Thứ Năm, 17 tháng 9, 2015

Đường xá và cống ngầm

Thân Hồng Linh

VNExp - Khi còn là cậu bé mười mấy, say sưa đọc "Những người khốn khổ" của Victor Hugo, với trí tưởng tượng của một cậu bé, tôi không thể hiểu nổi tại sao người ta có thể sống ở dưới mặt đất, trong những đường cống ngầm mà tôi hình dung phải ngập đầy nước bẩn.

Mãi đến khi được xem bộ phim “Những người khốn khổ” tôi mới biết, hệ thống cống ngầm ở Paris nó vĩ đại thế nào. Sau này, mỗi lần đi công tác ở Tokyo, tôi thường thích thú đứng ở những nhà ga tàu điện ngầm ngắm nhìn đời sống, thói quen sinh hoạt của người dân ở đó. Họ như những đàn kiến khổng lồ, chui lên từ những cửa ga ngầm và mọi di chuyển, sinh hoạt ăn uống mua sắm đều diễn ra dưới lòng đất. Các chuyên gia của họ đưa tôi xuống tận tầng thứ năm của các hệ thống công trình ngầm để xem xét tham quan. Tôi nhận thức được rằng, dưới những con đường, ngôi nhà kia là cơ man các hệ thống hạ tầng thiết yếu: điện, truyền thông, tàu điện và tất nhiên là hệ thống cấp thoát nước.

Tôi và cô con gái 13 tuổi có sở thích cùng Google map đánh dấu những nơi đã đi qua. Xem bản đồ Paris, cháu thốt lên: "Đường phố khoa học và ngăn nắp thế bố nhỉ!". So sánh với Hà Nội, cháu chỉ vào những chỗ đậm đặc nhà và thắc mắc: "Sao những chỗ này không có đường xá, họ đi lại thế nào hả bố?". Tôi chợt giật mình về câu hỏi của cháu. Thú vị hơn, tôi phát hiện ra sự tương đồng trong cảm nhận của hai đứa trẻ - tôi ngày xưa và con gái bây giờ về một vấn đề rất cốt lõi của bất cứ thành phố nào nhưng từ hai cách tiếp cận. Tôi thì về những gì phía dưới lòng đất - hệ thống công trình ngầm, còn con gái là những gì nổi bên trên - hệ thống đường xá. Và hơn hết, để trả lời được câu hỏi trên là cả một vấn đề rất nặng chuyên môn.

Mấy ngày vừa qua, trên các phương tiện truyền thông tràn ngập hình ảnh tắc đường, úng ngập ở Hà Nội và TP HCM. Điều đó dễ hiểu, chúng bắt nguồn từ nguyên nhân rất cơ bản: đô thị của Việt Nam đang rất thiếu đường và đi kèm nó là các hệ thống công trình ngầm. Hãy thử học cô bé 13 tuổi, vào Google map, chúng ta dễ dàng nhận thấy sự mất cân đối và thiếu hụt trầm trọng của đường xá cũng như hạ tầng ngầm của thành phố. Bộc lộ điểm yếu cốt tử bắt nguồn chính từ lịch sử phát triển từ làng lên phố của bất cứ đô thị nào ở nước ta hiện nay. Đô thị hóa đã đẩy các làng nội thị, các tiểu khu dân cư phải nhanh chóng chuyển mình "lên phố". Những con đường làng, đường tiểu khu nhỏ bé ngày nào vốn chỉ phục vụ cho mật độ dân cư thưa thớt. Những hệ thống cống rãnh trước đây làm nhiệm vụ thoát nước nhẹ nhàng, chủ yếu gom nước để đổ ra ao hồ, kênh rạch và vốn dĩ tự phát. Những con đường đó, những hệ thống cống rãnh chật hẹp đó vốn được sinh ra không có bất cứ định hướng nào nay đang phải oằn mình tải sức nặng công suất vượt quá khả năng. Con người thiếu đường chen chúc, nước thiếu chỗ thoát cũng tràn cả lên đường. Tắc đường, úng ngập là điều không thể tránh, tất yếu phải xảy ra.

Đảm bảo cho sự di chuyển của con người, phương tiện đến từng ngóc ngách của thành phố, không phải vô cớ khi người ta ví von hệ thống đường xá như là mạch máu giao thông. Bên cạnh đó, hệ thống công trình ngầm với chức năng thoát nước và cung cấp hạ tầng nằm ngay dưới những con đường cũng cần được xem như một hệ thống mạch máu khác. Chúng như hệ tuần hoàn mà đường xá là động mạch và công trình ngầm là tĩnh mạch. Chính vì vậy hệ thống đường xá và công trình ngầm là hai yếu tố cơ bản trong hạ tầng của bất cứ đô thị nào. Như một cơ thể sống, đô thị rất cần phải có một hệ thống tuần hoàn khỏe mạnh.

Thật vô lý đến mức kỳ lạ là sau 60 năm ở Hà Nội, 40 năm ở TP HCM, dân số đã tăng gấp 3-5 lần, mật độ xây dựng tăng tương ứng, nhưng hệ thống đường chỉ tăng gấp đôi còn hệ thống cống ngầm hầu như không tăng.

Diện mạo của một thành phố chính là những con đường, nó quyết định sự văn minh, khang trang của đô thị. “Sức khỏe” của một thành phố nằm ở hệ thống cống ngầm, nó khiến cuộc sống của người dân trở nên dễ chịu một cách đương nhiên, hay chịu đựng như chung sống với thảm họa do nhân tai.

Trước khi chồng lên những cao ốc ngất ngưởng ken đặc trong lòng thành phố chật chội, hãy nghĩ đến những con đường và những cống ngầm.