VNN - Không còn nghi ngờ gì nữa, tranh giả đã trở thành một nỗi lo lắng thường trực ở các cuộc trưng bày tranh của vài danh hoạ Việt Nam.
Vài cuốn sách được xuất bản trà trộn thêm tranh giả. Vài cuộc đấu giá chưa phân định được thật giả nhưng vẫn có người mua tranh. Và bây giờ vừa xuất hiện một phương thức mới của những kẻ giả mạo tranh. Đó là việc người ta tẩy xoá tên tác giả chính thức đi và kí thay vào đó một cái tên ăn khách hơn.
Cách nay vừa tròn một năm, hồi tháng 7 năm 2016 có sự kiện trưng bày tại Bảo tàng mỹ thuật TP Hồ Chí Minh với tiêu đề không kém phần “câu khách” “Những bức tranh trở về từ Châu Âu”. Triển lãm đã làm rung động giới mĩ thuật Việt với những bàn thảo tương đối gay gắt. Cuối cùng đi đến kết luận hầu hết số tranh được trưng bày là đồ giả. Trắng trợn nhất là bức tranh của hoạ sĩ Thành Chương được xoá chữ kí và thay vào đó bằng cái tên Tạ Tỵ.
Ông Thành Chương còn sống và bức tranh vẽ cô Kim Anh của ông theo lối lập thể là một bức tranh quá quen thuộc không chỉ với ông Chương. Vài người còn giữ được ảnh chụp bức tranh này treo trên tường nhà cụ Kim Lân khi Thành Chương còn sống ở đấy. Thế nhưng khi ông Chương lọ mọ vào tận triển lãm công bố những tài liệu và nguồn gốc bức tranh thì mới nảy sinh ra vấn đề không thể giải quyết được. Đó là triển lãm vẫn diễn ra bình thường. Chủ nhân của triển lãm sau khi đóng cửa đã mang tranh về. Không có một lời xin lỗi nào được đưa ra.
Tranh thật của họa sĩ Phạm An Hải (bức trên) và tranh giả (bức dưới). |
Cũng không có một kết luận nào của các cơ quan chức năng nhằm răn đe những trường hợp tương tự. Nghĩa là hoạ sĩ biết với nhau thế thôi chứ cũng không thể phản đối ai được. Chính xác là không có chỗ để “mách”. Cách không xa sự kiện nêu trên là cuộc bán đấu giá từ thiện một bức tranh vẽ phố của Bùi Xuân Phái. Nghe nói người mua đã phải bỏ ra vài tỉ để có được bức tranh này. Thế nhưng dưới con mắt của các hoạ sĩ từng xem và quen biết với Bùi Xuân Phái thì đó cũng là một bức tranh giả. Người chép lại có thể tay nghề khá cao nhưng vẫn không phải Phái.
Đã có những phân tích cặn kẽ trên các báo của các hoạ sĩ cho ta biết điều này. Nhưng sự việc cũng chỉ dừng ở chỗ “mách” với báo chí mà thôi. Tranh vẫn bán được và câu chuyện nhanh chóng chìm đi vô tăm tích.
Mấy hôm nay, một sự kiện nghiêm trọng khác lại vừa xảy ra. Một “nhà sưu tập” tương đối tiếng tăm ở Hà Nội vừa bán ra những bức tranh chẳng biết nên gọi thế nào. Tranh thật của một hoạ sĩ trẻ còn sống được kí thay tên của một hoạ sĩ còn sống khác để bán với giá của hoạ sĩ này. Chính "nhà sưu tập" này, còn bán 5 bức tranh giả cho một người mới mua tranh lần đầu, cái giá cũng không dễ chịu cho lắm, gần ba trăm triệu tiền thật mua phải toàn bộ tranh bị làm giả...
Rồi thì câu chuyện này cũng sẽ qua đi trong vòng vài tháng tới. Những câu chuyện tiếp theo sẽ không có gì khác và ngành nghề kinh doanh tác phẩm nghệ thuật của Việt Nam phải hứng chịu một thất bại to lớn khi vừa manh nha tiếp cận thị trường. Nhà nước và cụ thể ở đây là Bộ Văn hoá-Thể thao-Du lịch vẫn không có gì hơn ngoài bộ luật bản quyền đã cũ. Áp dụng nó cho nghệ thuật tạo hình rất mơ hồ và cũng chưa có bộ phận nào tiếp nhận những khiếu nại của hoạ sĩ nếu có.
Hoạ sĩ vốn là những người lơ đãng thường vẽ rất nhiều tranh đến mức không nhớ nổi. Việc đăng kí bản quyền với giá tiền 500 nghìn đồng cho một bức tranh dường như vượt quá khả năng của họ cả về tiền bạc lẫn thời gian. Đã thế, một bức tranh khi còn ở trong nhà họ luôn là đối tượng được vẽ thêm, chỉnh sửa cho đến tận cùng khả năng. Điều này hoàn toàn không thích hợp với việc mang ảnh nó đi đăng kí bản quyền khi rất có thể nó sẽ được chỉnh sửa không còn giống như trong ảnh.
Nhiều hoạ sĩ đã phải tự bảo vệ mình bằng cách lưu lại ảnh chụp, phác thảo của những tác phẩm đã bán đi phòng khi có tranh chấp bản quyền. Nhưng đó chỉ là biện pháp tự vệ khi hoạ sĩ còn sống. Ai sẽ bảo vệ cho những hoạ sĩ quá cố vẫn còn là câu hỏi cho đến tận hôm nay.