Thứ Bảy, 5 tháng 3, 2016

Ba trục trặc của TP. HCM, một đại đô thị khu vực

Huỳnh Thế Du

TTCT - TP Hồ Chí Minh - một megacity (đại đô thị) của khu vực - đang đối diện ba vấn đề then chốt khiến đô thị này chưa thể bật lên như mong đợi.

Đó là bài toán đặt ra cho thế hệ chính khách mới của thành phố, đòi hỏi lời giải tầm chiến lược với những chính sách dài hạn và hiệu quả, vận hành đô thị theo một cấu trúc gồm đại diện chính quyền, các hiệp hội doanh nghiệp và các tổ chức xã hội đại diện cho những tiếng nói khác nhau.

Sau ba thập kỷ đổi mới, dù còn rất nhiều trục trặc và hạn chế nhưng ở trong nước, TP.HCM luôn giữ được vị trí tiên phong. TP.HCM thuộc số ít địa phương có được thành quả phát triển và sử dụng nguồn lực hiệu quả nhất Việt Nam.

Tuy nhiên, nhìn ra bên ngoài, so với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực thì khoảng cách vẫn còn rất xa. Có ba vấn đề then chốt làm cho TP.HCM không thể bật lên gồm: 1) nguồn lực được giữ lại quá ít; 2) đội ngũ công chức thiếu động cơ và công cụ hữu hiệu; 3) chưa bao giờ có chiến lược hay tầm nhìn phát triển dài hạn một cách rõ ràng (hệ quả của hai vấn đề trước).

Vị trí của TP.HCM

Dù chỉ chiếm khoảng 10% dân số và 0,6% diện tích, nhưng TP.HCM đã tạo ra khoảng 20% GDP, 30% số thu ngân sách, thu hút 20% nguồn vốn FDI của cả nước. Khoảng cách với Hà Nội - địa phương tương đương về quy mô dân số và diện tích - rất xa: nền kinh tế TP.HCM vượt trội hẳn trên các chỉ tiêu GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn), thu ngân sách, kim ngạch xuất khẩu (xem bảng) và thu hút FDI. Trong giai đoạn 1995-2014, dân số thành phố đã tăng 72%, trong khi Hà Nội chỉ tăng 45%. Tính số tuyệt đối thì mức tăng của TP.HCM gấp rưỡi Hà Nội.

Tuy nhiên, nhìn ra bên ngoài và ở góc độ phát triển hướng tới một đô thị thịnh vượng được thể hiện qua hai tiêu chí là cạnh tranh và đáng sống, cho dù về vị trí địa lý, quy mô dân số và diện tích cũng như lịch sử hình thành không có nhiều khác biệt, nhưng TP.HCM có vị trí thấp nhất so với 12 thành phố trong khu vực (Tokyo, Hong Kong, Singapore, Seoul, Bắc Kinh, Thượng Hải, Đài Bắc, Kuala Lumpur, Bangkok, Mumbai, Jakarta và Manila) - nhóm có thể xem là đối thủ cạnh tranh hay mục tiêu hướng đến với khoảng cách về trình độ phát triển cũng như môi trường sống vẫn còn rất xa.


3 trục trặc chính

Thứ nhất, ngân sách được giữ lại quá ít.

Nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong, Singapore và Trung Quốc đã trở nên phát triển nhờ tập trung nguồn lực cho những vùng đô thị có tiềm năng tạo ra nhiều giá trị gia tăng và việc làm. Rất tiếc, điều này chưa được xem xét một cách thấu đáo ở Việt Nam.

Trong rất nhiều năm qua, ngân sách của TP.HCM (gồm cả các khoản ghi thu ghi chi qua ngân sách và vốn ODA) chỉ bằng khoảng 10% GRDP. Tỉ lệ này chỉ bằng 1/2 Thượng Hải, Bắc Kinh hay Hong Kong và 2/3 Singapore, trong khi chi ngân sách của Việt Nam lên đến 29% GDP, gấp đôi Singapore, gấp 1,5 lần Trung Quốc và Hong Kong.

Bảng bên cho thấy số chi ngân sách tuyệt đối của TP.HCM chỉ bằng khoảng 90% Hà Nội và so với tỉ lệ GRDP thì chỉ bằng một nửa (19% so với 10%).

Hơn thế, đầu tư của các cơ quan ở trung ương tại Hà Nội rất lớn. Hà Nội cùng các vùng xung quanh được nhận nhiều vốn ODA hơn hẳn. Trong khoảng 700km đường cao tốc đã được xây trên cả nước, TP.HCM chỉ có khoảng 100km, còn lại phần lớn ở quanh Hà Nội.

Thứ hai, đội ngũ công chức thiếu động cơ và công cụ hữu hiệu. Với cơ chế đánh giá và bổ nhiệm cán bộ dường như theo nguyên tắc “không sai” chứ không phải “hiệu quả tổng thể” cộng với việc không phân định rõ ràng trách nhiệm và quyền hạn đã làm triệt tiêu phần lớn khả năng sáng tạo của cán bộ.

Thêm vào đó, số liệu thống kê không đủ độ tin cậy làm cơ sở cho việc hoạch định và đánh giá chính sách, công tác quy hoạch và lập kế hoạch không thể hiện được vai trò cần thiết làm cho việc đưa ra các chiến lược phát triển dài hạn hợp lý và có tính khả thi trở nên bất khả thi.

Thứ ba, TP.HCM chưa bao giờ có chiến lược hay tầm nhìn phát triển dài hạn một cách rõ ràng do eo hẹp về nguồn lực, thiếu động cơ và quan hệ giằng co trung ương - địa phương.

“Báo cáo đánh giá năng lực cạnh tranh của các thành phố” của Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2014 đã chỉ ra tầm quan trọng của tầm nhìn và chiến lược dài hạn cho sự thành công. TP.HCM đang thiếu điều này.

Giai đoạn 1975-1985 thường được nhắc đến như một trong những thời gian năng động nhất của TP.HCM trong bốn thập kỷ qua, nhưng trên thực tế thành phố lúc đó cũng chỉ tập trung vào việc “chạy gạo”. Việc ông Mai Chí Thọ tự nhận là “chủ tịch gạo” đã hàm ý về việc chỉ có thể lo nhu cầu trước mắt của thành phố mà khó làm được những việc mang tính dài hạn.

Từ khi đổi mới đến nay, cách làm việc về cơ bản của TP.HCM vẫn tập trung vào sự vụ. Do không gian ngân sách và quyền tự chủ quá hạn hẹp nên thành phố không thể chủ động hoạch định chiến lược dài hạn, một thời lượng rất lớn của cả bộ máy phải dành cho việc “xin” trung ương cho thêm nguồn lực để ứng phó những vấn đề trước mắt.

Tất nhiên, công bằng mà nói, những kết quả hiện nay của TP.HCM là hiện thân của nỗ lực rất lớn và thành phố vẫn đang là nơi sử dụng nguồn lực hiệu quả, tạo ra giá trị cao nhất tính trên một đồng vốn của cả nước kể từ khi đổi mới đến nay. Những gì mà TP.HCM cần để có thể trở nên cạnh tranh hơn chính là cơ chế để tạo động cơ khuyến khích và nguồn lực được giữ lại để có cơ sở hình thành tầm nhìn chiến lược và mục tiêu dài hạn.

Dường như đã nhận ra các trục trặc này, thời gian qua TP.HCM đã có những sự chuẩn bị cần thiết cả về chiến lược phát triển và nhân sự cho giai đoạn tiếp theo. Văn kiện đại hội X của Đảng bộ thành phố do những người am hiểu địa phương này soạn thảo.

Trong đó, khi xác định đường hướng phát triển, cách tiếp cận hiện đại mà nhiều thành phố trên thế giới đã và đang áp dụng hết sức thành công với hai mục tiêu trở thành một thành phố cạnh tranh và đáng sống đã được đưa ra. Yếu tố nghĩa tình - nét đẹp của văn hóa và truyền thống của TP.HCM - được đưa vào và đây là điều hết sức quan trọng trong bối cảnh không ít người quên hoặc cố tình quên công sức của những thế hệ đi trước.

Liên kết vùng - một trong những vấn đề cực kỳ quan trọng cho sự phát triển không chỉ của TP.HCM mà của cả vùng và Việt Nam - đã được đặt ra, được người đứng đầu chính quyền thành phố chuyển đi trong tham luận tại Đại hội Đảng XII.

Cách thức vận hành đô thị

Các hoạt động trong một đô thị rất phức tạp, nhu cầu và bức xúc của người dân là rất đa dạng. Tuy nhiên, khả năng của khu vực công lại rất giới hạn và không một tổ chức hay cá nhân đơn lẻ nào có thể giải quyết rốt ráo các vấn đề. Do vậy, các đô thị cần được vận hành theo một cấu trúc hay liên minh gồm: đại diện chính quyền, các hiệp hội doanh nghiệp và các tổ chức xã hội đại diện cho những tiếng nói khác nhau.

Giải quyết các vấn đề liên quan là vai trò của các hiệp hội và các tổ chức xã hội chứ không phải của các doanh nghiệp hay cá nhân đơn lẻ. Ví dụ, việc sản xuất và tiêu thụ rau sạch cho Tokyo chẳng hạn, là thỏa thuận giữa hiệp hội của hai bên dựa trên các quy định và chế tài của chính quyền (và sự hỗ trợ nếu có), chứ không phải giữa người dân với cá nhân các doanh nghiệp. Nếu người dân và doanh nghiệp tự thương lượng thường dẫn đến nhiều trục trặc mà việc tiêu thụ sữa ở Củ Chi là một điển hình.

Trong bảy chương trình đột phá, giải quyết nhu cầu hạ tầng giao thông dựa trên hệ thống vận tải công cộng và phát triển gắn với chỉnh trang đô thị với đột phá Thủ Thiêm là hai vấn đề then chốt mà nếu được giải quyết sẽ tạo ra nền tảng quan trọng cho việc nâng cao năng lực cạnh tranh và tính đáng sống của TP.HCM.

Thêm vào đó, liên kết vùng cũng phải là một ưu tiên quan trọng vì chỉ có TP.HCM mới có thể lĩnh ấn tiên phong vấn đề này. Để đạt được các mục tiêu này, việc quan trọng đầu tiên là sự thống nhất và đồng lòng trong đội ngũ điều hành thành phố hiện nay.
***

Điều hành địa phương như một doanh nghiệp hay người đứng đầu địa phương hành động như tổng giám đốc (CEO) đã mang lại những thành công ở một số nơi. Có thể kể tới cựu thị trưởng Seoul Lee Myung-bak và cựu thống đốc bang Massachusetts Mitt Romney.

Với kinh nghiệm điều hành Tập đoàn Hyundai cùng biệt danh “máy ủi” trong gần hai thập kỷ, Lee Myung-bak đã hết sức thành công trong cương vị thị trưởng thành phố 10 triệu dân này giai đoạn 2003-2007, sau đó ông trở thành tổng thống thứ 10 của Hàn Quốc.

Khi sức cạnh tranh và môi trường sống của Seoul gặp trục trặc, Lee Myung-bak đã đặt trọng tâm vào đó. Với phong cách mạnh mẽ, ông “máy ủi” đã tập trung vào hai dự án trọng điểm là khôi phục dòng suối Cheonggyecheon giữa trung tâm Seoul và nâng cấp hệ thống vận tải công cộng.

Bằng việc tạo ra một êkip gắn kết có đủ đại diện của các bên, ông đã thực hiện thành công hai dự án cùng với việc đẩy mạnh liên kết vùng để mang lại sức sống mới cho Seoul. Công thức thành công của ông rất đơn giản: xác định tầm nhìn chiến lược chính là nâng cao sức cạnh tranh và đáng sống của Seoul, sau đó tập trung vào việc xây dựng một liên minh mạnh để triển khai các mũi đột phá.

Còn tại Mỹ, luật bảo hiểm y tế toàn dân (Obamacare) được xem là một trong những thành tựu lớn nhất trong hai nhiệm kỳ tổng thống của ông Obama, dù bị Đảng Cộng hòa phản đối quyết liệt.

Điều thú vị là ý tưởng này lại xuất phát từ Mitt Romney - vị thống đốc thứ 70 thuộc Đảng Cộng hòa của bang Massachusetts, nơi là cái nôi của Đảng Dân chủ. Với kinh nghiệm hơn hai thập kỷ rất thành công trong lĩnh vực kinh doanh, nhất là kinh doanh tài chính, khi Massachusetts gặp khủng hoảng lãnh đạo do thâm hụt ngân sách trầm trọng và nhiều bê bối khác, Mitt Rommey đã nổi lên như một người có năng lực và đã giành chiến thắng thông qua bầu cử trực tiếp năm 2002.

Nhờ xây dựng được một đội ngũ cộng sự có năng lực không phân biệt đảng phái, Mitt Romney đã đạt được rất nhiều thành tựu trong nhiệm kỳ thống đốc 2003-2007.

Trong đó, đáng kể nhất là việc cắt giảm thâm hụt ngân sách và ban hành luật bảo hiểm y tế toàn bang (Romneycare). Một trong những chìa khóa là ông đã thuyết phục được Ted Kennedy - một trong những thượng nghị sĩ danh tiếng nhất trong lịch sử Hoa Kỳ và thủ lĩnh của Đảng Dân chủ ở Massachusetts - ủng hộ và cùng hợp tác.