Petrotimes - “Chiếc áo không làm nên thầy tu” – trụ sở chính quyền to, không phải là nơi ấy đã giàu có.
Mặc dù, nền kinh tế đang phục hồi nhanh, nhưng tình hình ngân sách nhà nước đang khó khăn, và tiếp tục khó khăn trong những năm tới. Chính phủ đã phải vay Ngân hàng Nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng, và một khối lượng ngoại tệ không nhỏ. Chính vì thế, mà việc tăng lương cho đội ngũ công chức đã phải chậm lại. Và gần đây, cụm từ “phải thắt lưng buộc bụng”, “cắt giảm chi tiêu công”… liên tục được nhắc đến…
Thiết tưởng, những người lãnh đạo nhiều tỉnh, thành, của bộ nọ, ngành kia là phải hiểu hơn ai hết cái túi tiền của chúng ta còn bao nhiêu, và phải biết chia sẻ khó khăn này với Chính phủ.
Nhưng nhiều người hình như không đếm xỉa đến những khó khăn vì ngân sách, vì thế, họ vẫn vẽ ra nào là dự án xây dựng tượng đài, nào là xây dựng khu trung tâm hành chính; xây dựng mới trụ sở cho cấp này, cấp khác.
Có thể lấy ví dụ: Tỉnh Nghệ An đã đồng ý với phương án xây dựng tòa nhà khu hành chính tập trung sở, ngành gồm 2 tòa tháp cao 2 tầng. Chi phí dự kiến của dự án khoảng 2.178 tỷ đồng. Khu đất để xây dựng khu mới này này rộng chừng 52.000m2, nằm gần trụ sở ủy ban tỉnh, tỉnh ủy. Trụ sở UBND tỉnh mới được đưa vào sử dụng tại tòa tháp cao 11 tầng với kinh phí khoảng 365 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách.
UBND tỉnh Khánh Hòa cũng vừa có văn bản chấp thuận cho 2 tập đoàn xây dựng Trung tâm hành chính tỉnh theo hình thức BT (Xây dựng- chuyển giao). Trung tâm hành chính này có tổng diện tích gần 127ha thuộc KĐT hành chính tỉnh Khánh Hòa phía Tây TP Nha Trang.
Khu đô thị hành chính mới tỉnh Khánh Hòa nằm trên địa bàn xã Vĩnh Thái, với diện tích khoảng 126 ha. Khu đô thị này được phân làm 2 khu, gồm: trung tâm hành chính tập trung (37 ha) và khu nhà ở thương mại dịch vụ, văn phòng (89 ha).
Dự án làm theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao), không sử dụng vốn ngân sách Nhà nước. Tổng vốn đầu tư dự án khoảng 4.300 tỷ đồng, trong đó, kinh phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho khu vực hành chính và các cơ quan hành chính tập trung khoảng 3.000 tỷ đồng.
Theo quy hoạch của Viện Quy hoạch Đô thị - nông thôn Quốc gia (Bộ Xây dựng), trung tâm hành chính tỉnh Khánh Hòa được lấy ý tưởng là hình tượng “tổ yến”. Theo đó, “Tòa nhà chính quyền được tạo hình khối lớn như một quả trứng khổng lồ đang nở. Không gian xung quanh tòa Nhà Trứng Lớn được trang trí cảnh quan bằng các nét xước lớn trắng như sợi dãi yến”.
Trong đó, trung tâm hành chính rộng gần 37 ha. Viện Quy hoạch đô thị - nông thôn quốc gia đang hoàn thiện quy hoạch khu đô thị hành chính của tỉnh này. Hai đơn vị thực hiện dự án là liên doanh tập đoàn Phúc Sơn và tập đoàn FLC.
Mặc dù dự án này được thông báo là “không sử dụng vốn ngân sách Nhà nước”, nhưng chắc chắn là lãnh đạo tỉnh không làm ra tiền, mà là tiền từ ngân sách tỉnh, là tiền của dân, của doanh nghiệp đóng thuế. Cho nên, dù là tiền từ nguồn nào, thì cũng phải biết chắt bóp trong hoàn cảnh này.
Tỉnh Hải Dương cũng vừa mới được đồng ý về nguyên tắc áp dụng hình thức BT để thực hiện Dự án Khu hành chính tập trung. Chính phủ đã yêu cầu UBND Hải Dương tiếp thu ý kiến các Bộ, chịu trách nhiệm toàn diện làm rõ, quản lý chặt chẽ tài sản nhà nước sử dụng để hoàn vốn cho Hợp đồng BT. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đã hướng dẫn UBND tỉnh Hải Dương thực hiện, bảo đảm chặt chẽ theo quy định pháp luật về đầu tư, về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và các quy định liên quan.
Chưa rõ Dự án hết bao nhiêu nghìn tỷ đồng, nhưng con số chắc chắn không nhỏ. Cái lý do họ đưa ra để xây trụ sở mới thì chắc chắn là rất nhiều và nơi nào cũng thấy “cần thiết”, cho “xứng với tầm vóc, vị thế của tỉnh”.
Tỉnh Hà Tĩnh cũng đang có kế hoạch xây dựng trung tâm hành chính với số vốn đầu tư dự kiến 1.500 tỷ đồng.
Rồi tỉnh Cần Thơ thì cũng xin T.Ư “cấp” cho 188 tỷ đồng để xây dựng tượng đài Thanh niên xung phong.
Trời ạ. Xây tượng đài mà làm gì? Sao không đem số tiền này, cứu giúp những thanh niên xung phong đang bị thương tật hành hạ, đang chạy ăn từng bữa, đang chui trong những căn nhà dột nát… thì hay biết bao nhiêu.
Không hiểu khi các “quan phụ mẫu” của tỉnh vẽ ra xây trụ ở cho oai, cho hoành tráng… thì họ có nghĩ đến là tỉnh đang cần bao nhiêu tiền để đầu tư, mở rộng sản xuất nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo công ăn việc làm cho người dân, và chí ít thì cũng đừng ngửa tay xin gạo cứu đói của Chính phủ nữa hay không?
Họ có nghĩ đến những ngôi trường học xập xệ, có nghĩ đến những bệnh viện mà vài ba người chen chúc nằm một giường hay không?
Những con số thống kê chi phí cho các chuyến đi nước ngoài “tham quan, học tập”; những con số thống kê về lãng phí, tốn kém trong sử dụng xe công; những con số thống kê về bao nhiêu công trình đầu tư tốn kém, nhưng rồi đắp chiếu để đó… là cực kỳ khủng khiếp. Khó có thể đong đếm được một cách chính xác thiệt hại về tài chính, hậu quả của những kiểu “vung tay quá trán”, “trưởng giả học làm sang” ở nhiều địa phương và của không ít bộ, ngành…
Nhiều đại biểu quốc hội lên diễn đàn thì nói sa sả về tình trạng lãng phí, không hiệu quả trong đầu tư công; nói cực kỳ chính xác về con số nợ nần của chúng ta, và vạch ra vô vàn những khiếm khuyết, yếu kém trong quản lý kinh tế, mà chủ yếu là từ… “tầm vĩ mô”. Còn thực trạng như thế nào ở từng địa phương, hình như không ai dám có ý kiến.
Liệu đã có đại biểu quốc hội nào của địa phương dám lên tiếng phản đối chính quyền tỉnh mình chi tiêu lãng phí không? Liệu có đại biểu nào dám nói về những yếu kém trong quản lý kinh tế, trật tự xã hội và vô vàn những sai lầm của chính quyền địa phương không? Thật tiếc, hình như không ai dám nói cả, và thường là tại các kỳ họp quốc hội, các đoàn đại biểu quốc hội đều “thống nhất” cao về phát ngôn. Chỉ trích, phê bình người khác, đơn vị, địa phương khác thì dễ, nhưng tự phê thì xem ra còn “rón rén”.
Thiết tưởng, trong lúc kinh tế còn đang khó khăn thế này, những người có trách nhiệm phải biết suy nghĩ, và từng đơn vị, từng địa phương phải biết siết lại chi tiêu, tập trung cho cái gì cần nhất, cấp bách nhất. Và hãy nêu cao khẩu hiệu là lo cho dân trước. Còn trụ sở chưa “sắp sập”, chưa bị dột nát đến mức phải đội nón ngồi làm việc khi trời mưa, thì có chậm chút cũng chẳng sao.
Người dân sẽ yêu quý chính quyền hơn, nếu như chính quyền lo cho dân trước khi lo cho trụ sở. Còn trụ sở có hoành tráng đến mấy, có lộng lẫy đến mấy, mà dân vẫn đói, kinh tế vẫn phát triển èo uột, không bền vững, thì cũng chỉ là hình thức mà thôi. “Chiếc áo không làm nên thầy tu” – trụ sở chính quyền to, không phải là nơi ấy đã giàu có.
Nhiều quan chức, khi lên diễn đàn, họ nói về tiết kiệm, về Học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh rất hay, nhưng khi họ đã vẽ ra các dự án xây tượng đài, trụ sở, trong lúc còn nghèo, còn thiếu tiền, thì cũng là “nói một đằng, làm một nẻo”.
Hay họ vẫn nghĩ tiền ngân sách là… của chung. Thằng nào xin được, chạy được… thì cố mà kiếm. Còn trong nhiệm kỳ của họ, cố mà xây lấy công trình “thế kỷ”, để “đóng dấu ấn cho nhiệm kỳ của mình”. Và dĩ nhiên, công trình càng to, thì bổng lộc chắc cũng chẳng ít. Các đơn vị nhà thầu được nhận làm, thế nào chả có quà cáp “hiếu kính các anh”… Chuyện ăn chia, chuyện “lại quả” trong xây dựng ai cũng biết là có từ lâu, chỉ có điều “túm” được ai thì không thể?
Và hình như nhiều vị lãnh đạo chính quyền các địa phương cũng “đứt dây thần kinh xấu hổ” rồi thì phải. Hơi có lũ lụt, hơi có hạn hán, hơi có sâu bệnh phá lúa, hơi có dịch bệnh gia súc… là vội vàng kêu gào xin Chính phủ hỗ trợ, cứu đói. Trong khi đó, vẫn vẽ ra xây dựng tượng đài, trụ sở, công viên… Vậy thử hỏi họ lo cho dân kiểu gì đây?
Có lẽ Chính phủ phải nêu ra một điều kiện cho các địa phương là nếu địa phương chưa đạt được tỷ lệ giảm hộ nghèo, chưa đủ sức cứu đói cho dân, thì đừng nghĩ đến xây dựng trụ sở, tượng đài…