Hải và biển Đen.

Sau trận lụt này, bên bờ biển Đen cũng hình thành nhiều nền văn minh phát triển rực rỡ. Các nhà khảo cổ Nga cũng đã từng tìm thấy những chứng tích dưới nước, cho thấy khả năng lớn đó là dấu vết của những tòa lâu đài, tòa tháp cổ xưa.


Những tìm kiếm văn hóa vật chất này khá tương đồng với những ghi chép của Plato về một thành phố Atlantis thịnh vượng, về trận đại hồng thủy kinh hoàng có thể nhấn chìm cả một miền đất...

Tuy nhiên, cũng có những giả thuyết lại cho rằng thành cổ này nằm ở Nam Cực, ở Ấn Độ Dương hay ở Đông Nam Á... Thậm chí, một nhóm nhà nghiên cứu Mỹ lại cho rằng tổ tiên của người Hy Lạp cổ đại chính là cư dân của thành phố Atlantis.