Thứ Năm, 7 tháng 8, 2014

Những cây cọ Việt trên đồi Montmartre

>> Lâu đài đôi hàng trăm tỷ xây cho quý tử của đại gia Ninh Bình


Tường An, thông tín viên RFA, Paris

Dù bị ảnh hưởng bởi nền kinh tế chung của Âu châu, nước Pháp là vẫn là một  địa điểm du lịch thu hút hàng chục triệu du khách mỗi năm, trong đó, đồi Montmartre là một điểm đến không thể thiếu trong chương trình thăm viếng. Đây cũng là nơi tập trung ngày càng nhiều hoạ sĩ Việt Nam vẽ chân dung cho du khách. 

Đồi Montmatre, lãng mạng và lôi cuốn

Từ không gian mở của đồi Montmartre, ở độ cao 130 mét, thủ đô của nước Pháp hiện ra lấp lánh như vãi kim cương giữa bóng tối huyền thoại của đêm Paris. Toạ lạc tại quận 18, đồi Montmartre là một địa điểm thu hút khoảng 10 triệu khách du lịch mỗi năm trong tổng số 83 triệu du khách của toàn nước Pháp.

Đời sống của ngọn đồi này được chia ra làm hai không gian rõ rệt: dưới chân đồi là nhà hát Moulin Rouge với quá khứ trên 125 năm và khu đèn hồng hối hả trong cuộc sống về đêm. Trên đỉnh đồi là nhà thờ Sacré Coeur của thế kỷ thứ 19 nhộn nhịp khách thập phương khi ánh sáng của một ngày mới bắt đầu, kéo dài cho đến khi chiều rơi trên những giàn nho với một lịch sử cũng già không kém tuổi của tu viện cổ kính này.

Vòng qua phía sau nhà thờ khoảng vài mét, du khách sẽ bất ngờ trước một không gian khác, nhộn nhã, thơ mộng và đầy nghệ sĩ tính có tên “Place du Tertre”, trong khoảng không gian 1000 mét vuông này là nơi hội tụ của gần 300 hoạ sĩ với trên 50 quốc tịch khác nhau. Trong hàng trăm họa sĩ chuyên cũng như không chuyên nghiệp đang chào mời khách thập phương, những du khách Việt sẽ vô cùng thú vị khi được làm quen với khá nhiều hoạ sĩ Việt Nam đang chăm chỉ hành nghề tại đó.

Hơn ai hết, hoạ sĩ cần một không gian mở, một thời gian không ràng buộc để dễ dàng biến ý tưởng của mình thành hình thể trên nền giấy hay vải lụa. Không bị lệ thuộc là lý do chính của đa số hoạ sĩ Việt Nam chọn Montmartre làm chổ dừng chân.

Một trong những hoạ sĩ đã làm việc lâu đời nhất tại đây cho biết:

Hoạ sĩ Toàn: Làm rất là dễ dàng, không có trách nhiệm, vẽ tuỳ theo hứng, không có ai ràng buộc. Muốn làm giờ nào thì làm, rất là tự do, rất là hợp với cá tánh của người hoạ sĩ nói riêng và người nghệ sĩ nói chung. Nhiều người ở đây học trường Cao Đẳng Mỹ thuật ra. Còn riêng tôi thì không. Từ trước đến giờ thích vẽ . Tình cờ lên đây thấy chỗ này làm việc rất thoải mái, vui vẽ nên không học nữa, làm ở đây luôn!

Đa số các hoạ sĩ xuất thân tử trường Mỹ thuật, vài trường hợp ngoại lệ như hoạ sĩ Toàn học nghề điện tử hay hoạ sĩ Thành, qua Pháp năm 1972 học ngành thiết kế, sau năm 75, một dịp ghé thăm đồi Montmartre,, bị cuốn hút bởi không khí nghệ sĩ ở đây, ông đã chuyển nghề và trở thành hoạ sĩ chuyên nghiệp tại đây từ hơn 20 năm nay, hoạ sĩ Thành nói:

Hoạ sĩ Thành: Cũng thích nghề tự do, lúc thoải mái thì làm lúc không thoải mái thì nghĩ. Cũng là một nghề chính  nhưng mà làm theo mùa thôi, 6-7 tháng thôi. Mùa đông thì khách ít hơn, mùa đông thì không có làm nhiều, mùa đông chỉ làm những ngày thứ bảy, chúa nhật thôi nên tụi này lợi dụng để làm những chuyện khác như : vẽ tranh, phát hoạ…..

Tự do là ý tưởng đầu tiên khi các nghệ nhân này đặt giá vẽ xuống những viên gạch gồ ghề của quảng trường Tertre. Ở đây, nếu muốn, họ có thể làm 12 tháng trong một năm, 24 giờ trong một ngày mà không sợ phạm luật lao động. Trên thực tế, họ chỉ làm việc trong 6 tháng hè, trong những ngày nắng ấm. Các ngày mùa đông lạnh lẽo thì tây chân cóng, không thể vẽ được, họ làm việc trong các galeries để chuẩn bị cho những cuộc triển lãm cá nhân.

Hoạ sĩ Châu: Chúng tôi là hoạ sĩ, tương lai là triển lãm, trong khi đó, có cái gì để duy trì được đời sống, thành ra place này là một chỗ tự do hơn để kiếm một số tiền để sống và chuẩn bị cho buổi triển lãm trong tương lai, thành ra rất là gay go, chứ không đi làm hảng xưởng được.

Những buổi sáng, buổi chiều chăm chỉ bên giá vẽ, ngoài sự tự do của một nghệ nhân, còn là hành trình chuẩn bị cho một điểm đến đầy sáng tạo mà hoạ sĩ Trần Liêm theo đuổi trong suốt cuộc đời ông: đi tìm một trường phái mới cho ngành hội hoạ:

Hoạ sĩ Trần Liêm: Tôi chọn đời sống làm việc ở đây là vì nó sẽ giúp cho mình có rất nhiều thời gian, thời gian đó là thời gian mình làm ở đây để kiếm sống, để mua vật liệu. Nhưng cái quan trọng nhất là thời gian mình làm ở đây chỉ đủ đế sống thôi còn dành thời gian để đi sáng tạo và tìm trường phái mới. Cái quan trọng là tìm được trường phái mới.

Cạm bẫy ở Montmartre

Số hoạ sĩ về đây ngày càng nhiều. Trên mặt bằng 1000 m² chỉ đủ chổ cho khoảng 150 hoạ sĩ trong tổng số 298 cây cọ. Trong đó có khoảng 11 cây cọ Việt. Do việc kiếm tiền khá dễ dàng nên sự cạnh tranh cũng lớn. Ai nghĩ rằng nghệ sĩ không cạnh tranh như một doanh nhân ? Hoạ sĩ Thành nói:

Hoạ sĩ Thành: Khó khăn thì cũng có như việc cạnh tranh ở đây là cái khó khăn, nhưng cái thuận lợi ở đây là nghề vẽ ở đây mình muốn làm lúc nào mình làm, tuỳ ngày, tuỳ bữa, muốn lên làm lúc nào thì lên.

Màu sắc của quảng trường du Tertre được tạo nên bởi tranh sơn dầu, màu nước, hí hoạ, cắt hình đen trắng ( silhouette) .v.v… Tuy nhiên, kiếm ra tiền nhất vẫn là nghề vẽ chân dung bằng chì.  Mỗi tấm chân dung có giá rất dao động, có thể từ 15 đến 50 euro hay hơn nữa, tuỳ theo mùa, tuỳ theo khách hàng và tuỳ cả cảm hứng của hoạ sĩ! Làm thế nào để có thể kiếm tiền từ một bức chân dung của một khách hàng không được đẹp ? hoạ sĩ Toàn chia sẻ kinh nghiệm của ông:

Hoạ sĩ Toàn: Người Á châu mình thì hơi khó đó. Tại du khách tới đây là thường thường kiếm người hoạ sĩ Pháp, nhưng mà mình thì họ biết không phải người Pháp nên mình phải vẽ cái gì hay thì họ mới cho mình vẽ.  Nhiều người khách vẽ thì chê từ đầu tới cuối nên mình vẽ rất là hồi hộp, mà mình càng hồi hộp thì mình càng vẽ hư.  Hồi mới làm, mình vẽ theo cái gì mình thấy, mình thấy người ta xấu, mình vẽ ra xấu. Bây giờ thì có kinh nghiệm rồi, khôn ngoan lên rồi, người ta xấu mình cũng vẽ ra đẹp, để người ta thích ! »

Khởi đầu từ thế kỷ 18 bởi chính các hoạ sĩ, nhiều hoạ sĩ của nền hội hoạ thế giới như Picasso, van Gogh, Monet, Renoir… đã  nổi tiếng từ góc nhỏ lịch sử này. Tại đây, bước chân của các hoạ sĩ lừng danh đã để lại dấu ấn trong những con hẻm đầy hoài niệm. Ngày nay, place du Tertre đã thuộc quyền quản lý của thành phố. Mỗi hoạ sĩ  phải đóng một số tiền rất nhỏ khoảng 277 euro một năm để sở hữu 1 mét vuông cho giá vẽ của mình. Nhiều hoạ sĩ phải đợi 7-8 năm khi có 1 hoạ sĩ về hưu để có một chổ cho mình,  20-30 người dành nhau một chổ, phải thi tuyển. Nhiều người đã phải cùng chia đôi một chỗ: người vẽ buổi sáng, kẻ hành nghề buổi chiều. Tuy vậy, người sĩ quan hải quân VNCH, cựu sinh viên trường đại học Bách Khoa Trần Liêm không hối hận về sự chọn lựa này:

Hoạ sĩ Trần Liêm: Trong suốt tiến trình tôi làm việc, không bao giờ tôi hối hận, ngay cả hồi tôi ở bên Việt Nam. Sau khi điêu khắc gia Lê Thành Nhân về trường Mỹ thuật Bình Dương dạy thì đã mở một cánh cửa mới cho chúng tôi là : Phải đi tìm những trường phái mới. Và suốt trong cuộc đời của tôi , hơn 40 năm là luôn luôn lúc nào cũng phải suy nghĩ là đi tìm những trường phái mới cho hội hoạ Việt Nam để đóng góp vào hội hoạ thế giới. Và trong suốt 40 năm đó tôi chỉ vẽ theo trường phái biểu hiện và luôn luôn ý thức rằng là mình chỉ đi theo gót chân của những bậc thấy trên thế giới. Vào năm 2005 tôi đã đưa ra một trường phái mới. Trong 50 năm qua, trên thế giới chưa có một trường phái mới nào cả. Trường phái mới tôi đưa ra là: không gian 5 chiều »

Làm việc tại quảng trường Tertre,  mục đích ban đầu của hầu hết hoạ sĩ là chỉ để nuôi sống bản thân, cuộc đời nhỏ tại quảng trường này chỉ là để chuẩn bị cho một hoài bão lớn hơn: một cuộc triển lãm tranh của chính mình,  do mình sáng tạo chứ không phải để làm vừa lòng một khách hàng khó tính. Tuy nhiên, cuộc sống đời thường đã làm cho hầu hết hoạ sĩ quên đi mục đích ban đầu của mình và bị cuốn hút vào không khí đầy mời gọi của Montmartre.

Hoạ sĩ Trần Liêm: Hồi xưa, nhiều người sống khổ lắm. Nhờ ở đây làm việc có tiền, nhờ có tiền mới đưa qua sáng tạo dễ dàng hơn. Nhưng ở đây cũng là cái cạm bẩy, cái cạm bẫy là những người học ở trường Mỹ thuật ra, đi lên đây, thay vì làm đủ tiền thôi và bỏ cuộc đời mình ra để sáng tạo, để tìm trường phái mới đóng góp vào hội hoạ của thế giới. Nhưng khi họ tới đây rồi, họ lo làm kiếm tiền, quên luôn chuyện con đường sáng tác để tìm ra trường phái mới. Đó là cái cạm bẫy. Mà cái cạm bẫy ở đây là 99 % đều là như vậy »

Nhiều hoạ sĩ bị cuốn hút vào cuộc sống và những món tiền hời của du khách mà quên đi niềm ước vọng của thưở ban đầu của tâm hồn nghệ sĩ, trong 99% đó, có anh Toàn:

Hoạ sĩ Toàn: Hồi trẻ, lúc mới lên đây lúc nào cũng có nguyện vọng là sẽ trở thành một người hoạ sĩ nổi tiếng nên ráng vẽ tranh để triển lãm. Nhưng được vài ba năm thì thấy không thể nào thành công về cái vẽ tranh, chỉ có vẽ chân dung mới kiếm được tiền, ngoài ra hoạ sĩ thì không kiếm được tiền. Bây giờ chỉ có muốn vẽ chân dung. Còn vẽ tranh thì … nghĩ luôn….

Khởi đầu, đặt chân đến Montmartre chỉ như một thử nghiệm. Thế mà đã gắn liền cuộc đời mình với quảng trường nhỏ này thấm thoát hơn 30 năm, hoạ sĩ Châu thú nhận:

Hoạ sĩ Châu: Đã đi vào con đường nghệ thuật thì dự tính tương lai là triển lãm chứ không phải vẽ như thế này, thành ra cái này là cái tạm thời, nhưng mà cái tạm thời này cũng kéo dài mấy chục năm rồi!

Vào những năm ánh sáng rực rỡ của mùa hè đậu dài hơi trên đồi Monmartre, cộng với thật nhiều may mắn, một hoạ sĩ có thể kiếm được 30.000 trong năm đó. Tuy nhiên, đó vẫn không là lý do để hoạ sĩ Toàn khuyên con mình hay bất cứ ai đi vào con đường nghệ thuật này.

Hoạ sĩ Toàn: « Tôi sẽ khuyên nó đừng làm nghề này, rất là khó khăn, chưa chắc kiếm được hai chén cơm. Nếu mà may mắn thì kiếm tiền cũng rất là khá. Nhưng nếu mà xui, vẽ không có khách thì chắc làm nghề khác có lý hơn…(cười !)