Nguyên Vũ
(PLO) - Được đầu tư hơn 3.200 tỉ đồng với diện tích rộng tới 1.544ha, hứa hẹn thu hút hàng trăm nghìn lượt khách du lịch tham quan mỗi năm. Tuy nhiên, gần 6 năm qua địa chỉ văn hóa này chẳng khác gì khu đất bị bỏ quên cho mối ăn.
Quá nhiều hạng mục xuống cấp
Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam là dự án đồ sộ, bắt đầu triển khai từ năm 2008 và mở cửa một số hạng mục từ tháng 9/2009. Nhìn tổng thể bên ngoài Làng Văn hóa - Du lịch hoành tráng, đồ sộ là thế nhưng khi bước chân mục sở thị từng khu, du khách mới ngã ngửa, giật mình. Các hạng mục thi công dở dang, đất đai, vật liệu đắp ngổn ngang khắp nơi khiến không gian làng càng trở nên thiếu sinh khí, cô quạnh.
Nằm trên diện tích rộng lớn hơn 1.544ha, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam theo kế hoạch dự án, là nơi kết tinh của 54 dân tộc anh em, thu hút khách đến tham quan, khám phá không gian, phong tục tập quán của từng dân tộc nhưng hầu hết các công trình đều xuống cấp trước khi hoàn thiện, nhiều mô hình nhà các dân tộc bị đóng kín mít, không có người quản lý, hướng dẫn.
Nhà để cho du khách tham quan nhưng lúc nào cũng trong tình trạng “kín cổng cao tường”, mái lợp bằng rơm rạ lâu ngày đã xuống cấp trơ ra cả lớp cột tre buộc ở trong. Muốn chiêm ngưỡng tinh hoa vật thể của các dân tộc, khách du lịch phải “thò cổ” ngó từ cửa sổ vào trong nhà. Thực tế, ngoài dáng vẻ sừng sững, hiên ngang thì bên trong rỗng toác, vô hồn. Mùi hôi hám, ẩm mốc xộc lên mũi, cay xè mắt.
Từ suốt cổng vào đến các khu làng dân tộc Ba Na, khu trưng bày tượng đá Trường Sa, Làng dân tộc Gia Rai, khu vườn tượng Tây nguyên, khu các làng dân tộc miền núi phía Bắc, khu chợ nổi... chỉ thấy xuất hiện lác đác vài bóng dáng của bảo vệ, nhân viên và thợ xây đang tu sửa công trình. Theo lý giải của Ban Quản lý trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều công trình xuống cấp do phải làm bằng tranh, tre, nứa, lá cho đúng nguyên bản nên không chịu được mưa nắng.
Trên thực tế nhà của các dân tộc được làm từ loại tre đặc ruột, ngâm chín, rất bền chắc, gỗ cũng là những loại gỗ tốt có tính chịu lực cao. Vậy những vật liệu sử dụng trong quá trình xây dựng Làng Văn hóa các dân tộc nếu đúng chất liệu và đảm bảo chất lượng thì có nhanh xuống cấp đến thế không?
Theo phản ánh của những du khách đến tham quan các công trình ở Làng Văn hóa đang có tình trạng vừa xây, vừa đưa vào sử dụng khai thác du lịch nên xây chỗ này thì hỏng chỗ kia, chỗ này chịu mưa nắng nên hỏng hóc, chỗ kia mối xông hoành hành...
Khi bắt đầu tiến hành xây dựng, Ban Quản lý dự kiến đến năm 2015 sẽ hoàn tất và trở thành trung tâm văn hóa mang tính quốc gia. Tuy nhiên, đến nay đã là năm 2016, nhiều công trình vẫn dang dở, chắp vá và cũng chưa biết đến khi nào sẽ chính thức hoàn thành. Mục tiêu của Làng Văn hóa - Du lịch là thu hút du khách đến với làng để thấy được tinh hoa văn hóa, phong tục tập quán của từng dân tộc do chính người dân tộc giới thiệu.
Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, việc đưa đại diện 54 dân tộc về sinh sống tại làng đang là thách thức lớn vì thiếu kinh phí, các công trình xuống cấp trầm trọng thì tinh hoa văn hóa, phong tục tập quán của trung tâm văn hóa mang tính quốc gia rồi sẽ đi về đâu?
Đìu hiu hoạt động và nỗi lo mối mọt
Mặc dù được đầu tư 3.200 tỉ đồng trên diện tích 1.544ha nhưng sau 6 năm, Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc chỉ có vài ba hoạt động được tổ chức thường niên như: Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Tuần lễ Đại đoàn kết các dân tộc - di sản văn hóa Việt Nam, Sắc xuân trên mọi miền đất nước... Trong tương lai nếu tiếp tục không có kế hoạch duy tu, bảo tồn và khai thác hợp lí, Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc sẽ dần bị lãng quên, bởi không mang lại giá trị tinh thần cũng như vật chất.
Có mặt tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc vào một dịp cuối tuần, tận mắt phóng viên thấy cảnh các ụ mối đang xâm lấn các công trình văn hóa. Điển hình như nhiều công trình của dân tộc Chơro đang bị mối ăn cầu thang ngôi nhà, hay một số bức tượng nhà mồ như tượng “Mẹ địu con” bị mối mọt ăn mục nằm chỏng chơ trong khu nhà của người Tây Nguyên…
Trong văn hóa của người Tây Nguyên, tượng nhà mồ có giá trị tâm linh hết sức độc đáo. Những bức tượng ấy không chỉ là “đứa con tinh thần” mà người Tây Nguyên thổi vào từng khúc gỗ đó còn là văn hóa tinh thần, tín ngưỡng tâm linh của đồng bào. Nhìn khung cảnh trên du khách và đồng bào cũng không khỏi xót xa trước giá trị tinh thần của các dân tộc Tây Nguyên đang bị bỏ rơi ngay tại chính không gian tái hiện văn hóa 54 dân tộc./.