Thứ Tư, 18 tháng 3, 2015

Hà Nội đốn hạ 6.700 cây xanh để làm gì?

>> Căn hộ nhỏ dưới 33m² nhưng không có gì để chê


Đ.Tâm

VNN - "Phải mất hàng chục năm, thậm chí hàng trăm năm chúng ta mới có được những hàng cây đẹp như thế. Có những hàng cây đã thành biểu tượng, là dấu ấn của Hà Nội. Giờ chặt hết, Hà Nội còn lại gì ngoài bê tông? Khẩu hiệu 'vì sự nghiệp 10 năm trồng cây' từ nay có lẽ cũng sẽ không còn nữa", bạn Hoàng Phú đặt câu hỏi đầy tiếc nuối.

Theo kế hoạch, Hà Nội sẽ chặt hạ, thay thế 6.700 cây xanh trên nhiều tuyến phố khiến hàng triệu người không khỏi xót xa, tiếc nuối. Lãng phí, vội vàng là những cụm từ người dân nói về kế hoạch này.

Sẽ có 6.700 cây xanh trên tổng số gần 30.000 cây xanh tại 10 quận nội thành của Hà Nội bị đốn hạ, thay thế từ tháng 3/2015.

Ngay sau khi quyết định trên được đưa ra, một trang fanpage phản đối đã được lập ra, thu hút hơn 5.000 lượt like chỉ trong vòng 15 tiếng đồng hồ.

Trồng chục năm, phá 1 giờ

Trên khắp các diễn đàn, người dân đều không giấu khỏi sự bàng hoàng, tiếc nuối trước quyết định sẽ chặt hàng ngàn cây xanh của TP.Hà Nội.

Họ không khỏi băn khoăn rằng, tại sao lại phải chặt bỏ, thay thế cả những phượng, bằng lăng, liễu, bàng... còn đang sung sức, không ảnh hưởng đến giao thông như trên phố Lê Duẩn, Trần Nhân Tông, Trần Duy Hưng... để trồng đồng bộ cây vàng tâm... bằng nguồn xã hội hóa.

"Đau lắm khi đứng đón con trước cổng trường trên phố Quang Trung nhìn những gốc cây 3-4 trẻ mới ôm hết gốc giờ chỉ còn là cái hố sâu hoắm. Rồi đây các con sẽ là những người đầu tiên phải hứng chịu hậu quả của việc không còn tán cây xanh trước cổng trường" - chị Hoàng Minh Phượng đã phải thốt lên.

"Mình đi học ngay Nguyễn Thái Học, mấy cái cây ấy giờ đã trở thành một phần tuổi thơ mình rồi. Nếu cứ như thế này thì Hà Nội sẽ không còn cây xanh mất. Đừng chặt cây!", bạn Trang Lê khẩn thiết.

Cây xanh bị đốn hạ, đồng nghĩa lá phổi xanh của thành phố bị đe dọa. Nhiều người không khỏi lo ngại về tình trạng ô nhiễm, nóng bức tại thủ đô sẽ gia tăng trong mùa hè tới khi nhiều tuyến phố bị "trọc đầu".

"Phải mất hàng chục năm, thậm chí hàng trăm năm chúng ta mới có được những hàng cây đẹp như thế. Có những hàng cây đã thành biểu tượng, là dấu ấn của Hà Nội. Giờ chặt hết, Hà Nội còn lại gì ngoài bê tông? Khẩu hiệu 'vì sự nghiệp 10 năm trồng cây' từ nay có lẽ cũng sẽ không còn nữa", bạn Hoàng Phú đặt câu hỏi đầy tiếc nuối.

Từng cây, từng cây... gục xuống nhưng không có người dân nào được hỏi ý kiến. Câu hỏi lớn nhất là tại sao phải thay thế đồng loạt và tại sao phải là "đồng phục" vàng tâm vẫn chưa được trả lời có trách nhiệm.

"Có cần thiết phải "đồng phục" hóa cây xanh không, những loại cây nào sẽ bị thay thế và tại sao cần phải thay thế? Loại cây mới được trồng có những ưu nhược điểm gì, có phù hợp với môi trường Hà Nội không?", admin fanpage '6.700 người vì 6.700 cây xanh' đặt hàng loạt câu hỏi.

Cần nghiên cứu

Cụm từ "thí điểm" tưởng như được quán triệt sâu rộng nay bỗng thành ngoại lệ. Hà Nội ra quyết định thần tốc và quyết liệt - không cần thí điểm.

Đánh giá về quyết định chặt cây, bạn Bùi Diệp Thủy cho rằng: "Quá lãng phí !Hãy dùng kinh phí thay thế cây cho việc khác hữu ích hơn! Hãy để cho những hàng cây giữ nguyên vị trí của nó!".

Cho rằng việc trồng rồi lại phá đơn giản, nhưng trồng để có tầm nhìn mãi mãi thì bạn đọc Hoàng Nam cho rằng cần phải có nghiên cứu khoa học thực sự. Tại sao lại phải chặt những loại kia và tại sao phải trồng loại mới?

Có chung thắc mắc, anh Huy Đức nêu câu hỏi: "Hà Nội có 4 mùa, nóng có, lạnh có, nắng có, mưa bão có. Mỗi con đường đều có nhiều loại cây đẹp nổi bật khi thi nhau thay áo cho phố xá từng mùa, bây giờ thay vàng tâm sẽ đẹp cả 4 mùa ư? Nó tạo ra hiệu ứng đặc biệt gì chăng?".

Nhìn ở khía cạnh quy hoạch, anh Hoàng Hữu Tài nêu ý kiến "Cần phải có giải pháp hợp lý, không thể nói chặt là chặt được. Ví dụ đã nghiên cứu ra cây mới thì phải chỉ ra nó ổn chỗ nào? Nếu ổn thì đáng ra phải trồng từ 5 năm trước rồi hãy chặt cây cũ. Những cái này lẽ ra phải đưa ra công khai để dân và các chuyên gia phản biện đã".

Việc thay thế một loại cây mới khi chưa được nghiên cứu cụ thể, anh Nguyễn Dương lo ngại khó tránh khỏi tình trạng trồng lại chặt, thêm nữa việc trồng đồng bộ duy nhất 1 loài cây có thể gây những hậu quả môi trường sinh thái.

Anh Dương đề nghị cần trồng thí điểm một thời gian. Nếu không, khi nảy sinh vấn đề sẽ lại phải chặt hạ tất cả các cây mới, khi đó sẽ là tổn thất vô cùng to lớn.

Liên hệ thực tế với Singapore, chị Nguyễn Mai cho biết, ở bên đó cây xanh rất được quý trọng. Nếu làm nhà hay đường mà vướng nơi có cây, cần phải xin ý kiến thành phố hoặc thiết kế thế nào để bảo toàn được cây.

Nếu không thay đổi được thì phải chịu phạt 6.000$/ cây nhỏ, cây càng lâu càng nhiều tiền. Và khi đền tiền xong, thành phố không chặt mà họ mang máy xúc, máy đào đến, khoanh vùng đất cây trồng, dời cây đến một nơi khác.

Sinh sống tại Đức, chị Ngọc Thúy cũng cho biết, tại quốc gia này, người dân không được tùy tiện chặt, phá cây kể cả cây trồng trong vườn nhà mình nếu đường kính của cây đó trên 50cm.

Nếu chủ nhà có cây to trước cửa vì lý do nào đó muốn chặt cũng phải xin phép nhà chức trách và lấy chữ ký của những người sống quanh khu nhà. Còn với cây trồng ở nơi công cộng và cây rừng do Nhà nước quản lý thì dù khu cây xanh ở đâu được chính quyền “quyết phá” nếu như dân chúng không đồng ý thì cũng khó thực hiện.