(TBKTSG) - Khoe em mấy tấm ảnh xem triển lãm ở Bảo tàng Louis Vuitton. Em ngạc nhiên: “Cái brand đó có bảo tàng to vậy sao? Những thương hiệu khác có không chị? Chắc họ trưng bày sản phẩm nhiều lắm?”. Em nghĩ giống người viết, và phần đông tư duy phản xạ thương hiệu (phải) đi kèm sản phẩm. Nhưng không kèm, mới... siêu!
1. Thực ra tác phẩm kiến trúc kỳ vĩ giữa rừng Boulogne có tên Fondation Louis Vuitton khánh thành từ tháng 10 năm ngoái với sự tham gia của Tổng thống Pháp François Hollande, nhưng người viết bài chưa đi vì ỷ lại kề cận và muốn đợi chương trình thật thích. Nay nó đã đến. Đó là cuộc triển lãm mang tên Les clefs d’une passion (Những chìa khóa của đam mê ) diễn ra từ tháng 3 đến tháng 7. Với triển lãm này, bảo tàng trưng bày 60 tác phẩm tiêu biểu cho nghệ thuật hiện đại nửa đầu thế kỷ trước, của 24 tác giả tranh, tượng nổi tiếng như Matisse, Mondrian, Delaunay, Kandinsky, Monnet, Bonnard, Brancusi, Léger, Picasso, Picabia, Bacon...
Kỳ công của triển lãm là đã mượn được tác phẩm từ hơn 40 bảo tàng thế giới: Guggenheim và MoMA ở New York, MoCA ở Los Angeles, Tate Modern và National Gallery ở London, Ermitage ở Saint Petersburg, Pushkin ở Moscow, Gemeentemuseum ở The Haye, Narodni ở Prague, National Gallery of Victoria ở Melbourne... Phải nói rằng từ hơn hai mươi năm nay, đại gia Bernard Arnault - ông chủ Louis Vuitton nổi tiếng là mạnh thường quân hàng đầu của các hoạt động bảo tàng thế giới, nên khi đến lượt ông tổ chức triển lãm các bảo tàng không thể không đáp lễ. Đặc biệt Arnault đã mượn được một số tác phẩm mà lâu nay không rời khỏi bảo tàng gốc, như Tiếng thét của Edvard Munch thuộc Bảo tàng Oslo, Điệu múa của Matisse thuộc Bảo tàng Ermitage hay Người đi bộ của Giacometti thuộc Bảo tàng Maeght. Ngoài quan hệ qua lại, việc mượn tranh, tượng vẫn phải có thêm đảm bảo tài chính. Được biết giá trị bảo hiểm các tác phẩm trưng bày lên đến 1 tỉ euro, đó là lý do mỗi gian triển lãm có hai người giám sát, riêng bức Tiếng thét - từng bị cắp năm 2004 - phải lộng kính và có người túc trực.
2. Xem tranh quý dĩ nhiên, nhưng với nhiều khách đến đây còn để chiêm ngưỡng một công trình ấn tượng đúng như ý nguyện của kiến trúc sư làm ra nó: “Tôi muốn tạo ra ấn tượng lập tức”. Được xây dựng năm 2008 với kinh phí 143 triệu đô la Mỹ, tòa nhà của Frank Gehry - cũng là tác giả Bảo tàng Guggenheim Bilbao ở Tây Ban Nha - là trung tâm văn hóa nghệ thuật đương đại với những tác phẩm thuộc bộ sưu tập của Bernard Arnault. Tư liệu lưu trữ cho thấy Gehry rất dè dặt khi nhận dự án, bởi công trình này nằm trên công viên rừng Boulogne thiêng liêng với người Pháp, nếu thất bại, ở tuổi 85, Gehry sẽ chìm trong “nước bẩn” những năm sáng tạo cuối đời. Nhưng ngôi nhà rốt cuộc không chỉ được khen, mà còn được xem như tác phẩm xuất sắc nhất của kiến trúc sư quốc tịch Mỹ, Canada lừng danh thế giới.
Với chủ đề biển cả và bốn vật liệu cơ bản - thép, đá, gỗ, kính - Fondation Louis Vuitton 11.000 mét vuông có dáng vẻ con thuyền đang lướt sóng, với mười hai “mái che - cánh buồm” khỏe khoắn. Các mái che cũng cho cảm giác như những đám mây uốn lượn bồng bềnh. Lại cũng như đóa sen trên mặt nước... Dù thuyền, mây, hay hoa, Gehry cũng cho thấy ông là bậc thầy của tính lưu động trong kết cấu không gian, ánh sáng và nghệ thuật thị giác. Nếu bên ngoài mang vô số đường nét lung linh đôi khi như điêu khắc, thì không gian triển lãm bên trong lại thẳng trơn tối giản. Đây là dụng ý của Gehry và Arnault nhằm tôn vinh tuyệt đối các tác phẩm nghệ thuật, không phân tán cái nhìn. Biến hóa thực thể và hình phác thảo lưu trữ cho thấy tòa nhà được xây dựng theo đúng chủ nghĩa “vô thể thức” mà Gehry đeo đuổi. Ra đời nhằm lưu giữ các tác phẩm nghệ thuật độc đáo, nhưng bản thân Fondation Louis Vuitton đã trở thành tác phẩm nghệ thuật quan trọng ngang hàng với những gì dung chứa bên trong. Được xây trên đất công bằng quỹ riêng, Fondation Louis Vuitton sẽ là “quà” cho thành phố sau 55 năm hoạt động.
3. Có giá trị tài sản ước tính lên tới 41 tỉ đô la Mỹ, người đàn ông giàu nhất châu Âu Bernard Arnault không chỉ là doanh nhân kiệt xuất mà còn là quý ông tiêu biểu với phong cách sống tinh tế, hiểu biết và tình yêu nghệ thuật. Arnault được kính trọng không chỉ bởi khả năng hoạch định tài chính cho đế chế LVMH gồm 60 thương hiệu nổi tiếng thế giới, mà còn bởi niềm đam mê đối với công việc “đại sứ của di sản và văn hóa Pháp”, như ông vẫn nói.
Ngoài đam mê kinh doanh, Arnault còn là nhà sưu tập nghệ thuật lớn với các bộ sưu tập quý giá của Picasso, Klein, Moore, Warhol... Arnault cũng có công rất lớn trong việc xây dựng LVMH như người bảo trợ chính của nghệ thuật tại Pháp. Cùng với Gehry, ông muốn biến Fondation Louis Vuitton thành một trong những không gian nghệ thuật quan trọng nhất thế giới ở Paris. Không chỉ vinh quang, công dân Pháp hiếm hoi có tầm ảnh hưởng toàn cầu Bernard Arnault cũng gặp thị phi khi xin quốc tịch Bỉ nhằm tránh chính sách thuế thừa kế của Pháp “không thích hợp với gia đình”. Nhưng đó là đề tài khác.
4.Trong một bài báo, tác giả Lê Đăng Doanh viết rằng: “Bên cạnh những người giàu lên bằng kinh doanh chân chính, rất đáng trân trọng, đáng tiếc đã xuất hiện những “doanh nhân trọc phú”, giàu lên chủ yếu nhờ vào mối “quan hệ”, khai thác tài nguyên, đất đai của đất nước (...). Một số người rất thích khoe giàu bằng chưng diện siêu xe, nhà ở như cung điện, nuôi bồ nhí chân dài, thay nhiều đời vợ, nổi tiếng vì uống rượu ngoại đắt tiền, tiêu xài xa xỉ... và luôn thu hút sự chú ý của báo chí lá cải bằng những hành động hợm hĩnh”.
Vâng, đại gia Việt Nam gần đây rất nhiều, họ sắm siêu xe, xây siêu dinh cơ... ; nhưng đại gia hiểu biết, quan tâm thật sự tới văn hóa thì rất hiếm. Và để “hình thành một tầng lớp doanh nhân có trí tuệ, có văn hóa, làm giàu cho mình và đóng góp cho đất nước, đồng bào” như ông Lê Đăng Doanh nói, hẳn đòi hỏi nhiều biến cải.
Người viết bài này không phải là khách hàng của Louis Vuitton, nhưng xin rạp mình kính nể đại gia kiêm đại sứ văn hóa này.